Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cuộc chiến bền bỉ ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Trần Lê

Thứ sáu, 22/10/2021 - 15:06

(Thanh tra)- Thực tế, nạn tảo hôn (TH) và hôn nhân cận huyết (HNCH) ở 5 tỉnh Tây Nguyên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tồn tại từ nhiều đời nay. Mặc dù chính quyền các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để và việc ngăn chặn nạn TH, HNCH còn diễn ra gian nan và lâu dài. Đối với Gia Lai cũng vậy, nạn TH và HNCH vẫn là bài toán khó.

Nhiều em gái mới 16, 17 tuổi đã con bế con bồng. Ảnh: TL

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai (ông Hạnh trước đây từng làm Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh) chúng tôi mới hiểu được phần nào về thực trạng đáng báo động về nạn TH và HNCH ở địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, năm 2015 có gần 11.000 cặp kết hôn, trong đó, TH là 1.132 cặp, chiếm 10,34%; năm 2016 có gần 13.000 cặp kết hôn, TH 1.355 cặp, chiếm 10,49%… Năm 2020, có hơn 8.600 cặp kết hôn, TH 869 cặp, chiếm 10%. Như vậy, từ năm 2015 - 2020 tỉnh Gia Lai chỉ giảm được 0,34% tỷ lệ TH trong đồng bào DTTS.

Điều đáng quan tâm là tình trạng TH và HNCH không chỉ xảy ra ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, mà còn ở cả một số vùng có điều kiện kinh tế và văn hóa tương đối cao của tỉnh Gia Lai.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Gia Lai cũng như các tỉnh ở Tây Nguyên mấy năm qua đang thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH và HNCH giai đoạn 2017 - 2025” và mới sơ kết 3 năm (2017 - 2021) thực hiện Đề án này.

Giai đoạn trước, Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn về việc đẩy lùi nạn TH và HNCH ở vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng TH và HNCH vùng đồng bào DTTS số tỉnh Gia Lai thiếu kinh phí, tập tục lạc hậu của đồng bào DTTS, tình trạng bất đồng ngôn ngữ, việc xử lý vi phạm về hôn nhân và gia đình chưa kiên quyết, tỷ lệ TH và HNCH những địa phương cao là các buôn làng, xã kinh tế nghèo, văn hóa thấp, nhiều người không biết chữ.

Bên cạnh đó, tập tục lạc hậu ăn sâu vào cộng đồng DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều dân tộc cho rằng, họ hàng, bà con kết hôn với nhau tốt hơn, thân thiết hơn, giữ được tài sản, không sợ mất cho người ngoài… Do vậy, từ năm 2015 - 2020, tỉnh Gia Lai chỉ giảm được 0,34% tỷ lệ TH trong đồng bào DTTS.

Tại Ban Dân tộc tỉnh, để tìm hiểu thêm về tình trạng TH và HNCH trong vùng DTTS, chúng tôi được một cán bộ ở đây nêu lên hàng loạt trường hợp các em người DTTS mới 14, 15 tuổi đã bỏ học lấy chồng như: Em H’ Re (14 tuổi) ở làng Bi Gia, xã Pờ Tó; em Puih Lương (15 tuổi) ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Em Ksor H’Nam ở xã Uar, huyện Krông Pa (17 tuổi) lấy chồng hiện có con 2 tuổi. Em Rơ Lan H’Da ở xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, lấy chồng (16 tuổi), hiện có một con hơn 3 tuổi. Ở làng Chan, xã Ia Pnôn, Đức Cơ có Rơ Châm Phyang, dân tộc Gia Rai lấy chồng (14 tuổi)… phần lớn họ đều đói nghèo.

Nhằm khống chế và giảm nhanh tình trạng TH và HNCH trong đồng bào DTTS, hiện tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn 2 thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng TH và HNCH trong vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025".

UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 492/KH-UBND ngày 4/5/2021 triển khai trên toàn địa bàn và giao cho Ban Dân tộc tỉnh làm Cơ quan Thường trực phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Mục đích của Đề án là bình quân mỗi năm giảm 2 - 3% số cặp TH và 3 - 5% số cặp HNCH đối với các địa bàn DTTS có tỉ lệ TH và HNCH cao. Phấn đấu đến năm 2025, Gia Lai ngăn chặn và hạn chế tình trạng TH và HNCH thấp nhất trong vùng DTTS.

Để thực hiện mục tiêu trên, Gia Lai triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về TH và HNCH; biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền về hôn nhân và phòng, chống TH và HNCH bằng tiếng Việt, tiếng Bahnar và tiếng Jrai; xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH và HNCH”;

Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên... đối tượng là thanh niên, nam và nữ đủ từ 10 tuổi trở lên, phụ huynh học sinh hoặc cha mẹ của nam, nữ thanh niên DTTS, cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền ngăn ngừa TH và HNCH vùng DTTS, các hội đoàn thể, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS...

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh Gia Lai chú trọng thành lập các câu lạc bộ (CLB). Hiện nay, các cấp hội thành lập và quản lý 310 CLB như CLB Chi hội Phụ nữ không có chồng, con em mắc tệ nạn xã hội và phạm tội, không bạo lực gia đình; CLB Phòng, chống tội phạm; CLB Phụ nữ với pháp luật... 90 CLB Phụ nữ nói không với TH và HNCH, với 2.600 thành viên. Thông qua các CLB này để tuyên truyền về những tác hại của TH và HNCH.

Hy vọng, giai đoạn 2 thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng TH và HNCH trong vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025", tỉnh Gia Lai sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng TH và HNCHT trong đồng bào DTTS.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...

Văn Thanh

12:44 22/11/2024
Điện Biên: Mường Ảng phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giúp dân giảm nghèo

Điện Biên: Mường Ảng phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giúp dân giảm nghèo

(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.

Trần Trung

11:43 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm