Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Cầu nối” giữa ý Đảng với lòng dân

Trọng Tài

Thứ năm, 23/09/2021 - 08:33

(Thanh tra)- Trong 10 năm qua (2011-2021), trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Quảng Ninh có 6.525 lượt người có uy tín được UBND tỉnh công nhận. Đây là lực lượng nòng cốt đặc biệt, có vai trò quan trọng, là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với bà con đồng bào DTTS.

Anh Bùi Xuân Chiều, người có uy tín ở thôn Nà Sa, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, luôn có những đóng góp tích cực cho địa phương, nhất là trong vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thiên An

Chăm lo chính sách

Đánh giá về vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh Vũ Kiên Cường cho rằng, 10 năm qua, người có uy tín luôn là những tấm gương sáng, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là trong lĩnh vực chính sách, đại đoàn kết các dân tộc.

Lực lượng đặc biệt này cũng đã tích cực vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS ở các thôn, bản, tích cực phát triển kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng; xây dựng gia đình, làng, bản văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, góp phần làm đổi thay diện mạo quê hương...

Để có được “quả ngọt” như ngày hôm nay, trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín. Duy trì từ năm 1992 đến nay, 2 năm một lần, tỉnh tổ chức hội nghị tôn vinh, biểu dương những người có uy tín tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, đã tổ chức 121 cuộc thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho 6.525 lượt người có uy tín; thăm hỏi 201 lượt người có uy tín gặp khó khăn; thăm 297 lượt người có uy tín ốm đau nằm viện từ tuyến huyện trở lên; tặng 1.054 bằng khen và giấy khen cho người có uy tín…

Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức cho người có uy tín luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm. Trong 10 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh và UBND 11 huyện vùng đồng bào DTTS miền núi tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 113 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, với 7.507 lượt người có uy tín tham gia; 10 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, kỹ năng tuyên truyền, vận động với 761 lượt người có uy tín tham gia; 48 chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho 2.560 lượt người có uy tín.

Ngoài ra, Trung tâm Truyền thông tỉnh và Trung tâm Truyền thông văn hóa các địa phương thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tuyên truyền rộng rãi các chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đội ngũ người có uy tín cập nhật thường xuyên, có kiến thức, thông tin để tuyên truyền, vận động bà con trong cộng đồng thôn, bản thực hiện tốt. Tích cực biểu dương các gương người tốt, việc tốt để tạo sức lan tỏa, nhân rộng điển hình trong vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo của tỉnh. Việc truyền thông của Trung tâm Truyền thông không chỉ bằng tiếng Việt mà còn dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật bằng tiếng Dao Thanh Y.

“Hạt nhân” của những đổi thay nơi thôn, bản

Trên thực tế, những năm qua, trong mọi mặt đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều luôn có sự hiện diện rõ nét của đội ngũ người có uy tín. Trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, họ đóng vai trò là những “mũi tiên phong”, gương mẫu đi đầu trong sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi được Nhà nước hỗ trợ; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, không những làm giàu cho gia đình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo; điển hình: Ông Chíu Sồi Thoòng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ; ông Tằng Văn An, xã Tiến Tới, huyện Hải Hà; ông Mạ Dì Nồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu…

Hay ông Hồ Sìu Phúc, xã Quảng An, huyện Đầm Hà đã vận động 11 hộ dân hiến 5.000m2 đất để làm đường, kênh mương tưới tiêu. Gia đình ông Đàm Văn Sáng, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ đã hiến 200m2 đất để xây dựng tuyến đường nội thôn. Anh Bùi Xuân Chiều, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, vận động bà con trong thôn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng, tu sửa 20 ngôi nhà cũ, xuống cấp cho bà con hộ nghèo. Ông Đặng Đức Thắng, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hoa màu tham gia thực hiện tiêu chí đưa thôn 3 ra khỏi diện đặc biệt khó khăn…

Cùng với phát triển kinh tế, trong 10 năm qua, những người có uy tín đã tham gia hơn 200 ý kiến đóng góp, kiến nghị để khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách vùng DTTS và miền núi. Các ý kiến đều thể hiện sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần hạn chế bức xúc, tiêu cực, tiếp tục củng cố lòng tin của người dân với chính quyền. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm kỳ 2021-2026, với sự đóng góp của người có uy tín, nhiều đơn vị bầu cử khu vực dân tộc, miền núi đã đạt tỷ lệ cử tri đi bầu 100%.

Bên cạnh đó, họ còn là lực lượng nòng cốt duy trì mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và tổ tự quản, với trên 1.000 lượt người tham gia. Trong quá trình hoạt động, đã cung cấp nhiều tin có giá trị, giúp cho lực lượng chức năng đấu tranh liên quan đến hoạt động buôn lậu, hàng cấm, buôn bán người qua biên giới; ngăn chặn nhiều vụ hoạt động tôn giáo trái pháp luật trong vùng DTTS và miền núi…

Bản thân người có uy tín và gia đình cũng luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn, bản; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống quý báu của các dân tộc như Tết cổ truyền; lễ cầu phúc, cầu an, cầu mùa; Tết mừng cơm mới của người Dao, Tày, Sán Chay, Sán Dìu; lễ cấp sắc của người Dao; lễ hội Lồng tồng của người Tày; hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ; hát Sán Cố của người Dao Thanh Y...

Nhìn lại quãng đường 10 năm đã qua, những người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh thực sự đã trở thành “cầu nối”, thành “cánh tay nối dài” giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các DTTS. Sự hiện diện của họ trong mọi mặt đời sống xã hội đã đem lại sự đổi thay, bình yên, no ấm nơi thôn, bản. Cùng với đó, nhóm lên ngọn lửa, lan tỏa giá trị văn hóa của các dân tộc trên dải đất của các tỉnh vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm