Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều khu vực có thể thiếu nước sạch

Thứ ba, 06/05/2014 - 20:55

(Thanh tra) - Chiều ngày 6/5, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà vẫn đang phải chờ kết luận của Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)…

Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Thảo Nguyên

Các khâu thực hiện đều đúng? 

Ngày 25/4, tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội lại xảy ra sự cố vỡ ống tại Km 26+600 trên đại lộ Thăng Long. Đây là lần vỡ ống lần thứ 6 tính từ năm 2012 và là lần thứ 2 trong tháng 4, làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của cư dân trong bối cảnh mùa khô thiếu nước. 

Đáng nói, đến nay nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà vẫn là một ẩn số. Báo cáo do Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn ký cũng chỉ nêu, các đơn vị đang tích cực rà soát toàn bộ hệ thống bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công, số liệu khảo sát địa chất công trình, quy trình nghiệm thu chạy thử…. và sắp tới sẽ tiến hành đào thám sát một số vị trí trên tuyến ống cũng như tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm tìm ra nguyên nhân sự cố, có biện pháp khắc phục mang tính lâu dài, chủ động, bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định, lâu dài.  

Theo ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án nước sạch sông Đà (Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư), các khâu từ khảo sát đến thiết kế, thi công dự án đều đúng, chất lượng đường ống thực hiện đúng quy trình, phù hợp với điều kiện. Đây là dự án đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn của doanh nghiệp với tổng đầu tư 1.553 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, Ban Quản lý Dự án không nhận được khuyến cáo hay văn bản nào dự báo thiết kế thi công này sẽ xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước.

Bày tỏ ngạc nhiên khi nhận được thông tin Công ty không có phương án xử lý đối với nền đất yếu khi thi công, ông Trung giải thích, thời điểm thực hiện, dự án đường Láng - Hòa Lạc đang thi công nên không xử lý nền đất yếu mà tìm giải pháp phù hợp với nền đất yếu. Công ty đã thuê thêm Công ty độc lập tiến hành khảo sát 11 đoạn nền đất yếu với chiều dài khoảng 3.400m để có giải pháp xử lý, lắp đặt phù hợp.

Cụ thể, các ống nước thông thường có chiều dài 12m, nhưng dự án đã lựa chọn các đường ống ngắn hơn khoảng 2 - 6m với độ lệch trục 2 độ, điều này làm “mềm hóa” phù hợp với nền đất yếu. “Chúng tôi đã trao đổi với nhau nhiều lần để tìm ra nguyên nhân vỡ đường ống, nhưng chưa tìm được. Và khi nào tìm ra nguyên nhân mới biết trách nhiệm ở đâu, của ai”, ông Hoàng Thế Trung cho biết.

Sẽ có nhiều điểm mất nước cục bộ

Từ quý 4/2013 đến hết quý I/2014, các đơn vị cấp nước đã xây dựng kế hoạch và thực hiện hoàn thành công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, máy bơm, các công trình thu, công trình xử lý và mạng lưới đường ống cấp nước, sẵn sàng sản xuất, cấp nước ổn định, an toàn cho người dân trong mùa hè. 

Tuy nhiên, nếu mất điện cục bộ tại các nhà máy nước, trạm sản xuất, sự cố về mạng lưới cấp nước, hoặc khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng đột biến sẽ có nhiều khu vực đứng trước nguy cơ thiếu nước cục bộ, gồm: Từ ngõ 378 - 530 Thụy Khuê (quận Ba Đình) do cốt địa hình cao; khu vực ngoài đê phường Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); khu vực số nhà 909 - 921 Đê La Thành 1 và từ số nhà 297 - 303 Đê La Thành 3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (quận Đống Đa)… 

“Sở Xây dựng đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội chủ động kiểm tra, rà soát, xây dựng các phương án vận hành mạng cấp nước, chuẩn bị cơ số xe stec hỗ trợ cấp nước tại một số khu vực trên; tổ chức tiếp nhận thông tin liên tục 24/24 giờ giải quyết sự cố kịp thời trong thời gian cấp nước mùa hè 2014”, ông Lê Văn Dục cho biết.

Ông Lê Văn Dục cho biết thêm, tình hình cấp nước mùa hè năm 2014 sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu vẫn xảy ra sự cố đường ống cấp nước sông Đà. Để khắc phục tình trạng này, Tổng Công ty Vinaconex đã có kế hoạch triển khai dự án thay thế tuyến ống truyền dẫn.

Lần 1, ngày 4/2/2012, đường ống nước sông Đà vỡ tại Km 10+300, mất 72 giờ mới xử lý xong. Lần 2, ngày 23/3/2013 tại Km 26+850, mất 30 giờ để xử lý. Lần 3, ngày 21/11/2013 tại Km 27+060, mất 18 giờ. Lần 4, tại Khu đô thị Xanh Villas ngày 16/12/2013, cũng mất 18 giờ khắc phục. Lần 5 và 6 cùng diễn ra trong tháng 4 vào các ngày 1 và 25 với thời gian xử lý 11 giờ.

  Thảo Nguyên 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm