Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phụ nữ bị bạo hành: Thường phải tự bảo vệ mình và chọn… ly hôn

Thứ tư, 22/03/2017 - 18:45

(Thanh tra)- Với những vụ bạo hành nghiêm trọng hoặc bị bạo hành thường xuyên, lựa chọn duy nhất của nạn nhân thường là ly hôn, chứ không phải là tòa án hình sự với tư cách là nạn nhân của bạo lực.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngày 22/3, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Liên hợp quốc (UNWomen) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo báo cáo khảo sát nhận thức về quyền tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo hành.

Tiếp cận công lý rất nhiều khó khăn

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, công lý và khả năng tiếp cận công lý sẽ tạo cho phụ nữ cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của mình, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt.

“Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của Bộ Tư pháp đã chỉ ra phụ nữ bị bạo hành đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công lý, tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng”, ông Châu nói.

Theo Bộ luật Hình sự, tỷ lệ thương tật phải ở mức 11% trở lên mới cấu thành tội phạm nhưng luật không tính đến trường hợp “thương tích tích lũy dần dần” trong các vụ bạo hành.

Ông Nguyên Văn Tùng, TAND Tố cao chia sẻ trường hợp rất đau lòng khi vợ giết chồng mà nguyên nhân “tích tụ” từ việc bạo hành.

“Người chồng không làm gì cả, suốt ngày đi uống rượu rồi về đánh đập vợ, con. Ngày này qua ngày khác, đến khi không thể chịu đựng được, người vợ vùng lên giết chồng mình. Rất đau lòng! Trong trường hợp này tôi nghĩ nên coi phụ nữ là nạn nhân”, ông Tùng bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, phụ nữ bị bạo hành đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công lý. Ảnh: TN

Thêm vào đó, vẫn có ý kiến nghĩ rằng nếu bạo lực xảy ra trong gia đình thì nên xử lý trong gia đình hoặc hòa giải. Còn hệ thống tư pháp hình sự chỉ xử lý các hình thức bạo lực nghiêm trọng hơn.

"Khi tôi báo cáo với người tổ trưởng tổ dân phố, bà ấy yêu cầu tôi làm đơn "làm đơn đi rồi tôi tới". Lần tiếp theo, khi xảy ra bạo lực, tôi có làm đơn nhưng họ không ghi biên bản về vụ bạo lực", một nạn nhân của bạo lực gia đình cho biết.

Báo cáo khảo sát được góp ý tại hội thảo cũng đưa ra thông tin, “có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ bạo hành vì không nhờ đến hệ thống tố tụng can thiệp, chứ không xem xét các thách thức nội tại trong hệ thống tư pháp khi xử lý các vụ bạo hành”.

Có chuyện công an xã nhận tiền từ người chồng để không xử lý

Trong số 205 phụ nữ được hỏi (đa số có trình độ học vấn cao) tại TP Hà Nội và Lạng Sơn thì gần 30% cho biết đã trải qua một số hình thức bạo lực trong cuộc đời. Trong số những người trả lời được xác định là nạn nhân, hơn một nửa đã trình báo hoặc cố gắng trình báo vụ bạo lực.

Tại hội thảo các chuyên gia đều cho rằng, cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để bảo vệ phụ nữ bị bạo hành. Ảnh: TN

Nhưng với những vụ bạo hành nghiêm trọng hoặc bị bạo hành thường xuyên thì lựa chọn duy nhất của nạn nhân thường là ly hôn, chứ không phải là tòa án hình sự với tư cách là nạn nhân của bạo lực.

“Một số người được phỏng vấn đã báo cáo những thách thức khi công an xã nhận tiền từ chồng hoặc gia đình của họ để không xử lý vụ án”, báo cáo nêu.

Giải thích việc không tập trung vào các biện pháp bảo vệ như cách ly nạn nhân khỏi thủ phạm, nhóm công an tham gia khảo sát đưa ra lý do người chồng đã hối hận, do thủ phạm say rượu hoặc ghen tuông...

Thậm chí, khảo sát còn đưa ra thông tin quan ngại là bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục thường không đủ cấu thành để xử hình sự.

Theo nạn nhân của bạo hành, “những người chồng gây bạo lực gia đình cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc hơn là chỉ phạt tiền vì điều này không ngăn cản họ lặp lại bạo lực”.

Các kiểm sát viên tham gia khảo sát cũng lưu ý, hình phạt hành chính mà thường là phạt tiền có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân bạo lực gia đình.

Với “sự mong manh của cơ chế bảo vệ pháp lý” hiện tại đối với các trường hợp bạo lực gia đình nên các nạn nhân chủ yếu phải tự bảo vệ mình.

Thứ trưởng Châu cho rằng, để bảo đảm quyền của người phụ nữ, một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay là phải thay đổi và nâng cao nhận thức của nạn nhân, các chủ thể các nghĩa vụ bảo đảm quyền của phụ nữ, trong đó có cán bộ thực thi pháp luật và người dân.

Chỉ có 1% vụ bạo lực gia đình có kết án

Các cuộc khảo sát trước đó đã đưa ra những con số đáng quan ngại.

Nghiên cứu từ về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy, gần 1/3 phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực thể xác; khoảng 10% bị bạo lực tình dục; và trên 50% từng bị bạo lực tinh thần.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rất nhiều vụ bạo lực đối với phụ nữ không được trình báo và không bị truy tố, cũng như nạn nhân có nhu cầu hỗ trợ, bảo vệ và khắc phục không được công nhận và không được đáp ứng chiếm tỷ lệ phần trăm cao.

Trong những vụ hiếp dâm mà phụ nữ trình báo, hơn một nửa đã bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra... Hầu hết bạo lực tình dục đối với phụ nữ được thực hiện bởi nam giới được biết đến như là bạn tình, thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm hoặc người quen. Điều này gây ra sự nguy hiểm và khó khăn cho các nạn nhân trong quá trình theo đuổi công lý.

Sự định kiến ​​giới ảnh hưởng đến việc giải thích và áp dụng pháp luật hình sự của cán bộ tố tụng và tạo ra những trở ngại to lớn mà phụ nữ phải đối mặt khi trình báo về bạo lực và trong quá trình tố tụng.

Theo nghiên cứu năm 2014, các cán bộ tố tụng nhấn mạnh rằng nạn nhân có đáng tin hay không dựa trên tính cách, ngoại hình, hành vi và công việc của cô ấy hơn là sự đáng tin của vụ việc được trình báo. Các cô gái hành nghề mại dâm đã cố gắng trình báo về các vụ việc hiếp dâm nhưng công an thường không tin.

Nghiên cứu về bạo lực gia đình của UNODC cũng cho thấy, hệ thống pháp lý đã làm nản lòng phụ nữ, chỉ có 43% vụ án được trình báo được công an chú ý; 61% số vụ chuyển hướng đến hòa giải; chỉ có 12% vụ dẫn đến xử hình sự; và chỉ có 1% vụ có kết án.

Bằng chứng cho thấy nhiều nạn nhân không trình báo với công an hay người khác vì cảm giác xấu hổ, hoặc sợ hãi. Bạo lực gia đình có tỷ lệ hòa giải cao.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm