Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đổi thay diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trọng Tài

Chủ nhật, 28/11/2021 - 11:42

(Thanh tra) - Bình Liêu là huyện miền núi, vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Ninh, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất cả nước, chiếm 96,02%. Toàn huyện có 7 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, có 6 xã đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo đời sống, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS.

Phụ nữ dân tộc Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu thêu trang phục truyền thống. Ảnh: Nguyên Ngọc

Xuất phát điểm là một huyện khó khăn về nhiều mặt, kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là canh tác và sản xuất nông, lâm nghiệp. Để nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn, huyện Bình Liêu đã cụ thể hóa và vận dụng tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, điển hình, thực hiện Chương trình 135, Đề án 196.

Từ nguồn vốn của Chương trình 135, Đề án 196, trong 5 năm qua (2016 - 2021), Bình Liêu đã đầu tư 263 công trình cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, biên giới với tổng kinh phí hơn 393 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay, 97/97 thôn, bản đã có đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa; hầu hết số thôn, bản đặc biệt khó khăn đều có điện lưới quốc gia...

Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ 109 dự án phát triển sản xuất với tổng kinh phí thực hiện gần 44 tỷ đồng, tạo sinh kế cho 3.486 hộ đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản khó khăn. Từ sự đầu tư, hỗ trợ này, trên địa bàn huyện đã hình thành, phát triển vùng trồng nguyên liệu dong, riềng đạt 345,1ha; vùng trồng cây hồi, sở; vùng nuôi ong lấy mật với trên 2.280 tổ; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Sản xuất đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm được thị trường đón nhận tích cực, giúp nông dân nâng cao thu nhập như: Miến dong Bình Liêu, mật ong Bình Liêu và một số loại tinh dầu Bình Liêu...

Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, tỷ lệ nghèo của huyện đã giảm rõ rệt, từ 44,31% (năm 2016) xuống chỉ còn 3.06% (năm 2020); bình quân giảm 8.08%/năm. Đến nay, đã có 6 xã và 80 thôn đủ điều kiền ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, Bình Liêu cũng thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bà con vùng DTTS.

Trong 5 năm qua, huyện đã giải quyết việc làm 2.224 lao động; mở  50 lớp dạy nghề nông thôn với 981 lao động học nghề, số học viên là người DTTS chiếm gần 90%. Tổng kinh phí hỗ trợ học nghề trong 5 năm khoảng 4,7 tỷ đồng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 49,87%/năm 2015 lên 68,05% năm 2020.

Đồng thời, công tác phổ cập giáo dục các cấp tiếp tục được củng cố vững chắc. Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn phổ cấp giáo dục xóa mù chữ mức độ 2; số trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80% (tăng 9 trường so với năm 2015).

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã cử 8.525 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, cập nhật kiến thức, quốc phòng an ninh, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh; mở 5 lớp nâng cao năng lực cho cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn với 948 học viên tham gia, với tổng kinh phí 320 triệu đồng.

Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là người dân vùng DTTS luôn được huyện chú trọng. Đến nay, 100% các trạm y tế duy trì đạt chuẩn Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã;  tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,9%; tỷ lệ hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,8%...

Trong những năm qua, các chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS đã được huyện Bình Liêu thực hiện kịp thời, đầy đủ. Qua đó, đem lại nguồn lực to lớn, làm thay đổi diện mạo và đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Để tiếp tục chăm lo cho bà con vùng khó, hiện nay, Bình Liêu đang tập trung cụ thể hóa Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ninh "về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, huyện đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2022 huyện không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới. Đến năm 2023, có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người gấp 2 lần so năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình trên 4%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, khó khăn.

Đến năm 2030, có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,5%/năm; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% số thôn, khu phố duy trì, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân...

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó Dự án 2 là Chương trình 135); cụ thể hóa Chương trình 135 đối với địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 50, ngày 7/12/2016 về việc “bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 196, ngày 17/1/2017 phê duyệt Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (gọi tắt là Đề án 196). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất