Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tục bình quyền của người Pà Thẻn

Thứ năm, 21/07/2022 - 08:00

(Thanh tra)- Hiện trên nước ta có nhiều dân tộc sinh sống, ngoài các phong tục tập quán lạc hậu thì cộng đồng các dân tộc còn có nhiều phong tục tập quán hết sức nhân văn, cần bảo lưu và phát huy.

Phụ nữ Pà Thẻn bao giờ cũng được bình quyền và rất hạnh phúc với cuộc sống của mình. Ảnh: Đức Tuyền

Phong tục tập quán tốt đẹp này được coi như cái lệ (dưới ngưỡng của luật) để các dân tộc “dựa” vào đó điều chỉnh cuộc sống cộng đồng mình. Chủ trương bảo lưu, phát huy gìn giữ các luật tục tốt đẹp này đang được nhiều tỉnh đưa ra và đang phát huy nhiều tác dụng, “hợp lòng”, “hợp bụng” với bà con mà trong đó Hà Giang là một thí dụ.

Một dân tộc đặc biệt

Phát huy, bảo lưu phong tục tập quán tốt đẹp trong đồng bào các dân tộc thiểu vốn là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, xuyên suốt từ trước đến nay. Đặc biệt, để thực hiện chủ trương này, ngày 19/6/1998 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/1998/CT/TTg Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của bản làng, thôn ấp, cụm dân cư. Trong chỉ thị này, có nêu rõ nội dung quy ước căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội, phong tục tập quán của địa phương.

Hà Giang - mảnh đất biên cương, địa đầu cực Bắc Tổ quốc là nơi hội tụ 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,7% cơ cấu dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Mông chiếm 34,46%, Tày (22,43%), Dao (14,82%), Kinh (12,30%), Nùng (9,51%), còn lại là các dân tộc khác; có 9 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 5 dân tộc có khó khăn đặc thù, gồm: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn.

Trẻ em dân tộc Pà Thẻn bao giờ cũng được xóm làng và gia đình nâng niu và được dạy ý thức rất sớm về trang phục và truyền thống dân tộc

Riêng đối với dân tộc Pà Thẻn, hiện cộng đồng này có gần 7.000, sống tập trung ở một số xã thuộc 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, trong đó Hà Giang là nơi người Pà Thẻn cư trú đông nhất. Cũng như một số dân tộc thiểu số khác, người Pà Thẻn có một bản sắc văn hóa truyền thống hết sức phong phú mà trong đó cái cần phải kể đến là các luật tục phát sinh, xuất nguồn từ xa xưa được lưu giữ qua các đời để cộng đồng cùng tuân thủ nghiêm ngặt. Luật tục riêng có này giúp cho cộng đồng, bản làng người Pà Thẻn được yên ấm, an lành vầ nâng cao nữ quyền của dân tộc này.

Ngoài các phong tục tập quán, kho tàng văn hóa dân gian thì người Pà Thẻn còn có lễ nhẩy lửa. Đây là lễ hội riêng có của người Pà Thẻn. Trong 54 dân tộc nằm trong cộng đồng của Việt Nam, người Pà Thẻn còn có tên gọi khác là “Pá Hưng” hay “Tống ”. Ngôn ngữ dân tộc Pà Thẻn thuộc nhóm Mông - Miền (Mông - Dao ).

Ở Hà Giang - nơi được coi là “thủ phủ” của người Pà Thẻn thì tộc người này cư trú chủ yếu ở 5 xã: Tân Bắc, Tân Lập, Tân Trịnh, Yên Thành và Tân Nam.

Tại xã Tân Bắc (huyện Quang Bình) người Pà Thẻn có khoảng 1.849 khẩu, chiếm 45% dân số toàn xã. Riêng thôn My Bắc là nơi tập trung đông nhất với 131 hộ khoảng 638 khẩu.

Người Pà Thẻn có một bản sắc văn hóa truyền thống hết sức phong phú mà trong đó cái cần phải kể đến là các luật tục để cộng đồng cùng tuân thủ, nhất là sự tôn trọng nữ quyền của dân tộc này.

Lễ cưới xin của người Pà Thẻn. Ảnh: Đức Tuyền

Về trang phục, nam thường mặc áo quần màu chàm, áo cánh ngắn xẻ ngực, quần lá tọa, khá giống dân tộc Tày... Riêng trang phục nữ thì rất sặc sỡ và đẹp, gam màu chủ yếu là màu đỏ, có điểm xuyến các màu khác như chàm, trắng, vàng, đen được làm bằng các dải dây và thêu hoa văn nhìn rất bắt mắt. Vòng đeo cổ, đeo tay của phụ nữ Pà Thẻn trang sức bằng bạc.

Lý giải về việc tại sao người Pà Thẻn chỉ cư trú ở Hà Giang, Tuyên Quang là cả một huyền tích. Theo truyền thuyết, từ một ngày rất xa xưa, thời đó đang bị chiến tranh loạn lạc, hai anh em người Pà Thẻn đi chạy loạn, người anh đi trước, người em đi sau. Đến một ngã 3 đường, người anh lấy một đoạn cây làm chỉ dấu để chỉ hướng đi cho người em biết và đi theo. Chẳng may khúc cây đó bị lợn rừng ủi lệch sang hướng khác, dẫn tới 2 anh em mỗi người đi một ngả bị lạc nhau.

Người em đã đi theo một hướng có nhắc đến một địa danh là “Hủng sợ”, ngày nay cho rằng đó có thể là một từ Hán - Việt nói tới “Hùng Sơn” nghĩa là một dãy núi hùng vĩ mà tổ tiên người Pà Thẻn ở My Bắc đã đi qua. Sau đó, người em đã đi đến vùng Chiêm Hoá (Tuyên Quang) rồi định cư, trong đó có một số người Pà Thẻn từ Chiêm Hoá mới di cư nên Hà Giang cư trú bây giờ. Đến nay, người Pà Thẻn ở My Bắc không biết đã qua bao nhiêu đời định cư yên ổn tại nơi đây.

Người Pà Thẻn cho rằng có một thời kỳ dân tộc này đã phải vượt biển trên đường di cư, vì vậy, có một vật phẩm giờ đến giờ họ vẫn còn lưu giữ theo tín ngưỡng tâm linh, đó là vỏ các con sò biển. Vỏ con sò biển được sử dụng trong vòng đeo trang sức của người phụ nữ, và đính trên mũ của trẻ em (loại sò có miệng rộng, đẹp). Khi trẻ em lớn lên, vỏ con Sò biển đó lại được tháo ra để truyền lại làm mũ cho các trẻ em khác.

Người Pà Thẻn không ăn Tết cơm mới vào cùng một ngày mà họ ăn vào 3 ngày khác nhau.

Ngày 9/9 Âm lịch: Họ Sìn ăn rất sớm, vì khi đó họ Sìn trồng được giống lúa mới, chín sớm hơn các họ khác, nên họ Sìn làm Tết sớm hơn để cúng trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho họ có mùa màng ấm no. Và tục ấy cũng giữ đến ngày nay.

Ngày 27/9 Âm lịch: Gồm các họ Tải, Làn, Phù, Lừu, Hủng, Ván, Tẩn.

Ngày 28/9 Âm lịch: Chỉ riêng họ Xìn.

Truyền thuyết kể rằng, họ Xìn có một cô con gái lấy chồng xa, bố mẹ đẻ mời về ăn tết cơm mới, nhưng đường xa nên 27/9 không về kịp, gia đình đã chờ tới ngày hôm, khi con gái về mới ăn Tết, từ đó tục này giữ đến ngày nay.

Hôn nhân và bình quyền

Nói đến người Pà Thẻn là nói đến một dân tộc có đời sống văn hóa tinh thần hết sức đọc đáo và giàu bản sắc. Bên cạnh các tục như nhẩy lửa, cơm mới thì phải kể đến tập tục nhập họ cho con dâu của người Pà Thẻn. Chính do tập tục nhập họ này mà họ của người Pà Thẻn luôn được bảo toàn và không bao giờ họ sợ mất họ, mất người hương khói và xóa bỏ cơ bản tập tục “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại dai dẳng.

Cưới hỏi của người Pà Thẻn cũng hết sức đặc sắc. Theo truyền thống, trai gái Pà Thẻn tìm hiểu nhau khi gặp mặt không phân biệt trai đến nhà gái trước hay gái đến nhà trai trước. Nếu bên trai đến trước thì họ phải xin phép hộ gia đình nào đó trong làng cho phép được tìm hiểu taị gia đình đó. Khi đi, nếu bên trai có 2 người thì bên gái phải bố trí 3 người và ngược lại, nhưng 3 trai không được trùng họ với nhau và 2 gái cũng không được trùng họ nhau. Gia đình sẽ chuẩn bị cho một chiếc ghế dài và củi để đốt cho trai gái tìm hiểu. Sau bữa tối gia đình đi ngủ nhường lại bếp lửa cho thanh niên, trên một chiếc ghế băng dài từng cặp ngồi xen kẽ sao cho mỗi cặp trai và gái không được trùng họ. Sau một thời gian tìm hiểu, nếu hợp nhau, họ sẽ thông báo cho gia đình tổ chức.

Khi ăn hỏi hai gia đình phải trải qua ba hoặc bốn lần gặp mặt rồi mới đến kết hôn. Trước khi nhà trai tới rước dâu đêm hôm trước, nhà gái cúng một đêm để cắt họ. Hôm sau, khi nhà trai rước dâu thì nhà trai cũng phải cúng nhập dâu để hợp nhất thành chủ. Cô dâu phải dùng khăn che mặt, ngồi một chỗ cho tới khi tối đi ngủ mới được bỏ ra.

Người Pà Thẻn có truyền thống chung thủy một vợ một chồng từ xa xưa. Họ đã có một lời nguyện thề, nếu đã làm vợ chồng thì làm mãi mãi. Chính vì vậy lịch sử người Pà Thẻn từ xưa đến nay không được phép ly hôn, kể cả khi lấy vợ sinh con mà không có người nối dõi (con trai) vẫn không được phép đi lấy vợ khác.

Người Pà Thẻn khi kết hôn, con gái đi lấy chồng bao giờ cũng bị cúng cắt hộ và nhập họ nhà trai. Vậy tục nối dõi lưu truyền trong tất cả những người mang họ đó, chứ không phải trong một gia đình. Bởi thế mà người Pạ Hưng không bao giờ bị mất họ.

Ẩm thực của người Pà Thẻn cũng khá phong phú. Các món đặc biệt phải kể đến là thịt trâu muối treo khô, thịt lợn muối treo khô, bánh sừng trâu, cơm ngũ sắc, noãn cọ, noãn mây, cá sông nướng... Những món ăn được chế biến hết sức đơn sơ cùng với sự nhiệt tình cởi mở chắc chắn sẽ mang lại sự ngon miệng cho người thưởng thức. Người Pà Thẻn đặc biệt rất hiếu khách. Khi khách đến nhà ăn cơm, ăn xong khách không được dọn mâm, bởi họ quan niệm như vậy là khách đến lần cuối và chủ nhà tiếp đón chưa chu đáo... Có thể nói những bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống dân tộc Pà Thẻn sẽ làm cho các bạn gần xa thích thú.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm