Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kim Hồng

Thứ ba, 16/11/2021 - 22:44

(Thanh tra)- Các chính sách đối với người có uy tín được triển khai thực hiện theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg giai đoạn 2011-2021 đã thể hiện và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Lãnh đạo xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên trao đổi với nông dân về phát triển cây quế. Ảnh: Báo Yên Bái

Huyện Văn Yên có tổng diện tích đất tự nhiên 1.391,54 km­­2; với 24 xã và 1 thị trấn, 161 thôn bản, 11 tổ dân phố; trong đó có 12 xã vùng I, 01 xã vùng II,  9 xã vùng III và 43 thôn đặc biệt khó khăn (theo rà soát thực hiện Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ); huyện đã có 12/24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% số xã của huyện.

Đồng bào các dân tộc thiểu số sống xen kẽ với nhau ở các địa phương trong toàn huyện, chủ yếu là sống ở vùng nông thôn chiếm trên 91%; lao động chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia lao động sản xuất; chú trọng trồng rừng, phát huy thế mạnh về sản xuất lâm nghiệp của địa phương; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn huyện hiện nay có 107 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở 24 xã. Về cơ cấu thành phần dân tộc: Dân tộc Tày: 35 người; dân tộc Dao: 58 người; dân tộc Mông: 10 người; dân tộc Kinh: 03 người; dân tộc Cao Lan: 01 người. Về cơ cấu giới tính: Nam 104 người; nữ: 03 người; chủ yếu là già làng, trưởng thôn bản, cán bộ hưu trí, trưởng dòng họ, tộc, thầy mo, thầy cúng, thầy lang…

Người có uy tín ở các địa phương trong toàn huyện đã phát huy được vị trí, vai trò của mình tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, là chỗ dựa tin cậy, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh trật tự và tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Tiếng nói và việc làm của người có uy tín luôn được đồng bào tin tưởng, ủng hộ và nghe theo; tích cực vận động con, cháu, người thân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; thực hiện tốt công tác dân số, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Việc tái hiện hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Dao trong Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ III năm 2019 nhằm giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc huyện Văn Yên nói chung đến du khách gần xa. Ảnh: Báo Yên Bái

Trong 10 năm (2011-2021) các chính sách đối với người có uy tín trên được triển khai thực hiện đã thể hiện và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được nhiều kết quả.

Triển khai cung cấp thông tin cho người có uy tín trên địa bàn huyện: Trên cơ sở danh sách người có uy tín, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với bưu điện huyện tiến hành cấp phát đầy đủ các ấn phẩm báo không thu tiền theo quy định (Báo Yên Bái, Báo Dân tộc và Phát triển) cho người có uy tín. Trong 10 năm, người có uy tín trên địa bàn huyện đã được cấp, phát trên 508.806 số Báo Yên Bái, Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Nhân dân đảm bảo thời gian.

Bồi dưỡng, tập huấn: Hằng năm người có uy tín đều được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền do Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện tổ chức; được phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chế độ, chính sách đối với người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; được bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng; bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp vận động quần chúng; thăm quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh do Ban Dân tộc chủ trì… Trong 10 năm đã có 25 người uy tín được đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các vùng, miền trong cả nước.

Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần: Huyện đã triển khai thực hiện tốt việc động viên, thăm hỏi kịp thời về vật chất, tinh thần đối với người có uy tín. Từ năm 2011 đến nay huyện Văn Yên đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho 1.516 lượt người có uy tín với số tiền trên 660 triệu đồng; đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời người có uy tín khi ốm đau, qua đời, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn.

Biểu dương, khen thưởng: Hằng năm huyện đã lựa chọn những gương điển hình tiên tiến là người có uy tín có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực: Lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn các giá trị văn hoá, phát huy truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số để đề nghị cấp trên khen thưởng. Từ năm 2011 đến nay trên địa bàn huyện đã có 16 người có uy tín được UBND tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh tặng bằng khen, giấy khen. Bên cạnh đó, đã có 05 người có uy tín được huyện khen thưởng trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm.

Bên cạnh đó, người có uy tín đã cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều gia đình người uy tín phát triển kinh tế có hiệu quả, có thu nhập cao, là điển hình tiêu biểu ở địa phương: Ông Bàn Văn Minh, xã Mỏ Vàng, đã vận động bà con trong thôn tích cực tham gia phát triển kinh tế như trồng cây lâu năm, phát triển rừng đồi; ông Cư A Phần, xã Nà Hẩu đã hiến hơn 4000m2 đất để làm trường mầm non của xã.

Người uy tín còn tích cực vận động và gương mẫu đi đầu tham gia xây dựng nông thôn mới, như: Ông Hoàng Đình Thăng, xã Đại Phác đã vận động đồng bào có đạo trong việc hiến hàng nghìn m2 đất làm đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc như: Lễ hội lồng tồng, hát then, hát cọi của dân tộc Tày; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Tết rừng của dân tộc Mông….

Bên cạnh đó, người có uy tín còn là các nghệ nhân sưu tầm, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các bài cúng, chế tác nhạc cụ dân tộc như sáo Cúc Kẹ của dân tộc Phù Lá. Tiêu biểu như ông Triệu Tiến Bảo, xã Viễn Sơn đã tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo ở địa phương xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, chống mê tín dị đoan, giữ gìn vệ sinh môi trường; ông Sùng Nhà Páo, xã Nà Hẩu đã vận động nhân dân thực hiện tốt công tác dân số, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá mới...

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đóng góp vai trò thiết thực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn vùng dân tộc. Vận động đồng bào dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn bản, giữ gìn nếp sống văn minh, phát huy những văn hóa truyền thống tốt đẹp, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm