Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Việt Nam đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền

Phương Anh

Thứ sáu, 10/11/2023 - 22:25

(Thanh tra) - Nước ta đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV

Ngày 10/11, Hội Phụ sản Việt Nam phối hợp cùng Cục Dân số, Bộ Y tế; Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” .

Thông tin tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thời gian qua  Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ 2007 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.

Tuy nhiên, nước ta đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.

Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị - nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người (chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước), điều này sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Theo các chuyên gia y tế, mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời, tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Theo các chuyên gia y tế, mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc đến cơ cấu dân số. Ảnh minh hoạ: PV

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, một trong những vấn đề quan trọng là tỷ lệ vô sinh của Việt Nam ở mức cao. Thời gian tới, cần có những giải pháp can thiệp, hỗ trợ để giúp cá nhân, cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ mức chết cao sang mức chết thấp, từ cơ cấu “dân số trẻ” sang giai đoạn “già hoá dân số” và chuyển sang “dân số già”; từ cơ cấu “dân số phụ thuộc” sang cơ cấu “dân số vàng”.

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, đại diện Cục Dân số cho biết đang tham mưu xây dựng Dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất các biện pháp của Nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Theo đó, có các biện pháp được đề xuất là: Hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.

Cùng đó, dự thảo đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm