Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi thay nhờ chính sách dân tộc

Huy Anh

Thứ sáu, 05/11/2021 - 14:47

(Thanh tra)- Với 19 dân tộc sinh sống, những năm qua tỉnh Điện Biên đã được thụ hưởng nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo động lực, sức bật lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Điện Biên vươn lên, cải thiện cuộc sống.

Người dân xã Nà Tấu (TP Điện Biên Phủ) được hướng dẫn trồng dong riềng phát triển sản xuất, xóa đói nghèo. Ảnh: HA

Nhiều chính sách hỗ trợ

Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được người dân các địa phương trong toàn tỉnh Điện Biên đánh giá là chính sách hợp lòng dân, hỗ trợ thiết thực để người dân cải thiện cuộc sống. Từng nội dung đầu tư, hỗ trợ của các chính sách đều có tác động trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi vùng cao.

Tính riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình 135 đã hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, tiên tiến cho gần 1.400 hộ dân thụ hưởng; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho gần 13.000 lượt hộ; hỗ trợ hơn 2.300 máy nông cụ sản xuất cho các hộ dân và nhóm hộ.

Còn với Chương trình 30a, trong giai đoạn này toàn tỉnh đã hỗ trợ khai hoang phục hóa cho gần 2.800 lượt hộ với kinh phí hơn 9,2 tỷ đồng; hỗ trợ 499 hộ dân làm chuồng trại chăn nuôi; xây dựng 72 mô hình chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật với gần 2.000 hộ tham gia…

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, chính sách khác như chương trình xây dựng nông thôn mới; nước sạch và vệ sinh môi trường; Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé; khoán chăm sóc bảo vệ rừng… được triển khai đã hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao Điện Biên phát triển kinh tế, tạo động lực vươn lên thoát nghèo.

Gia đình ông Lường Văn Lún là hộ nghèo ở bản Ta Lét 2, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên được hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Chương trình 135. Với số vốn được vay, ông Lún đầu tư chăn nuôi, xây dựng thành công mô hình kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.

Ông Lường Văn Lún chia sẻ: Gia đình ít đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, thường xuyên thiếu ăn. Được vay vốn hỗ trợ, tôi mua trâu giống, xây chuồng nuôi nhốt và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên mô hình nuôi trâu sinh sản của gia đình phát triển thuận lợi. Cuộc sống từng ngày được cải thiện, gia đình tôi rất vui.

Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thường được triển khai kết hợp, lồng ghép với nhau vừa tạo nguồn vốn vừa hỗ trợ bà con cách thức sản xuất, chăn nuôi… đã mang lại hiệu quả thiết thực với người vùng cao. Đặc biệt, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ máy móc nông cụ sản xuất, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi đã giúp bà con tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới.

Bà Giàng Thị Phương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé cho biết: Chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số triển khai trên địa bàn huyện thời gian qua thực sự đã và đang góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, giúp người dân từng bước phát triển sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng đời sống và trình độ dân trí ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm từ 74% năm 2015 xuống còn 58,43%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ trên 80% xuống còn 62,43%.

Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ dân vùng dân tộc thiểu số của Điện Biên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số của tỉnh mỗi năm giảm bình quân 4,4%, từ 60,8% năm 2016 giảm xuống còn 38,8% năm 2020. Không chỉ giảm nghèo mà việc thực hiện các chính sách dân tộc đã góp phần không nhỏ củng cố khối đoàn kết dân tộc, nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người nghèo xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông nhận bò hỗ trợ. Ảnh: HA

Bản làng khang trang

Trong số 19 dân tộc anh em, tỉnh Điện Biên có 2 dân tộc rất ít người là dân tộc Cống và Si La đều sinh sống ở các bản vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn. Để hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người dựng xây cuộc sống mới, nhiều chính sách ưu đãi từ các chương trình 134, 135, 30a, nông thôn mới... đã và đang được Đảng, Nhà nước triển khai.

Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2013 - 2020 và Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2018 - 2025 được triển khai đã tạo động lực, giúp người dân có thêm tư liệu sản xuất, cải thiện đời sống...

Kết cấu hạ tầng với điện, đường, trường, trạm ở các bản dân tộc Cống, Si La sinh sống đều được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo diện mạo khang trang cho các bản làng.

Bà Pờ Lỳ Pa, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: Thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, bản Nậm Sin của người Si La ở xã Chung Chải đã được đầu tư mở rộng đường giao thông, xây dựng công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi. Đặc biệt, do trình độ sản xuất lạc hậu, người Si La ở Nậm Sin được tập huấn, hướng dẫn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh nên giờ đây cuộc sống bà con đã bớt khó khăn, nhiều hộ trong bản xây được nhà mới, mua sắm ti vi, xe máy…

Với người Cống ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé và xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cũng được hỗ trợ, đầu tư xây dựng nhiều công trình cải thiện đời sống. Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Điện Biên đã đầu tư 22 công trình (8 công trình lồng ghép); đường giao thông được xây mới và nâng cấp đảm bảo đi lại được 4 mùa; 3 công trình nước sinh hoạt, 3/4 bản có điện lưới quốc gia...

Ông Nạ Văn Súc, bản Púng Bon, xã Pa Thơm được bà con người Cống trong bản coi như “cây đại thụ” cả về kinh nghiệm sản xuất và cách tuyên truyền, vận động. Trải qua nhiều cương vị công tác, ở tuổi 60 ông trở về bên gia đình lại miệt mài phát triển kinh tế, trồng lúa nước kết hợp mô hình VAC cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Noi gương ông, nhiều hộ trong bản tới học hỏi, làm kinh tế. Giờ đây, bản Púng Bon xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng, giúp hộ nghèo của bản giảm còn 20/54 hộ.

Ông Lò Văn Hạnh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên cho biết: Xác định việc thực hiện các chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số là điểm tựa giúp họ thoát nghèo, huyện luôn chú trọng hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp với nguyện vọng của bà con. Năm 2020 từ nguồn vốn hơn 160 tỷ đồng của Chương trình 135, Ban Dân tộc đã thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng 104 công trình, duy tu bảo dưỡng 45 công trình. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Ban Dân tộc huyện đã hỗ trợ gần 2.000 con giống trâu, bò cho 84 nhóm hộ và hơn 1.800 hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên đã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Thời gian tới, Điện Biên xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số; giữ vững ổn định chính trị, củng cố khối đoàn kết toàn dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm