Theo dõi Báo Thanh tra trên
Lê Phương
Thứ tư, 23/10/2024 - 20:15
(Thanh tra) - Chiều 23/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ nhằm đánh giá kết quả đạt được của ngành Công Thương 9 tháng năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đồng ý về chủ trương, sẽ có cụ thể quy trình về đầu tư điện hạt nhân”. Ảnh: LP
Nhiều tín hiệu tích cực trong xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) Bùi Huy Sơn, cho biết, sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Về xuất nhập khẩu, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Qua 9 tháng cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này (tăng 20,7%) cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 13,4%). Trong 9 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).
Ông Sơn cũng cho biết, trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã làm đứt mạch tăng trưởng sản xuất sau 5 tháng tăng liên lục, khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm (đạt 47,3 điểm so với mức 52,4 điểm của tháng 8). Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) trong tháng 9/2024 có sự giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 0,2%).
Tuy nhiên, nhờ đà phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp trong những tháng vừa qua nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2024 vẫn tăng tới 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
Trả lời câu hỏi liên quan đến dự án Luật Điện lực sửa đổi, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Việt Hòa cho biết, tuy đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không thể giải quyết được các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Nghị quyết số 937 ngày 13/12/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực điện lực và đề nghị cần có các quy định, cơ chế tổng thể để giải quyết những bất cập, vướng mắc nêu trên, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng theo xu hướng xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế chủ đạo, tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành Điện lực.
Mặt khác, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng; nhiều luật mới có liên quan cũng đã được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành Điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống Nhân dân.
Cũng theo ông Hòa, Dự thảo Luật này không có nội dung trái Hiến pháp, không có chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ và bảo đảm tương thích với các điều ước/cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn.
Ngoài ra, ông Hòa cho biết thêm, do yêu cầu cấp thiết cần hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian sớm nhất để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn (như đã báo cáo ở phần trên), góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng trong giai đoạn trước mắt đến năm 2030 và dài hạn.
Đang nghiên cứu lại đầu tư điện hạt nhân
Liên quan đến vấn đề khởi động lại dự án điện hạt nhân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Bùi Quốc Hùng cho biết việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học kĩ thuật, nguồn tài chính…
"Từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng do nhiều yếu tố đặc biệt là vấn đề nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai", ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng hiện nay, đất nước và trên thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Bộ Công Thương đã báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về vấn đề này.
"Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên việc phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch 8 để rà soát điều chỉnh…", lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh.
Trả lời để làm rõ thêm nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, chủ trương đầu tư phát triển điện hạt nhân đã được Chính phủ đưa ra và giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu. “Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đồng ý về chủ trương, sẽ có cụ thể quy trình về đầu tư điện hạt nhân”, ông Tân cho biết
Cũng theo ông Tân, chủ trương phát triển điện hạt nhân đã được đưa ra từ năm 2009, nhưng sau đó tạm dừng. Căn cứ Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo lại với Chính phủ. Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu. Xu thế hiện nay các nước phát triển điện hạt nhân là do nhu cầu năng lượng, nhưng thiếu điện nền nên phải phát triển điện hạt nhân.
“Sức ép năng lượng tái tạo khiến cho nhu cầu điện nền là rất quan trọng. Chính vì vây, các nước đều nghiên cứu tăng gấp 2, gấp 3 lần sản lượng và quy mô điện hạt nhân. Kinh nghiệm Nhật Bản, Pháp chúng tôi ước tính tỷ trọng điện hạt nhân phải chiếm 20 - 25% sản lượng điện của họ”, ông Tân nhấn mạnh.
Về công nghệ, ông Tân khẳng định, thế giới phát triển điện hạt nhân ở giai đoạn công nghệ thứ 3, thứ 4 và các công nghệ đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo an toàn tối đa, mức độ rủi ro về 0.
Ông Tân cũng cho biết “Chúng tôi đang xin chủ trương, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ. Khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, khi đó mới đủ cơ sở tiếp tục triển khai, mới có thể tính toán mức đầu tư, chu trình, xác định nhu cầu… Khi ấy mới xác định được năm nào chúng ta có dự án điện hạt nhân và sản lượng điện".
Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu triển khai điện hạt nhân là khi nào thì ông Tân cho biết hiện vẫn đang xin chủ trương trên cơ sở nghiên cứu thực tế của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ. Căn cứ theo Quy hoạch điện VIII và theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương hiện đang nghiên cứu thực tế, căn cứ nhu cầu thực tiễn để trình Chính phủ xem có nên triển khai hay không.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương