Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xanh lại Tà Cóm

Đức Tuyền

Thứ năm, 18/08/2022 - 08:37

(Thanh tra)- Một thời, những cái “chết trắng” từng bao phủ lên bản Tà Cóm, Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa, đem lại cho nơi đây khung cảnh tiêu điều. Trẻ, già, trai, gái nghiện ngập; những căn nhà xiêu vẹo; ruộng nương để không… đời sống đồng bào vô cùng cơ cực.

Trẻ em các độ tuổi ở Tà Cốm đều được đến trường

Nhưng rồi, bằng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, đưa luật lên với đồng bào của các cấp ngành… mà những năm gần đây, vùng đất này đã tươi xanh trở lại.

Một thời để nhớ

Mảnh đất Tà Cóm là nơi cư trú của 100% đồng bào người Mông và hầu hết người dân ở đây thuộc hộ nghèo. Thiên nhiên và khí hậu ở đây khắc nghiệt, khiến cho việc trồng cấy, chăn nuôi đều khó khăn, năng suất rất thấp. Đường đi lại khó khăn nên giao thương không thuận lợi, do bản có quá nhiều người nghiện ma túy nên tài sản bị tiêu tán. Sức khỏe người dân giảm sút, lười làm nương, làm rẫy nên cuộc sống luôn nghèo đói.

Lợi dụng đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa, trình độ hiểu biết hạn chế nên nhiều đối tượng đã lôi kéo bà con nghiện hút ma túy, thậm chí là tham gia vào đường dây buôn bán chất cấm này. Tà Cóm thời điểm cao nhất có trên 50 người nghiện ma túy, chiếm khoảng 10% dân số, người trẻ nhất sinh năm 1996. Điều đáng buồn là có gia đình cả hai vợ chồng cùng nghiện, có gia đình cả bố, con hoặc cả 3 anh em đều dính vào ma túy.

“Thằng Hờ A Su bị nghiện trước, sau đó, vợ nó là Thào Thị Chu cũng nghiện theo. Hai vợ chồng nó vật vờ đi làm thuê, được đồng nào mua thuốc đốt hết. Đứa con hai tuổi của nó cứ lang thang chơi một mình, bữa đói, bữa no. Thằng Sùng A Dơ (40 tuổi), cùng vợ Thào Thị Dợ cũng mắc nghiện từ mấy năm nay rồi, dù đã có 3 mặt con. Rồi Phàng An Chỉnh và vợ Hạng Thị Xua đều nghiện ma túy. Nhà Sùng A Nênh thì cả 3 bố con đều nghiện ma túy” - một công an viên của bản Tà Cóm, điểm danh một loạt người nghiện ở bản nghèo này.

Còn nữa, Giàng A Thái sau khi đến với ma túy đã dẫn đường cho em ruột là Giàng A Dơ nghiện theo. Nhà họ Sùng, cả 3 anh em Sùng A Thanh (SN 1971), Sùng A Su (SN 1973), Sùng A Xê (SN 1976) đều rủ nhau chơi heroin. Nhà họ Thào cũng vậy, cả 3 anh em trai Thào A Tính, Thào A Thái, Thào A Danh đều dính vào ma túy. Đến thời điểm này, bản Tà Cóm đã có 8 người đi tù vì liên quan đến ma túy, 9 người nghiện được đưa đi cai nghiện tập trung. Đáng buồn là cả 9 người đều tái nghiện sau khi hòa nhập cộng đồng.

Để ngăn chặn hiểm họa do ma túy, Đồn Biên phòng xã Trung Lý đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng cũng xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Có điều, dù đã bóc gỡ nhiều đường dây, bắt nhiều đối tượng mua bán ma túy nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tệ nạn ma túy tại Tà Cóm cũng như ở các thôn, bản khác ở xã Trung Lý.

Xác định đây là địa bàn trọng điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, đầu tháng 5/2018, Ban Công an xã Trung Lý đã tham mưu Ủy ban nhân dân nhân dân xã phối hợp với Ban Quản lý bản và trưởng các dòng họ, già làng, người có uy tín trong bản thành lập 5 tổ tuyên truyền, vận động - trên cơ sở từ các dòng họ lớn trong bản. Tổ chức họp bàn để tìm ra những giải pháp giảm thiểu tệ nạn ma túy trong bản. Từ đó, phân công cho các tổ, đội thường xuyên đến từng hộ gia đình tuyên truyền những tác hại về ma túy và hệ lụy của nó mang lại, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng của bà con nhân dân trong bản chung sức đẩy lùi tệ nạn ma túy, đã có 19 đối tượng tự nguyện đến nhà trưởng dòng họ để cai nghiện; đến nay có một số trường hợp đã cắt hẳn cơn thèm thuốc.

Ông Thào A Giọng (sinh năm 1958) là một người dân của bản Tà Cóm từng cùng vợ sử dụng ma túy cho biết: Lúc bấy giờ gia đình rất nghèo, các con không được học hành. Những lần lên cơn thèm thuốc, tôi phải đem các vật dụng sinh hoạt trong gia đình đi bán để lấy tiền hút ma túy. Nhưng tôi đã gặp may mắn khi lắng nghe những lời khuyên nhủ của các trưởng dòng họ, ban quản lý bản. Tôi dần dần hiểu ra những tác hại của ma túy và đã đi cai nghiện.

Trường hợp ông Giọng là một trong số nhiều người ở bản Tà Cóm đã nghe lời của cán bộ mà quyết tâm đi cai nghiện ma túy. Đã có nhiều trường hợp cai nghiện thành công để trở về với gia đình, tập trung canh tác sản xuất, phục hồi lại ruộng vườn, từ đó cuộc sống cũng dần thoát cảnh nghèo đói.

Phát triển kinh tế để thoát nghèo

Nhờ những chính sách thiết thực đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, giờ đây Bản Tà Cóm không còn nhiều hộ thiếu ăn như xưa nữa. Trong những năm qua, tỉnh và huyện Mường Lát đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào nơi đây, từ việc ổn định dân cư, khơi dậy tinh thần làm chủ, ý thức tự lực, tự cường của nhân dân. Tiếp đến là đầu tư phát triển sản xuất, hướng dẫn đồng bào kiến thiết nương rẫy, khai hoang ruộng lúa nước và đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi thiết yếu phục vụ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng thôn bản văn hóa mới...

Cuộc sống đồng bào Mông ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát đang đổi thay từng ngày

Nhiều năm trước đây, nhắc đến bản Tà Cóm, người ta chỉ nghĩ đến một vùng đất của những con nghiện ma túy, đến những ngôi nhà tuềnh toàng, xiêu vẹo, những ruộng nương bỏ không lay lắt cỏ hoang, những đứa trẻ sống vật vờ không được đi học… Nhưng nay khi nói đến vùng đất này người ta thường nói đến sự đổi thay của nó.

Bằng sự nỗ lực của mỗi cá nhân, mỗi gia đình cùng với sự hỗ trợ của địa phương, cuộc sống của nhiều hộ dân ở Tà Cóm đã tốt hơn trước rất nhiều. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Giàng A Sùng, người từng chứng kiến anh trai mình nghiện ngập chia sẻ: Cuộc sống chúng tôi trước đây quá khó khăn. Cứ sản xuất ra được cái gì là anh trai lại tìm cách mang đi bán để mua ma túy về hút, cả nhà quanh năm chịu cảnh đói. Nhưng bây giờ cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, ruộng ngô đầy bắp, có lợn, có gà… Và gia đình còn có niềm vui hơn khi anh trai thì đã cai nghiện thành công và sắp cưới vợ. Chúng tôi cảm ơn chính quyền đã kịp thời tuyên truyền để chúng tôi hiểu tác hại của ma túy từ đó tránh xa mà tập trung sản xuất làm ăn.

Ở huyện Mường Lát, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách để hỗ trợ đồng bào Mông phát triển sản xuất. Đặc biệt, Dự án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát” đã làm thay đổi nhiều bản làng, cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Mông nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Trong những năm tới, huyện tập trung sắp xếp lại dân cư, đất đai hợp lý để đồng bào dân tộc Mông có đất ở, đất sản xuất. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng đưa các mô hình phát triển kinh tế mang tính bền vững bằng những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng... góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, để cuộc sống đồng bào Mông ngày càng ổn định bền vững.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm