Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Hạ nhiệt” cho miền “đất nóng”

Đơn Thương

Thứ bảy, 11/06/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Đồng Văn mà cụ thể là miền đất Sà Phìn trên vùng biên viễn Hà Giang vốn được coi là “rốn ma túy” của cao nguyên đá.

Thung lũng Xà Phìn ngày một đẹp hơn khi người dân từ bỏ cây thuốc phiện và tình trạng nghiện ngập. Ảnh: Đơn Thương

Nghiện ngập, trộm cắp… ngỡ tưởng Sà Phìn sẽ tê liệt. Tuy nhiên, từ khi Luật Phòng, chống ma túy ngày 30/3/2021 ra đời cùng đó là Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật xử lý Vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, được ban hành cùng sự vào cuộc của các cấp ngành, đất này đã vươn dậy và hồi sinh!

Một thời để nhớ

Những năm về trước, tại Sà Phìn, cây thuốc phiện đã trở thành “cây đặc sản”. “Tiếng tăm” về trữ lượng, chất lượng của nó đã “bay xa”, không chỉ trong phạm vi của Việt Nam mà còn tới cả những miền đất nằm trong khu vực “tam giác vàng” do thứ cây này thống trị. Sự trái phải của hai mặt lúc nào cũng nảy sinh, cùng với sự “nổi tiếng” này mà hậu họa cũng đã ngày đêm âm thầm tìm đến gõ cửa.

Nghiện ngập, trộm cắp, tê liệt những sức sống vốn là ẩn họa hãi hùng bủa vây Sà Phìn. Ngỡ tưởng Sà Phìn sẽ tê liệt, nhưng bằng sự vào cuộc của các cấp ngành, đất này đã vươn dậy và hồi sinh!

Là người con dân gốc của Sà Phìn, sinh ra và lớn lên tại miền đất Sà Phìn, nguyên Chủ tịch xã Giàng Mí Say vốn được coi là một trong số ít những người lành lặn vì anh không bị thứ “nhựa nâu” này quyến rũ.

Với những gì đã chứng kiến, Giàng Mí Say vẫn không thể hình dung ra được tại sao một thời thuốc phiện và bi kịch của nó lại đến với đất này một cách khủng khiếp như vậy.

150 km đường dốc đá lên với thủ phủ của cao nguyên đá Đồng Văn, qua ngã ba đường rẽ vào Phó Bảng, Sà Phìn hiện hữu trước mắt mọi người, dưới một thung lũng hết sức mộng mơ và hùng vĩ. Trước đây, do địa thế đẹp, lại là nơi được mệnh danh là “rốn thuốc phiện” nên ông vua người Mông có tên Vương Chí Sình đã lựa chọn đất này để xây dựng hành dinh.

Ngoài vị trí đắc địa thì nơi đây còn là yết hầu để gieo trồng, quản lý các luồng ma túy ngược xuôi. Từ đây, thuốc phiện “chảy” về Hà Giang, xuôi các thị tứ và Hà Nội thì thuốc phiện còn qua biên để đến các nơi khác như Ma Cao hay Mi An Ma.

Ngày ấy, với địa hình khí hậu thổ nhưỡng hết sức đặc biệt, lại chưa bị cấm trồng nên thuốc phiện đã lấn lướt các cây trồng khác. Thuốc phiện xuống vườn, lên nương và “leo” vào từng các hốc đá đã làm cho sản lượng nhựa ở Sà Phìn tăng vọt. Tháng 2, khi Xuân đã về đẫy đà với các hốc đá, núi cao thì cũng là mùa bước vào gieo trồng thuốc phiện. Hợp đất, thuốc phiện ở Sà Phìn ít phải chăm sóc nhưng sản lượng thì ít đâu có thể theo kịp.

Tháng 9, nắng rót mật xuống đá, đồng nghĩa thuốc phiện bước vào mùa thu hoạch. Sau mỗi buổi lên nương, theo bước chân và các nhịp sóng váy rung rinh của các thiếu nữ Mông trắng, thuốc phiện về nhà, được cho vào hũ sành hay gói lá để hong khô trên các gác bếp.

Cũng thời gian này, theo cách gieo trồng hết sức thủ công, nhưng do hợp đất và hợp khí hậu nên 1ha đất gieo thuốc phiện trên đây sau mỗi mùa sẽ có thu gấp nhiều sản lượng lúa nơi đồng bằng.

Nụ cười mới trên vùng nha phiến một thời. Ảnh: Đơn Thương

Những ngày thịnh trị của loài cây nha phiến này, người Sà Phìn được coi là nhàn nhã nhất. Thuốc phiện ở đâu là có người tìm đến gạ mua. Rượu này, thịt này, muối này… kể cả những đồng bạc trắng hoa xòe, một trong những thứ kim ngân nổi tiếng của người Mông nếu cần cũng có hết. Ngày ấy, nhờ thứ “đặc sản” này mà người Sà Phìn được đưa lên những đỉnh cao của sự cưng chiều, không phải vất vả chân trần mà lội đá xuống chợ để mua bán và trao đổi như một số vùng miền khác.

Cuộc sống và sự trái phải hai mặt; thuốc phiện và sự sung sướng, tàn dư và hậu họa cũng bắt đầu đến gõ cửa vùng đất này. Tự hào chưa được bao lâu thì chính những “dòng nhựa nâu” chết người ấy đã đem những hệ lụy đến cho miền đất này.

Là người được giao nhiệm vụ cùng các đoàn thể tuyên chiến với hậu họa ma túy ở Sà Phìn ngay từ những ngày đầu, Giàng Mí Say bùi ngùi nhớ lại: Chỉ sau một thời gian ngắn, mới đủ cho một cô gái Mông sinh ra và bước vào tuổi dậy thì thôi, cả Sà Phìn hình như đều bị tê liệt. Hoa thuốc phiện nở tàn, khói thuốc phiện tãi ra đã làm cho các thôn như Há Hơ, Thành Ma Tủng, Lỳ Chá Tủng, Lũng Thầu, Sà Phìn C, Lũng Hòa A… lâm vào lao đao.

Cao điểm nhất về tàn dư ma túy ở nơi đây, khi có chương trình tuyên chiến với thuốc phiện được đưa ra, theo thống kê, cả thung lũng Sà Phìn bé nhỏ đã có nhiều nhà, nhiều người “ăn khói”. Nghiện ngập đã đến với từng mảnh đời, từ sắp “ngấp nghé cửa lỗ” đến trẻ trung phơi phới. Chính trong thời kì cao điểm này, Sà Phìn đã được gọi với tên “xã vắng bóng đàn ông”; bởi vì lực lượng đàn ông trong xã đều bị thuốc phiện đeo bám, đành phải chấp nhận cảnh “chân co, chân duỗi” vì nghiện ngập ở các xó bếp và bậu cửa.

Ngày mới trên đất cũ

Thuốc phiện và nghiện ngập đã đưa cánh thanh niên trai tráng của Sà Phìn vào những thảm cảnh “mộng mơ” không lối thoát. Nhưng không thể để miền đất, những người dân nơi phên dậu này ngập ngụa và chìm đắm trong những cơn say bất tận, chương trình tuyên chiến với ma túy đã được phát động và đưa ra với miền đất Sà Phìn này. Mới đầu tưởng dễ, nhưng quả thực khi bắt tay vào việc mới thấy nó khó. Vì thuốc phiện và tàn dư của nó đã ăn quá sâu vào gốc rễ và ý thức của người dân rồi.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Sà Phìn Nguyễn Văn Hãnh, thì ngày đầu tuyên chiến, với kinh nghiệm là vận động và đưa đi cai nghiện cứ nghĩ sẽ dễ thực hiện với người dân Sà Phìn. Nhưng khi bắt tay vào mới thấy nó hết sức khó khăn. Nhiều gia đình người nghiện, khi cán bộ đến đã tỏ ra hết sức “cứng đầu”. Tình trạng nói không nghe, nhắc không chuyển, thậm chí khi vận động đi cai nhiều người đã thẳng thừng: Nhà tao ở tao không đi đâu hết. Thuốc tao hút là do tao trồng, do tao bỏ tiền ra mua, có ảnh hưởng đến ai đâu…

Gặp những khó khăn này, rất nhiều người đã nản. Tuy nhiên, chủ trương cứu lấy đất Sà Phìn, cứu lấy người Sà Phìn vẫn được quán triệt. Không thể dùng biện pháp cứng để thuyết phục, trong cái khó đã có cái khôn được ló ra. Sau rất nhiều ngày trăn trở, sau nhiều đêm chong đèn, chụm đầu trên đá núi để bàn bạc, một phương án “2 trong 1” đã được đưa ra để tuyên chiến với tình trạng ma túy của Sà Phìn.

Theo phương án này, cứ với mỗi con nghiện ở đây bao giờ cũng được bố trí 2 người, 1 người là cán bộ xã, 1 người là chiến sỹ công an hay biên phòng giúp đỡ.

Theo ký ức của nguyên Chủ tịch UBND xã Giàng Mí Say thì ma túy và hậu họa của nó với Sà Phìn là hết sức khiếp đảm.

Ngày ấy, theo phương án “2 trong 1” này, nhiều cán bộ chiến sĩ, cả biên phòng và công an ở đây đã phải cắt cử công việc gia đình đến nhà những con nghiện có thâm niên để cảm hóa họ. Mới đầu sự bất hợp tác cũng đã đến, thế nhưng mặc, với công việc được giao, họ vẫn lăn vào.

Công an huyện Đồng Văn nhổ bỏ cây thuốc phiện trên đất ruộng. Ảnh: Đơn Thương

Giúp việc nhà, thậm chí cả đi nương, các cán bộ, chiến sĩ cần mẫn và dành thời gian để tác động khuyên nhủ. Như câu nói người Mông, “nói phải củ cải cũng nghe”, cứ cần mẫn tác động và đem những câu chuyện về hậu họa ma túy ra kể, cuối cùng “thắng lợi” về sự cảm hóa cũng đến với họ. Người nghiện có thâm niên đã bắt đầu nghe và quyết định cùng cán bộ khăn gói quần áo ra trung tâm để thực hiện việc cai nghiện cho mình.

Việc triển khai phương án “2 trong 1” này đã giúp ông Vàng Chá Sèo, một con nghiện có thâm niên và có tuổi nhất ở Sà Phìn đã dứt đi được “căn bệnh” vật vã vì khói thuốc cho mình.

Từ một nhà nghèo khó do tàn dư của ma túy, giờ đây năm nào ông cũng trồng được 1,5ha ngô. Cùng với đó là lợn gà được chăn thả và tới thời điểm này ông đã trở thành một trong những hộ có kinh tế khá ở xã.

Trò chuyện ông bảo: Cái ma túy một thời làm mình ngu quá. Nó đem nghèo khó đến, nó đem cái chuyện chồng chửi vợ đến. Bây giờ nhìn nó thì sợ lắm rồi. Nếu mình biết trước thì giờ nhà mình đã giầu hơn nữa rồi. Mình có được ngày như hôm nay là do cán bộ xã, cán bộ huyện cùng phương án “2 trong 1” của nó đem đến cho mình. Không nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, của phương án, mình đã “tùa” (đi hay chết) từ lâu rồi!

Là xã một thời được coi là trọng điểm về hậu họa của ma túy, nay 11 thôn, bản của Sà Phìn đã mang một bộ mặt mới khác xưa. Tiêu biểu, Lũng Hòa A và Sà Phìn, nơi được coi là “rốn ma túy” một thời nay tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm 7%, thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu đồng/người.

Trong niềm vui khi đất mình hết hậu họa, Sùng Xía Chá, Chi bộ thôn Thành Ma Tủng vui vẻ cho biết: Cả thôn có tôi có 60 hộ thì nay hầu hết không còn ai nghiện ma túy, 100% các hộ trong thôn đều mua được xe máy, ti vi để dùng!

Những năm gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến hành vi trồng cây có chứa chất ma túy diễn ra tại các địa phương tỉnh Hà Giang cơ bản được kiểm soát. Số vụ, số đối tượng trong 2 năm 2020, 2021 có chiều hướng giảm. Năm 2020 phát hiện 15 vụ/14 đối tượng, phá nhổ, tiêu hủy 1.915 cây thuốc phiện, cần sa. Năm 2021 phát hiện 13 vụ/12 đối tượng, phá nhổ, tiêu hủy 2.759 cây thuốc phiện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm