Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phát huy vai trò già làng, người có uy tín phòng, chống dịch Covid-19

Thanh Hòa

Thứ năm, 28/10/2021 - 22:10

(Thanh tra) - Thời gian qua, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS): Bana, Chăm H’roi, Hrê… ở các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Bình Định đã trở thành “cánh tay nối dài” của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ tuyên tuyền tốt, cho nên nhận thức của đồng bào được nâng lên, góp phần chung tay cùng đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Trần Văn Lũ, người có uy tín (thứ 2 từ phải qua) cùng với các lực lượng tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà dân. Ảnh: Thanh Hòa

Vùng cao yên tâm chống dịch

An Lão là huyện duy nhất trong tỉnh Bình Định hiện chưa có ca nghi nhiễm mắc Covid-19. Tại xã miền núi An Dũng, nơi sinh sống tập trung của hơn 400 hộ đồng bào Hrê hiện nay chưa có ca bệnh nào ở địa phương, nhưng trong suy nghĩ của đồng bào vẫn chưa mường tượng hết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Song với tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, những già làng, người có uy tín vẫn ý thức trách nhiệm, tích cực tuyên truyền đến các hộ gia đình không được chủ quan lơ là công tác phòng dịch, luôn cảnh giác để không cho dịch bệnh xâm nhập vào thôn làng.

Nhiều tháng nay, già làng Đinh Văn Chẻ ở thôn 1A, xã An Dũng âm thầm đến những hộ dân xung quanh để tuyên truyền, nâng cao ý thức, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. Già Chẻ cởi mở chia sẻ: “Từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tôi cùng các thành viên trong thôn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trong thôn để tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, mọi người dân trong thôn đều có ý thức tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch do chính quyền đưa ra”.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Then (đồng bào Bana), người có uy tín tại thôn 3 (xã An Dũng) cho hay: Ngày nào cũng vậy, tôi cùng với các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận thôn thường xuyên nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Ngoài ra, đi đến đâu, tôi cũng vận động, hướng dẫn bà con phải rửa tay với xà phòng để phòng dịch bệnh và thường xuyên theo dõi, kiểm soát khi có người lạ ra/vào thôn, nhắc nhở mọi người hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết.

Theo Phòng Dân tộc huyện An Lão, toàn huyện hiện có 40 người có uy tín. Một trong những giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 đó là, huyện luôn chú trọng phát huy vai trò già làng, người uy tín tham gia công tác tuyên truyền. Qua đó, để đồng bào hiểu và nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, góp phần giúp huyện An Lão kiểm soát, giữ vững “vùng xanh” dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Những già làng, người có uy tín tích cực tuyên truyền phòng chống dịch, nên các vùng cao của Bình Định vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Ảnh: Thanh Hòa

“Ở đâu có già làng, người có uy tín là ở đó bình yên”

Vân Canh huyện đang làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid -19 và thành quả có được, ít nhiều có sự góp sức của những người có uy tín nơi đây. Nhiều người dân đồng bào DTTS: Bana, Chăm H’roi, Hrê… cho biết, trước thông tin về dịch Covid-19 đồng bào dân tộc rất hoang mang và lo lắng, nhiều người lo sợ bỏ ăn. Nhờ động viên, hướng dẫn kịp thời của các già làng, người có uy tín, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về dịch bệnh và cách phòng tránh đúng thì dịch sẽ được kiểm soát.

“Do đã có già làng, người có uy tín hướng dẫn thì đồng bào lúc nào cũng yên tâm, không lo sợ với dịch như trước nữa. Ở đâu có già làng, người có uy tín hướng dẫn, quan tâm là ở đó sẽ bình yên”, một người dân đồng bào Chăm H’roi cho biết.

Ông Trần Văn Lũ (đồng bào Chăm Hroi), người có uy tín ở làng Canh Phước, xã Canh Hoà, cho hay: Tại làng có 152 hộ/555 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào DTTS Chăm Hroi và Bana. Đồng bào DTTS nơi đây trình độ nhận thức có hạn, vì vậy nếu không gần dân, đi sâu đi sát tuyên truyền thì rất khó để vận động bà con. Từ khi được tuyên truyền thường xuyên thì ý thức tự giác, chấp hành của người dân rất tốt về các biện pháp phòng, chống dịch.

“Thay vì tuyên truyền qua mạng xã hội, tôi lại sử dụng những tờ rơi với nhiều hình ảnh minh hoạ có nội dung như: Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp nCoV; quy trình rửa tay đúng cách; biện pháp 5K… để phát cho từng hộ dân trong làng. Nhờ tuyên truyền đúng cách, mà ý thức của người dân đã được nâng cao hơn, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch” ông Lũ cho biết thêm.

Ông Đoàn Văn Doãn, người dân ở làng Canh Phước tâm sự: Nhờ sự nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên của những người có uy tín, bản thân tôi và gia đình đã nhận thức được nguy hiểm của dịch bệnh. Từ đó, gia đình luôn chấp hành và nghe theo hướng dẫn cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng, chống dịch hiệu quả.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 122 người có uy tín trong đồng bào DTTS tại các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng người có uy tín đã tích cực tham gia các tổ Covid-19 cộng động để cùng các địa phương phòng, chống dịch. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ đề nghị tỉnh, các sở ngành cần quan tâm và nâng cao chế độ tốt hơn cho người có uy tín; đồng thời, ưu tiên cho lực lượng này được tiêm vắc xin sớm, vì họ cũng là lực lượng tuyến đầu tham gia công tác, phòng chống dịch tại cơ sở.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm