Suốt trong quá trình thi công cáp treo Fansipan, một trong những bài toán khó nhất cần phải giải quyết chính là tạo nguồn cung cấp điện ổn định và lâu dài để phục vụ nhu cầu xây dựng trước mắt cũng như việc vận hành về sau.Để giải nan đề đó, từ ngày 6/11/2015, một tổ nhóm đặc biệt đã được thành lập và nhận nhiệm vụ kéo đường dây 35kV lên nóc nhà Đông Dương.Lúc ấy, ngay cả những người trong cuộc cũng không dám tin tưởng mình sẽ thành công. Hành trình đưa ánh sáng bóng đèn lên điểm cao 3143m, với họ, giống như một thứ kỳ tích hoang đường, khó tin nhưng có thật. Ánh sáng đèn điện, biểu tượng của văn minh vĩnh hằng trên đỉnh Fansipan Bất khả thiMùa đông năm 2015.Gió Ô Quy Hồ vun vút quật từ Lai Châu, thốc thẳng vào sườn Hoàng Liên bên phía Sapa khiến cho Trần Đình Luật rùng mình.Hổn hển nằm thở trên tảng đá lạnh ngắt phủ đầy rêu, cậu kỹ sư điện trẻ thẫn thờ nhìn lên phía đường núi hun hút sâu trước mặt lẩm nhẩm: “Bao giờ mới tới nơi? Bao giờ mới tới cột? Kéo điện mà khổ như này thì sao mà làm được”.Đó cũng là lần đầu tiên, Luật theo chân đồng nghiệp leo lên đỉnh Fansipan khảo sát trụ để chuẩn bị kéo đường dây 35kV. Và gần như ngay lập tức, Luật bị rớt lại do không đủ sức đi kịp cả đoàn.Vào thời điểm đó, câu hỏi: Bằng cách nào để đưa được điện lên đỉnh Fan là một thách thức lớn ngay cả đối với những người lạc quan nhất. Hơn 10km đường dây sẽ chạy như thế nào trên một địa hình toàn núi cao, vực sâu và um tùm đại thụ?Các cột, trụ sẽ được đổ móng và dựng lên ra sao khi không thể đưa bất kỳ thứ máy móc, phương tiện hiện đại nào vào lõi rừng sâu? Kỹ sư điện Trần Đình Luật Một ngày sau khi lên tuyến, Trần Đình Luật đã xin về để… viết đơn xin nghỉ việc.“Lúc đó, thực sự em cảm thấy nản ghê gớm và nghĩ chuyện đưa điện lên tận điểm cao 3.143m là quá hoang đường”, Luật thành thật.Nhưng lá đơn của Luật không được duyệt. Cậu được động viên ở lại để cùng “bắt tay làm được điều gì đó… điên rồ mà ý nghĩa cho quê hương” như cách cánh thợ vẫn thường trào phúng.Luật lại lên núi, băng rừng trong cảm giác mông lung khi chưa thể hình dung ra nổi hình hài của tuyến dây 35kV sẽ vắt ngược lên nóc nhà Đông Dương.Để có thể xây dựng 33 trụ điện chạy dọc từ Trạm Tôn tới nóc nhà Đông Dương, trong vài tháng tiếp theo, hơn 300 công nhân được huy động, mang theo xà beng, cuốc, xẻng thô sơ vào rừng.Cùng thời điểm đó, vật liệu đủ loại cũng đã tập kết đầy phía chân núi. Hàng trăm lượt người Mông, Dao, Thái… bản địa được thuê cùng đội thi công “cõng” sắt đá tới các địa điểm được định sẵn.Ngày ngày, bất chấp mưa rừng, tuyết trắng, từng đoàn người cứ lầm lũi, gù lưng địu cát sỏi… nối đuôi đi về phía cổng trời.Chỉ bằng cách thức không thể thô sơ hơn như thế, tổng cộng hơn 15.000 tấn vật liệu đã băng qua rừng sâu, vực thẳm để có mặt tại vị trí dựng cột.Vận chuyển đã khó khăn, việc thi công lại càng gian nan gấp bội phần. Toàn bộ các khâu tạo mặt bằng, đào hố móng, đổ bê tông… đều chỉ thực hiện bằng tay trần. Con đường kéo điện ngày xưa giờ rậm rạp cây cối Bên cạnh đó, do thời điểm tiến hành dựng cột lại vào mùa khô nên nước cực kỳ khan hiếm. Anh em công nhân buộc phải đi sâu hơn vào trong lõi rừng, tìm kiếm khe suối, hứng từng can nước về để đổ bê tông và sinh hoạt.Tính tới đầu tháng 11/2015, hàng ngàn tấn bê tông đã được đổ, tạo nên 33 cột điện ngạo nghễ giữa đại ngàn, thách thức sự khốc liệt của Hoàng Liên.Phải đến tận lúc này, những gã thợ của rừng Fansipan mới dám tin vào sự thành công của con đường ánh sáng trong một ngày không xa xôi.“Nhìn thấy cột, mọi người mừng lắm. Anh em ôm chầm lấy nhau, bất chấp tay chân, mặt mũi đang đầy bụi bặm” - Nguyễn Văn Bình, kỹ sư giám sát xây dựng hồi tưởng lại.Mặc dù vậy, thách thức vẫn chưa dừng lại. Có trụ rồi thì lại phải tính toán đến phương án kéo dây vào núi. Một chuỗi ngày vất vả lại tiếp tục trải dài cho những chàng trai trẻ như Trần Đình Luật.Những gã thợ điện… TarzanTrong tiếng địa phương, Fansipan còn có một tên gọi khác là Hủa Xi Pan, nghĩa là Phiến đá cổ khổng lồ chênh vênh. Cũng chính vì quá chênh vênh nên việc dẫn dây điện băng qua Hủa Xi Pan luôn khiến những người “thực thi” phải đau đầu.Yêu cầu khi đó là phải kéo dây đi nhưng không được chặt phá cây rừng. Điều ấy đồng nghĩa với việc chúng em sẽ không thể đưa xe kéo hay bất kỳ loại máy móc nào vào để hỗ trợ việc dẫn dây.Tất cả một lần nữa lại được làm thuần túy bằng sức người. Các công nhân sẽ phải cuốc bộ, rải dây qua 16km đường rừng xuyên suốt từ Trạm Tôn cho tới đỉnh.“Về cơ bản, ban đầu cánh thợ chúng em sẽ rải những sợi thừng có đường kính 8mm loại nhẹ dọc từ cột này sang cột khác để làm dây mồi. Sau khi đã căng được lên trụ thì mới đưa dây 35kV lớn hơn buộc vào để kéo lên cho nhẹ.Đối với các trụ ở gần, địa hình ‘dễ chịu’ thì không sao. Nhưng nếu ngăn cách ở giữa là vực thì thực sự là khốn đốn”, Luật nheo trán nói. Thời tiết khắc nghiệt luôn là thử thách cho các công nhân kéo điện Điển hình như các cột số 14 và 15 cách nhau 589m thì toàn bộ 589m này toàn là vực sâu tới hơn 100m. Nhìn vách núi dựng đứng và mù sương, ai cũng phải ngao ngán lắc đầu.Lúc này, một loạt phương án được nhà thầu đưa ra: Từ việc dùng khinh khí cầu để rải dây, tới việc buộc dây mồi vào nỏ rồi… bắn từ cột này sang cột kia để “bắc cầu”. Nhưng, tất cả đều thất bại.Gió Hoàng Liên luẩn quẩn, dữ dội không cho phép khí cầu cất cánh và cũng sẵn sàng đánh bạt khi mũi tên vừa rời khỏi ná.“Chỉ còn cách đu xuống dưới vực thôi. Nếu không toàn bộ công sức sẽ đổ sông, đổ bể cả”, Luật vẫn nhớ như in thời khắc quyết định được cả đội đưa ra.Dây bảo hộ lúc này được thả dọc từ trên miệng vực tới đáy. Những gã thợ điện, thân đeo đai an toàn, tay bám dây bắt đầu đu mình từ từ tụt xuống cả trăm mét mù mịt mây phía dưới. Lạnh và sợ. Đấy là những cảm giác mà cho tới tận hơn 2 năm sau Trần Đình Luật vẫn nhớ như in khi buộc phải biến mình thành Tarzan những ngày tháng ấy.Cậu trai trẻ hiền khô khàn khàn bảo: Ban đầu, tuyệt nhiên cậu không dám làm. Chỉ tới khi vài đồng nghiệp… thành công, cậu mới đủ can đảm để bám dây xuống đáy.Gió vẫn sầm sập thổi. Hai tay Luật tê dần. Mắt cậu dán chặt lên phía trên, nơi bóng người càng ngày càng bé lại. Dù lạnh đến tê người nhưng mồ hôi vẫn túa ra như tắm. Chỉ tới lúc, bàn chân chạm vào lớp lá mục dày cộp phía dưới, Luật mới thở phào.Đây cũng là khe vực đã tiêu tốn của cả đội nhiều thời gian nhất khi phải mất gần một tháng ròng, hơn 600m dây mới được “vắt qua” giữa hai cột trụ. Điện soi sáng nóc nhà Đông Dương Đúng ngày 2/9/2015, sau gần 1 năm vật lộn với đại ngàn, “tổ đặc nhiệm” được đón ánh sáng đầu tiên trên nóc nhà Đông Dương khi dòng điện chính thức đóng.Ở trên độ cao hơn 3 ngàn mét, dưới thứ ánh sáng mà những Tarzan rừng Hoàng Liên tự gọi là rực rỡ nhất đời, hàng chục gã đàn ông ôm chầm lấy nhau, hò hét, hát ca đến… chảy nước mắt. Điện lên rồi. Thành công rồi.Cuối cùng thì một trong những hành trình hoang đường, bất khả thi và điên rồ nhất cũng đã có điểm đến. Ánh sáng điện đèn – thứ biểu tượng vĩnh cửu của văn minh cuối cùng đã được thắp trên nóc nhà Hủa Xi Pan… Không chỉ lập kỷ lục về đường điện “cao nhất” Việt Nam, tuyến 35kV còn được coi là “mạch máu” của toàn bộ việc xây dựng cáp treo Fansipan. Cũng bắt đầu từ đây, dự án chính thức bước vào giai đoạn tăng tốc và về đích…