Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đăng kiểm xe cơ giới vẫn chưa “hạ nhiệt”

Trần Quý

Thứ năm, 08/06/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) với PV Báo Thanh tra về tình hình đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn cả nước.

Hiện nay, tại TP Hà Nội mới đáp ứng được 51% nhu cầu kiểm định. Ảnh: TQ

Nghị quyết số 31/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3/2023. Thế nhưng, đến nay, đã gần trung tuần tháng 6/2023, tình trạng ùn tắc trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới vẫn diễn ra, dù Bộ GTVT đã có nhiều chỉ đạo và Cục ĐKVN đã triển khai nhiều giải pháp.

Trên 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên bị điều tra, khám xét, khởi tố

Ông Nguyễn Tô An cho biết, trước thời điểm bị phát hiện sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, trên cả nước có 281 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐK) với 491 dây chuyền kiểm định với tổng số đăng kiểm viên là 2.014 người. Vừa qua, Cục ĐKVN và nhiều TTĐK đã vi phạm trong công tác kiểm định nên đã bị cơ quan công an các tỉnh, thành phố điều tra, khám xét, khởi tố và bắt giam trên 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên của Cục ĐKVN và các TTĐK (trong đó có cả cục trưởng, nguyên cục trưởng, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới và các cán bộ của Cục ĐKVN);105 TTĐK bị cơ quan công an các tỉnh, thành phố địa phương kiểm tra, khám xét, khỏi tố và bắt giam.

“Với việc thiếu hụt TTĐK, dây chuyền kiểm định và đăng kiểm viên đã dẫn đến tình trạng ùn tắc trong công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 43/63 (chiếm 68%) tỉnh, thành phố, trong đó 2 tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình mỗi tỉnh chỉ có 1 TTĐK nhưng đều đang dừng hoạt động. Đặc biệt, có những thời điểm tại Hà Nội chỉ có 6/31 (tương đương 19%) và TP Hồ Chí Minh 8/19 (tương đương 42%) TTĐK xe cơ giới hoạt động đã tạo ra sự khủng hoảng của toàn bộ ngành đăng kiểm”, ông An cho biết.

Trước tình hình đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục ĐKVN đã tập trung, nỗ lực khôi phục hoạt động của các đơn vị đăng kiểm. Cùng với sự hỗ trợ nhân lực từ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, đến nay đã khôi phục lại 72 đơn vị, nâng tổng số đơn vị đang hoạt động lên 248/281 đơn vị.

“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 33 đơn vị chưa hoạt động trở lại. Tại Hà Nội, hiện có 26/31 đơn vị đăng kiểm hoạt động, mới chỉ đáp ứng được 51% nhu cầu kiểm định và TP Hồ Chí Minh mới có 15/19 đơn vị đăng kiểm hoạt động nhưng cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, do số lượng phương tiện bị ùn tắc, quá hạn đăng kiểm dồn lại trong nhiều tháng vừa qua”, ông An cho biết.

Tại TP Hồ Chí Minh mới đáp ứng được 50% nhu cầu kiểm định. Ảnh: TQ

Đã và đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục

Trả lời câu hỏi của PV, sau “sự cố” ùn ứ trong việc đăng kiểm xe cơ giới xảy ra, Cục ĐKVN đã triển khai những giải pháp nào? Ông Nguyễn Tô An cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Cục ĐKVN đã thực hiện một loạt giải pháp tháo gỡ trong ngắn hạn và cả dài hạn.

Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 21/3/2023 có hiệu lực từ ngày 22/3/2023 miễn kiểm định lần đầu cho xe mới (khoảng 500.000 xe/năm) và giãn chu kỳ kiểm định;

Tiếp nhận kiểm định viên từ Cục Cảnh sát giao thông của Bộ Công an, Cục Xe - Máy của Bộ Quốc phòng tham gia hỗ trợ công tác kiểm định tại một số TTĐK tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Điều chuyển đăng kiểm viên từ các đơn vị, địa phương hỗ trợ cho các đơn vị thiếu hụt đăng kiểm viên; huy động toàn bộ đăng kiểm viên, cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị đăng kiểm làm thêm giờ, làm cả các ngày nghỉ, ngày lễ từ tháng 12/2022 đến nay.

Tuyển dụng mới 98 viên chức, đăng kiểm viên; tổ chức đánh giá, công nhận 110 đăng kiểm viên đã hoàn thành thực tập; tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên cho 100 học viên.

Khuyến cáo người dân chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện; chủ động kiểm tra tình trạng phạt nguội, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ xe theo quy định trước khi đi kiểm định để không phải “khám xe” nhiều lần.

Xây dựng phần mềm đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định cho chủ xe và hướng dẫn đơn vị đăng kiểm việc thực hiện đăng ký kiểm định trực tiếp nhằm hạn chế ùn tắc.

Trình Bộ GTVT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định mà chủ phương tiện không phải đưa xe đến TTĐK để thực hiện kiểm định lại có hiệu lực từ ngày 3/6/2023.

Những giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, theo ông An, tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét, ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tận dụng các nguồn lực của xã hội tham gia công tác kiểm định xe cơ giới; khẩn trương áp dụng công nghệ mới; phân cấp rõ nhiệm vụ của Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh, Cục ĐKVN, sở GTVT địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đăng kiểm, dự kiến ban hành trong tháng 6/2023…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm