Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thu nhập bình quân của lao động 7 triệu/tháng, hơn nửa triệu người đã mất việc, giảm giờ làm

Hương Giang

Chủ nhật, 04/06/2023 - 23:25

(Thanh tra)- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, những tháng đầu năm nay đã có hơn nửa triệu lao động bị thôi việc, mất việc, ngưng việc, giảm giờ làm và rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn sáng ngày 6/6 tới đây. Ảnh: P.Thắng

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa có báo cáo gửi Quốc hội một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp 5 vào tuần tới.

Lao động, việc làm khó khăn từ cuối tháng 4

Tại báo cáo này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, các cân đối lớn được bảo đảm, thu nhập của người lao động được cải thiện.

“Thu nhập bình quân của người lao động quý I là 7 triệu đồng, tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước”, theo ông Dung.

Thị trường lao động có sự “phát triển nhẹ” nhờ sự tăng trưởng ở ngành thương mại - dịch vụ (ngành sử dụng nhiều lao động nhất) khi 4 tháng đầu năm nay có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8%.

“Tuy nhiên, diễn biến cuối tháng 4 và tháng 5 về sản xuất kinh doanh kéo theo vấn đề lao động, việc làm có diễn biến khó khăn hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.

Theo Bộ trưởng, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp).

Tương ứng là 509.903 lao động bị ảnh hưởng việc làm; trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng).

Trước điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến nhiều giải pháp. Theo ông, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.

Ông Dung nhấn mạnh đến thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng…”, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nêu.

Gần 1 triệu người rút BHXH 1 lần trong năm 2022

Từ tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH 1 lần, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Cạnh đó, do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều nên khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn đã rút BHXH 1 lần.

“Hầu hết lao động trẻ chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già”, ông Dung nhận định.

Bộ trưởng thừa nhận, thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến chưa thực hiện tốt việc duy trì việc làm cho người lao động như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp…

Dẫn báo cáo của BHXH Việt Nam, ông Dung cho hay, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người. Số này tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần. Trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người, chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng.

Nhiều giải pháp được tư lệnh ngành lao động đưa ra. Trong đó, ông tiếp tục nhấn mạnh, cần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động.

Song song với đó, là sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn; sửa đổi quy định chính sách phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn để người lao động tham gia BHXH.

Tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nói về giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân.

Theo chương trình kỳ họp 5, Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng là tư lệnh ngành đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, sáng ngày 6/6.

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội sẽ được chất vấn gồm:

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực BHXH (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền BHXH, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ BHXH; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm