Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Thống
Thứ ba, 22/02/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022, tại Nghệ An liên tiếp xảy ra các vụ đình công của công nhân lao động đòi các doanh nghiệp đáp ứng quyền lợi và chế độ. Mặc dù các vụ việc đã được tổ chức công đoàn phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động giải quyết quyền lợi trước mắt, nhưng dự báo có những diễn biến phức tạp.
Gần 2.500 công nhân Công ty TNHH VietGlory đứng trước cổng nhà máy may để đòi quyền lợi. Ảnh: Xuân Thống
3 vụ đình công, ngừng việc tập thể sau Tết
Chiều 7/2/2022, đúng ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, gần 2.500 công nhân tại Công ty TNHH VietGlory (Cty VietGlory), đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu đồng loạt ngừng việc tập thể với nội dung yêu cầu quyền lợi. Ngay khi sự việc xảy ra, các ban ngành của huyện Diễn Châu, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đã có mặt để tham gia giải quyết. Mặc dù các cơ quan chức năng đã trực tiếp tuyên truyền thuyết phục, nhưng công nhân vẫn không chấp thuận. Những yêu cầu mà người lao động làm việc ở đây kiến nghị đến doanh nghiệp tập trung vào việc đòi công ty tăng lương cơ bản và phụ cấp thâm niên. Điều đáng nói, cách đây 1 năm, vào ngày 16/2/2021, chính tại công ty này, gần 1.400 công nhân lao động cũng đình công. Nguyên nhân bắt nguồn từ những yêu cầu về quyền lợi của người lao động trước đó chưa được giải quyết.
Trong lúc tại Cty VietGlory đình công đang dần kết thúc thì vào chiều 15/2, sau giờ nghỉ trưa, hơn 1.700 công nhân lao động Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam đóng ở địa bàn giáp ranh TP Vinh và huyện Hưng Nguyên đã không vào nhà xưởng mà tập trung ở sân công ty. Lý do dẫn đến công nhân ngừng việc tập thể liên quan đến một số kiến nghị yêu cầu công ty đáp ứng như: Tăng lương, tăng phụ cấp thâm niên (chưa áp dụng), tăng chất lượng, giá trị suất ăn (hiện 14 ngàn đồng/suất) và thực hiện một số chế độ cho các công nhân bị F0, F1.
Ngay sau khi sự việc diễn ra, lãnh đạo LĐLĐ TP Vinh, UBND phường Vinh Tân đã có mặt để nắm bắt tình hình. Điều đáng nói, sự việc công nhân đình công diễn ra trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, buộc chính quyền địa phương cảnh báo công nhân lao động về nguy cơ bùng phát dịch từ việc tập trung đông người trái quy định và yêu cầu người lao động xếp hàng, đảm bảo khoảng cách an toàn.
Sau khi ổn định tổ chức, đại diện lãnh đạo LĐLĐ TP Vinh, lãnh đạo xã cùng cán bộ các bên liên quan đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo công ty và đại diện người lao động để giải quyết. Sau khi được giải thích, tuyên truyền, vận động, số công nhân tham gia đã giải tán và hứa trở lại làm việc ngay ngày hôm sau, cam kết tự bảo đảm các yêu cầu về chống dịch.
Cùng ngày, tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, hàng trăm công nhân của Công ty CP Nam Thuận Nghệ An cũng tổ chức ngừng việc tập thể ở dây chuyền may. Lý do người lao động kiến nghị gồm nhiều vấn đề như tăng lương không công bằng giữa các bộ phận khác nhau, yêu cầu tăng phụ cấp xăng xe, không trừ các khoản phụ cấp trong tháng một cách vô lý, không trừ tiền nghỉ phép vào tiền thưởng tháng 13... Ngay sau khi xảy ra vụ đình công, LĐLĐ huyện Diễn Châu đã có mặt, tiếp thu kiến nghị của người lao động để sớm giải quyết vụ việc.
Giải quyết đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa doanh nghiệp, người lao động
Qua những cuộc đình công, ngừng việc tập thể đều bắt nguồn từ các kiến nghị cụ thể mà công nhân tại các doanh nghiệp đưa ra thì còn những vấn đề lâu nay mà người lao động chưa được giải quyết tại các doanh nghiệp như: Mức lương tối thiểu vùng còn thấp; thu nhập thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác dẫn đến đời sống gặp khó khăn; áp lực lao động trong thời điểm đầu năm và cung cách quản lý thiếu chuẩn mực của người sử dụng lao động…
Có thể thấy, khi xảy ra các sự việc liên quan ngừng việc tập thể, đình công thì vai trò quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của tổ chức công đoàn chính nơi đó. Họ cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, yêu cầu người sử dụng lao động công khai, minh bạch các chế độ, chính sách. Khi xảy ra đình công, công đoàn cơ sở cần kịp thời báo cáo tình hình, tiếp cận người lao động, làm việc với người sử dụng lao động, theo dõi sát các diễn biến, kiến nghị hướng giải quyết cũng như các bước giải quyết, nhằm việc phòng ngừa và giải quyết các cuộc đình công không tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật.
Sau những vụ đình công, ngừng việc tập thể, lãn công của công nhân tại một số nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để sớm ổn định tình hình, đảm bảo tốt cho quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động cũng như môi trường đầu tư và an ninh trật tự trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, chủ động nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn, nhất là vào các dịp lễ, Tết, điều chỉnh lương hàng năm, bảo đảm chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quyền lợi, các chế độ lương, thưởng, phụ cấp, chế độ bảo hiểm, tăng ca, làm thêm giờ.
Đồng thời, tổng hợp cụ thể số lượng công dân, đoàn viên, hội viên thuộc đơn vị, tổ chức quản lý đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên toàn tỉnh để từ đó nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, phát hiện những dấu hiệu có khả năng phát sinh vấn đề phức tạp, kịp thời phối hợp với các ngành chức năng giải quyết sớm đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đúng các quy định pháp luật của Nhà nước, cùng chia sẻ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người lao động nhằm nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của người lao động để từ đó góp phần tạo niềm tin, gắn bó lâu dài của các doanh nghiệp, tạo môi trường tốt thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát huy tối đa vai trò của tổ chức công đoàn từ tỉnh đến cơ sở, chủ trì phối hợp với mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời có giải pháp không để xảy ra hoặc xử lý ổn định sớm việc đình công, lãn công tại các địa phương...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà