Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sửa luật là giải pháp căn cơ để xử lý nợ BHXH

Trần Kiên

Thứ bảy, 15/07/2023 - 08:25

(Thanh tra) - Một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết quyền lợi cho hàng trăm nghìn lao động đang bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) là hoàn thiện các quy phạm pháp luật.

Luật pháp cần đồng bộ để xử lý được hành vi chậm, trốn đóng BHXH. Ảnh minh họa

Làm quyết liệt nên số nợ BHXH đã giảm

Thông tin về tình trạng nợ BHXH, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, những năm qua, đặc biệt là thời kỳ Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp (DN) hết sức khó khăn, nhiều DN giải thể, phá sản. Với khó khăn đó, DN không có nguồn để trả lương cho người lao động, dẫn đến nợ đóng BHXH.

Dựa trên thẩm quyền của mình, BHXH Việt Nam đã quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm nợ BHXH, từ việc nắm bắt đơn vị, đôn đốc, gửi thông tin, thông báo, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan đến gửi sang các cơ quan có thẩm quyển để xử lý hình sự, khởi kiện ra tòa.

“Ngành BHXH đã cố gắng làm hết trách nhiệm quản lý để thu hồi nợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chúng tôi đã làm hết sức quyết liệt nên số nợ BHXH đã giảm. Số nợ chung BHXH, bảo hiểm y tế từ chiếm 5,6% tổng thu năm 2016 đến nay chỉ còn chiếm 2,91% tổng số thu”, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.

Liên quan đến thông tin mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về con số hơn 200.000 người bị "treo" sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, ông Mạnh thông tin, sau khi chuẩn hóa lại số liệu thì hiện chỉ còn khoảng 120.000 người lao động bị ảnh hưởng, số còn lại đã được giải quyết quyền lợi thỏa đáng.

Cụ thể, có 2.291 người đã được giải quyết chế độ hưu trí, 535 người đã được giải quyết chế độ tử tuất, 27.415 người đã được giải quyết chế độ một lần, 34.574 người đã được xác nhận thời gian tham gia BHXH để bảo lưu quá trình đóng, 77.627 người đang tiếp tục tham gia ở các DN mới…

Giải pháp căn cơ là sửa Luật BHXH

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, thu hồi nợ là công việc rất khó khăn, “để giảm nợ thì phương pháp phải quyết liệt”, theo đó, cơ quan BHXH căn cứ vào cơ sở dữ liệu đã có để chuẩn hóa và phân loại nợ theo tuổi nợ, đối tượng nợ để trên cơ sở đó quản lý, thu hồi nợ.

Từ cơ sở dữ liệu đó, cơ quan BHXH nắm bắt sức khỏe của DN, thực hiện đôn đốc bằng nhiều cách như: văn bản, email, kể cả công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

BHXH Việt Nam đã quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm nợ BHXH

“Chúng tôi hiểu rằng, nợ là tất yếu của nền kinh tế, đặc biệt trong lúc khó khăn, không những nợ BHXH mà DN còn nợ nhiều khoản khác với nhà nước, ngân hàng… Nhưng ngành BHXH cố gắng làm hết trách nhiệm quản lý để đòi nợ, sau đó mới tiến hành thanh tra, kiểm tra, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan công an điều tra”, ông Mạnh nói.

Cũng theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong cơ cấu nợ của 2,7 triệu người lao động bị nợ BHXH, ngoài nợ BHXH của lao động ở đơn vị giải thể phá sản thì gần 2,4 triệu lao động bị nợ trong các DN khác. Nhưng so với tuổi nợ thì số nợ trong các DN chỉ trên 1 tháng và các DN đó vẫn đang hoạt động.

“Đó là số nợ gối đầu, nợ luân chuyển, thường thì 1 tháng, 2 tháng lại đòi được, nên 2,4 triệu người lao động ở DN này khi giải quyết chế độ đến tuổi hưu, các chế độ khác thì cơ bản BHXH Việt Nam phối hợp với DN xử lý bằng được nợ, giải quyết quyền lợi cho người lao động”, ông Mạnh phân tích thêm.

Được biết, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội danh chậm, trốn đóng BHXH, nhưng vì các dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội chưa đủ, khó làm rõ thế nào là trốn đóng. Đây cũng là "điểm nghẽn" khiến chưa vụ nào bị xử lý hình sự dù cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố 328 vụ từ năm 2018 đến 2022.

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, gần một nửa vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tới đây, khi sửa đổi Luật BHXH, các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thế nào là cố tình trốn đóng, cũng như trách nhiệm pháp nhân để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Dự kiến, dự thảo Luật BHXH sửa đổi dành một chương quy định về quản lý thu và đóng BHXH, trong đó có các biện pháp cũng như các chế tài về hành vi trốn đóng BHXH. Trong dự thảo dự kiến bổ sung một số các quy định.

Ví dụ làm rõ khái niệm về trốn đóng BHXH để đồng bộ, thống nhất với quy định ở trong Bộ luật Hình sự về hành vi trốn đóng BHXH. Cũng có quy định về việc sau khi xử lý các biện pháp về mặt hành chính mà các đơn vị, DN vẫn trốn đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên thì sẽ ngừng sử dụng hóa đơn hay hoãn xuất nhập cảnh đối với các trường hợp mà DN nợ dài từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra,  trong dự thảo cũng đang dự kiến bổ sung quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm cũng như thẩm quyền khởi kiện các DN ra tòa. Luật hiện hành đang giao cho tổ chức công đoàn thực hiện.

Theo các chuyên gia, cơ chế đặc thù chỉ giải quyết tình thế cấp bách, căn cơ là luật pháp cần đồng bộ để xử lý được hành vi chậm, trốn đóng BHXH, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm