Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đánh giá, xếp loại công chức, viên chức cần bảo đảm thực chất, tránh vi phạm về đạo đức lối sống

Phương Anh

Thứ tư, 30/03/2022 - 21:49

(Thanh tra)- Liên quan đến vụ một trưởng khoa của Trường Đại học Luật Hà Nội bị tố cáo cưỡng bức, thông tin tại cuộc họp báo định kỳ chiều 30/3 của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho biết đã nắm được vụ việc, đồng thời thông tin, đến nay vị này đã có đơn xin nghỉ việc.

Toàn cảnh buổi họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ chiều 30/3. Ảnh: PV

Trả lời báo chí về việc “đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đã thực chất chưa, có cần phải sửa quy định, quy trình để không còn tình trạng cán bộ vi phạm đạo đức lối sống hay không?”, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho biết, việc đánh giá hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Nghị định 90 của Chính phủ năm 2020. Trong 5 tiêu chí chung về đánh giá xếp loại thì tiêu chí 2 là đánh giá về "đạo đức, lối sống".

Theo ông Ninh, về đánh giá phân loại hiện nay theo quy định của Chính phủ thì về phân cấp, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ công chức viên chức xây dựng quy chế; hoặc phân cấp cho người đứng đầu các đơn vị trực tiếp sử dụng ban hành quy chế và trực tiếp tổ chức đánh giá xếp loại cán bộ công chức viên chức phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm về kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức các bộ ngành, địa phương.

Hiện nay Vụ Công chức, viên chức được giao tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, đặc biệt đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nội dung đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 21, Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm...

“Tại thời điểm hiện nay và theo lộ trình đến năm 2023 Vụ Công chức, viên chức sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp rà soát những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn để nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ để sửa đổi bổ sung luật cán bộ công chức, viên chức. Trong đó sẽ cố gắng làm sao để công tác đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ công chức bảo đảm thực chất hơn nữa, sát thực tiễn hơn nữa để tránh trường hợp vi phạm pháp luật về đạo đức lối sống”, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho biết thêm.

Tại buổi họp báo, thông tin về chế tài đối với thu hồi danh hiệu, vinh dự Nhà nước như anh hùng, nghệ sĩ, nghệ nhân nếu cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ xem xét tước danh hiệu, vinh dự đó ra sao, ông Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương cho biết, Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi lần này đang được nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể nhận danh hiệu, vinh dự Nhà nước. Trong đó có xem xét đến việc thu hồi, tước danh hiệu đó của cá nhân, tổ chức vi phạm.

“Về nguyên tắc thi đua, khen thưởng, dự thảo luật sẽ quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất... và khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng trong việc thẩm định hồ sơ khen thưởng; quy định nghiêm cấm các hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc đề nghị và ra quyết định khen thưởng trái pháp luật”, ông Phạm Đức Toàn nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong quý I/2022 đã ban hành các văn bản hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính theo quy định của Chính phủ. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ đánh giá, xác định Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 của các bộ, các tỉnh và Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao. Tính đến ngày 27/2, cả nước có 6.704 thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành.

Đến nay đã có 66,20% thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng, nâng cấp các cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương;….

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã chính thức được vận hành từ tháng 12/2019, đến nay đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; đã tích hợp, cung cấp trên 3.593 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 53,6% tổng số thủ tục hành chính.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm