Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ hai, 17/02/2025 - 12:57
(Thanh tra) - Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng lừa đảo du khách khi đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ qua mạng internet. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là giả mạo website, fanpage của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có uy tín hoặc tạo tài khoản mạng xã hội để đăng tin khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm lừa khách đặt phòng, yêu cầu chuyển khoản trước rồi chiếm đoạt tiền của du khách.
Chị Dung đặt phòng qua fanpage facebook lừa đảo của Serena Resort, Kim Bôi và bị mất gần 9 triệu đồng sau 2 lần chuyển. Ảnh: Facebook nhân vật
Theo chia sẻ của chị Thùy Dung (Thanh Trì, Hà Nội), sau Tết Ất Tỵ 2025, gia đình chị lên kế hoạch đi du Xuân ở Hòa Bình, chị đã liên hệ đặt phòng tại Serena Resort, Kim Bôi, Hòa Bình và bị lừa tiền.
“Họ bảo tôi chuyển sai nội dung, bảo chuyển lại để hệ thống tự động hoàn tiền. Sau khi chuyển 2 lần, tôi mất gần 9 triệu đồng, xong bị chặn hết tin nhắn”, chị Dung chia sẻ.
Khi câu chuyện được chị Dung chia sẻ trên trang cá nhân, nhiều người cũng cho biết mình bị lừa bằng thủ đoạn tương tự. Rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay ở các địa điểm du lịch nổi tiếng bị giả mạo để lừa đảo, thậm chí cả những trang có tích xanh (tức là trang fanpage đã được chứng nhận và bảo đảm bởi Facebook).
Cá biệt, có một trường hợp ở Hải Phòng đã bị lừa mất cả tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ dưỡng dịp Tết từ fanpage của một resort nổi tiếng được gắn tích xanh. Với thủ đoạn tinh vi, kẻ lừa đảo đã yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc nhiều lần với số tiền tăng dần: Từ 39,5 triệu đồng, 125,6 triệu đồng, 379,6 triệu đồng và cuối cùng là 485,6 triệu đồng, nâng tổng số tiền bị chiếm đoạt lên hơn 1 tỷ đồng.
Sau khi không thể liên lạc với khu nghỉ dưỡng, du khách mới tá hỏa nhận ra mình đã bị lừa. Ngay lập tức, khách hàng đã đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để trình báo sự việc.
Trên thực tế, nhiều nhóm đối tượng lừa đảo lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật để xin tích xanh từ facebook. Các đối tượng lừa đảo sẽ cho chạy quảng cáo fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận ảo về việc đặt phòng hay khen ngợi homestay, khách sạn để tạo lòng tin với du khách.
Chuyên gia công nghệ cho biết, theo thuật toán của facebook, các fanpage, hội nhóm có lượt theo dõi cao hơn thường sẽ hiển thị trước nên du khách dễ bị nhầm lẫn.
Sau khi khách chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo tiếp tục viện ra các lý do để tiếp tục lừa khách hàng như: Do lỗi hệ thống nên cơ sở chưa thể nhận được tiền, khách phải chuyển lại; khách đã chuyển sai cú pháp hoặc khách nên chuyển thêm tiền để hưởng thêm dịch vụ ưu đãi… Khi nạn nhân chuyển tiền, chúng lập tức cắt đứt liên lạc.
Thực tế, số tiền các đối tượng lừa đảo thường từ vài triệu đến vài chục triệu nên rất nhiều trường hợp nạn nhân ngại tố cáo hoặc vẫn tin lời đối tượng lừa đảo mà không báo cáo với cơ quan chức năng kịp thời, chỉ khi đến cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú để kiểm tra, nhận phòng, đối chiếu lại đơn đặt phòng mới phát hiện rằng mình bị lừa…
Từ kinh nghiệm của chính mình, chị Dung khuyến cáo mọi người khi đặt phòng tốt nhất là phải tìm hiểu thật kỹ, không nên tin tưởng nếu chỉ đọc trên trang mạng xã hội mà cần phải gọi điện cho lễ tân, yêu cầu chụp ảnh và quay phim trực tiếp...
Khi đặt phòng phải tìm hiểu thật kỹ, không nên tin tưởng nếu chỉ đọc trên trang mạng xã hội mà cần phải gọi điện cho lễ tân, yêu cầu chụp ảnh và quay phim trực tiếp... Ảnh minh họa: IT
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức trên, Cục An toàn giao thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước các fanpage giả mạo thông tin khách sạn, phòng nghỉ du lịch. Thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin kỹ về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp.
Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác minh được độ uy tín của đối tượng. Người dân được khuyến cáo nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản; tính xác thực của đối tượng trước khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Mới đây, Cục Du lịch quốc gia cũng đã có công văn gửi cơ quan quản lý du lịch các địa phương đề nghị xử lý lừa đảo trên không gian mạng.
Yêu cầu, chính quyền cơ sở, các ban ngành chức năng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn của tội phạm để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa trong các tầng lớp Nhân dân và du khách bốn phương…
Các cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cần chủ động cung cấp thông tin chính thống trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội, trên các trang fanpage chính thức của cơ sở, doanh nghiệp mình để du khách được biết và liên hệ làm việc cụ thể, đồng thời nhanh chóng, kịp thời thông báo các hành vi vi phạm của các đối tượng với cơ quan chức năng nơi gần nhất…
Mỗi người dân, du khách khi có nhu cầu tham quan, du lịch, phải lựa chọn cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú trên địa bàn; cần cẩn thận lựa chọn những công ty du lịch có uy tín, các cơ sở lưu trú có các thông tin rõ ràng; kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp, mã số thuế, nghiên cứu các đánh giá, phản hồi khách hàng trước khi lựa chọn…
Đồng thời tiến hành kiểm tra giá vé và cơ sở lưu trú từ các nguồn chính thống; kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển khoản đặt cọc, xác minh số tài khoản và liên hệ trực tiếp với khách sạn qua số điện thoại chính thức. Chủ động cảnh giác, không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng, đặc biệt đối với các chương trình khuyến mãi, ưu đãi bất thường cho du khách…
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo quy định; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư, phản ánh liên quan của công dân theo thẩm quyền; phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, ngăn chặn các website, fanpage giả mạo, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo.
Tăng cường áp dụng các biện pháp bảo mật, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, giả mạo; cung cấp thông tin các website, fanpage, nền tảng mạng xã hội chính thức gửi cơ quan quản lý du lịch địa phương để tăng cường thông tin nhận diện fanpage, website chính thức và tránh tình trạng bị giả mạo.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 1 tháng tìm kiếm và hỗ trợ của người dân, Công an thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã tìm thấy anh Nguyễn Hữu Thuyết (SN 1988, trú tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) khi anh đi lạc từ Hà Nội vào đây.
Minh Tân
(Thanh tra) - Chưa đầy 2 năm, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nhờ sự đồng thuận của Đảng uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đã vân động người dân hiến đất và kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân làm được nhiều tuyến đường giao thông liên khu, góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Trong đó, phải kể đến 1,3km đường bê tông khu Tử Lạc với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng bằng hình thức xã hội hoá.
Bài, ảnh;, video: Trà Vân
Trần Lê
Minh Tân
Trọng Tài
Kiên Tùng
Quốc Anh
Lê Hữu Chính
Hải Hiếu
Minh Tân
T. Minh
Trần Quý
Bài, ảnh;, video: Trà Vân
Cảnh Nhật
Đan Quế
T. Minh
Hương Giang
Hương Trà