Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sắp đến thời điểm tắt sóng 2G, cơ quan quản lý nói gì?

Hoàng Nam

Thứ bảy, 12/10/2024 - 09:13

(Thanh tra) - Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông: Thời điểm tháng 1/2024, toàn mạng có hơn 18 triệu thuê bao 2G, nhưng đến giờ chỉ còn hơn 700 nghìn thuê bao. Từ góc độ cơ quan quản lý viễn thông, chúng tôi thấy đây là kết quả thực sự ấn tượng, là sự nỗ lực quyết tâm lớn của các doanh nghiệp, khi vừa phải giữ chất lượng mạng lưới, phát triển mạng 5G cũng như duy trì sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Thái Khang

Dừng cung cấp dịch vụ nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho người dùng

Sau ngày 15/10, với khoảng 700 nghìn thuê bao 2G chưa kịp chuyển đổi, theo đúng quy định, các nhà mạng sẽ phải dừng cung cấp dịch vụ hai chiều gọi đi gọi đến đối với các thuê bao này.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel: Tập thuê bao 2G Only còn lại có ít hành vi sử dụng nên rất khó liên lạc, một số ít không đáng kể ở vùng sâu xa nên nhân viên chưa tiếp cận được. Theo chính sách của các nhà mạng, nếu khách hàng không sử dụng dịch vụ trong 2 tháng, nhà mạng sẽ khóa tài khoản, thu hồi số về kho. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất chính sách đặc biệt đối với thuê bao 2G còn lại để kéo dài thời gian, để khách hàng có thể chuyển đổi được.

Các nhà mạng đã sử dụng nhiều hình thức truyền thông (tin nhắn OTT, SMS, CSKH…) nhưng cần tiếp tục phân tích hành vi người dùng thuê bao để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của người dùng. Đồng thời, cần sáng tạo thêm hình thức mới như đếm ngược thời gian thuê bao 2G không còn được sử dụng, tăng cường lực lượng gặp gỡ khách hàng để đảm bảo người dùng được thông tin đầy đủ… từ đó thể hiện trách nhiệm của nhà mạng với quyền lợi người tiêu dùng, Phó Cục trưởng Cục viễn thông gợi mở.

Vì nhiều lý do, có thể có người dùng chưa nắm được thông tin hay chưa có cơ hội đổi máy với nhà mạng. Với các thuê bao dừng cung cấp dịch vụ sau ngày 15/10, các nhà mạng cần tiếp tục có chính sách chăm sóc khách hàng để chuyển đổi các thuê bao này sang đầu cuối 4G để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Quá trình dừng công nghệ 2G chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất từ 15/10 dừng cung cấp dịch vụ đầu cuối thuê bao 2G; đến tháng 9/2026, sẽ dừng toàn bộ cung cấp mạng lưới 2G để dành tài nguyên cho mạng mới hơn như 4G, 5G. Về mặt sử dụng tài nguyên tần số sẽ hiệu quả hơn.

Thu gom thiết bị 2G để tránh phát thải rác thải nguy hại

Hiện các nhà mạng đã cùng nhau lập cơ sở dữ liệu về các thuê bao 2G không còn được hòa mạng sau ngày 15/10, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng cần truyền thông mạnh mẽ hơn, thông tin đầy đủ hơn tới người dùng để tránh việc mua phải điện thoại 2G nhưng dán mác 3G, 4G, không dùng được.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban Khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone: Trong thời gian triển khai, chúng tôi nhận thấy có 4 khó khăn: Đầu tiên là truyền thông đến người dân, đặc biệt hai nhóm rất khó truyền thông, nhóm ở khu vực rất xa và nhóm ít dùng, gọi cũng không nghe máy; thứ hai, một bộ phận người dân vẫn sử dụng được, dù tác động bằng nhiều biện pháp truyền thông khác nhau nhưng chỉ khi không dùng được dịch vụ mới đổi, có một số người dân mua về rồi nhưng vẫn chưa đổi, chuyển máy mới; thứ ba, do ảnh hưởng của bão lụt, nhiều khu vực không thể tiếp cận được và người dân tập trung khôi phục đời sống cá nhân trước khi quan tâm đến các hoạt động khác; thứ tư, với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Cục Viễn thông, hiện nay các nhà mạng có một số tiêu chí để nhận diện thuê bao 2G, trong đó có một số thuê bao ở mạng này là 2G nhưng ở mạng khác lại nhận diện là hỗ trợ 3G, 4G.

Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách thu mua lại thiết bị đầu cuối 2G để giúp thu gom và xử lý rác thải điện tử đúng quy trình, tránh số lượng thiết bị đầu cuối bị vứt bỏ, tiêu hủy như rác thông thường, hoặc sử dụng lại không đúng quy định.

Trong thời gian qua, các Sở Thông tin và truyền thông, Tổ công nghệ số cộng đồng, truyền thanh không dây đã vào cuộc cùng cơ quan quản lý, doanh nghiệp để truyền thông, vì vậy, nếu còn người sử dụng chưa tiếp cận được thông tin, thì số lượng cũng còn vô cùng ít. Bởi vì, nếu thuê bao đang hoạt động bình thường, với tần suất chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, bằng việc gọi điện, nhắn tin, đưa âm thông báo khi bắt đầu thực hiện cuộc gọi trong ngày về việc dừng cung cấp dịch vụ vào ngày 15/10, người sử dụng bình thường đều nắm được thông tin.

Nhưng không vì thế mà các thuê bao này không được các doanh nghiệp quan tâm và hoàn thành trách nhiệm chăm sóc khách hàng của mình. Các nhà mạng vẫn phải trực tiếp gặp người sử dụng. Đây là việc vô cùng khó và vất vả nhưng các doanh nghiệp đã trách nhiệm và thực hiện tốt trong thời gian qua. Với 4 ngày còn lại, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc đó.

Sau ngày 15/10, trách nhiệm của doanh nghiệp là duy trì số điện thoại, gói cước, chế độ chính sách với thuê bao cũ, người sử dụng có thể tiếp tục đến các điểm cung cấp dịch vụ hay thông qua số điện thoại để được hướng dẫn đầy đủ thông tin cho việc chuyển đổi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm