Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lục Yên, Yên Bái: Thấp thỏm nỗi lo núi vùi làng

Bùi Bình

Thứ hai, 23/09/2024 - 11:13

(Thanh tra) - Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt, tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là một trong địa phương đối mặt với nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.

Hàng chục hộ dân thôn Khe Pắn, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên phải di dời do xuất hiện các vết nứt trên núi. Ảnh: Bùi Bình

Theo ghi nhận, những ngày gần đây, một số xã của huyện Lục Yên đã xuất hiện những vết nứt và sụt lún trên các sườn đồi, sườn núi gây nguy cơ sạt lở đất. Sự xuất hiện của các vết nứt này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt mà còn đe dọa tính mạng của hơn 1.000 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu.

Tại các xã như Tân Phượng, An Lạc, Động Quan, Trung Tâm... các vết nứt rộng hơn 20cm và dài hàng chục mét đã được phát hiện, khiến nhiều gia đình sống trong cảnh lo âu.

7 hộ dân thôn Làng Đung, xã An Lạc phải di dời khẩn cấp vì xuất hiện vết nứt và sụt lún. Ảnh: Bùi Bình

Đặc biệt, tại thôn Khe Bín, xã Tân Phượng, trận sạt lở núi gần đây đã vùi lấp 3 ngôi nhà, khiến 2 người thiệt mạng. Hiện nay, 56 hộ dân trong thôn phải di dời đến nhà người thân để tránh nguy cơ lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông Bàn Văn Chanh, Trưởng thôn Ngòi Thìu, xã Trung Tâm, cho biết: "Trên núi có nhiều vết nứt rộng hơn 20cm, dài hàng trăm mét, nguy cơ sạt lở rất cao. Chúng tôi đã vận động 14 hộ nằm trong vùng nguy hiểm ra ở tạm tại nhà văn hóa thôn. Mọi người rất mong Nhà nước có thể hỗ trợ đất ở an toàn”.

14 hộ dân người dân tộc Dao ở tạm tại nhà văn hóa thôn. Ảnh: Bùi Bình

Hoàn lưu cơn bão số 3 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại Lục Yên. Mưa lớn kéo dài, với lượng mưa kỷ lục gần 500mm đã khiến đất đá trên các sườn núi bị bão hòa nước, dẫn đến sự sụt lún và nứt vỡ.

Ông Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Lục Yên cho biết: "Sau đợt mưa lớn, các vết nứt và sụt lún xuất hiện ở nhiều xã, buộc địa phương phải khẩn cấp vận động người dân di dời đến nơi an toàn".

Bên cạnh tác động của thiên nhiên, hoạt động của con người, như khai thác tài nguyên và phá rừng, cũng góp phần làm suy giảm sự ổn định của đất, làm tăng nguy cơ sạt lở tại khu vực này.

Sạt lở đất tại Lục Yên không những làm xáo trộn cuộc sống của người dân mà còn có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Gia đình bà Nông Thị Toàn, 1 trong 5 hộ dân thôn Nà Hốc, xã An Lạc, cho biết: “Cả gia đình sống trong cảnh lo âu suốt nhiều ngày nay vì nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Ngôi nhà giá trị cả tỷ bạc của gia đình chị Thanh. Ảnh: Bùi Bình

Chị Đặng Thị Thanh, thôn Ngòi Vằn, xã Phúc Lợi, chua xót kể rằng, nhiều năm làm việc vất vả mới tích góp xây được ngôi nhà, thế mà bây giờ không dám ở vì phía sau xuất hiện vết nứt lớn trên đồi. "Đi không được, ở cũng không xong. Hơn 15 ngày nay, gia đình tôi phải ra nhà người thân ở nhờ vì không dám ngủ lại nhà", chị Thanh chia sẻ.

Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã có những biện pháp tức thời nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Việc di dời tạm thời đến các nhà văn hóa thôn, nhà người thân… là biện pháp cấp bách trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có những chính sách hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm.

Khu đất tái định cư xã Khánh Hòa còn có thể bố trí cho hàng chục hộ. Ảnh: Bùi Bình

Người dân tại Lục Yên cũng rất mong đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc bố trí đất ở an toàn và xây dựng các biện pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả như xây dựng kè chắn, gia cố các khu vực có nguy cơ cao và đặc biệt là tăng cường bảo vệ rừng, nhằm hạn chế nguy cơ sạt lở trong tương lai.

Sạt lở đất là thảm họa thiên nhiên đầy nguy hiểm, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn người dân tại Lục Yên. Việc phòng, chống và giảm thiểu tác động của sạt lở đất đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, các cơ quan chức năng, cũng như sự chung tay của toàn xã hội để bảo vệ cuộc sống người dân và môi trường.

Một số hình ảnh về thực trạng nguy cơ sạt lở đất:

Toàn bộ dân thôn Khe Bín, xã Tân Phượng đã phải di dời tạm thời. Ảnh: Bùi Bình

Vết nứt lớn trên núi cao nguy cơ sạt lở vào các hộ dân thôn Nà Hốc, xã An Lạc. Ảnh: Bùi Bình

Gia đình bà Toàn và 4 hộ cùng thôn phải di dời đến ở tại đình làng. Ảnh: Bùi Bình

Vết nứt tại thôn 3, xã Động Quang có chiều dài hàng trăm mét. Ảnh: Bùi Bình

Nhà anh Lý Văn Thư thôn 3, xã Động Quan đã phải di dời do vết sụt lún trên đồi làm nứt tường, gãy xà nhà. Ảnh: Bùi Bình

Một ngôi nhà thôn Khe Pắn bị sập đổ hoàn toàn do sạt lở đất. Ảnh: Bùi Bình

Người dân thôn Làng Đung dựng tạm lán để ở. Ảnh: Bùi Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm