Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Hưng Yên: Hình sự hay dân sự?

Thứ ba, 11/08/2015 - 08:08

(Thanh tra) - Đỗ Văn Chung (SN 1982 ở thôn Hạ, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) có “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của chị Bùi Thị Trang cùng huyện hay đây chỉ là quan hệ dân sự vay tiền? TAND tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những chứng cứ quan trọng, tránh “hình sự hóa quan hệ dân sự”. Ngày 12/8, TAND tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử…

Sau phiên xét xử công khai ngày 20/3/2015, TAND tỉnh Hưng Yên tiếp tục quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những chứng cứ quan trọng trong vụ án. Ảnh: Thảo Nguyên

Để cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải có đủ các yếu tố cấu thành. Người phạm tội có ý thức làm cho người khác tin giao tài sản cho mình và chiếm đoạt.

Theo cáo trạng, để có tiền tiêu xài cá nhân và cá độ bóng đá qua mạng Internet, từ 27/2/2013 đến ngày 7/10/2013, Đỗ Văn Chung nhiều lần đã dùng thủ đoạn gian dối vay tiền chị Bùi Thị Trang (thôn 1, xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu) số tiền gần 2,4 tỷ đồng với lãi suất 1,5%/tháng. Đến thời hạn thanh toán, chị Trang nhiều lần đòi tiền thì Chung trốn tránh và tiếp tục gian dối khất nợ nhằm chiếm đoạt tài sản đã vay. Chị Trang đã làm đơn tố cáo Chung. Viện KSND tỉnh Hưng Yên đã truy tố Đỗ Văn Chung về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, trong quá trình từ điều tra đến xét xử tại tòa án, Chung đều khai, Trang cho vay với lãi suất 5.000 - 8.000 đồng/triệu đồng/ngày và phải ghi vào giấy nhận nợ là “vay tiền làm ăn” thì Trang mới cho vay. Khi không trả được nợ, Chung không lẩn tránh, không bỏ trốn mà vẫn gặp gỡ Trang để xin khất nợ, chứ không có ý định chiếm đoạt. Bản thân gia đình Chung cũng cam kết trước Trang, cơ quan điều tra, sẽ trả nợ số tiền trên thay Chung nhưng không được chấp nhận.

Ngay tại phiên tòa ngày 20/3/2015, bà Nguyễn Thị Toan, mẹ đẻ Chung tiếp tục khẳng định điều này, xin trả dần và mang đến 60 triệu đồng nhưng Trang không đồng ý mà bắt phải trả ngay gần 2,4 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng thể hiện từng lần Chung vay có lãi 1,5%/ tháng và sau này là 1.500 đồng/ngày/triệu tính trên số tiền vay. Cả Trang và Chung tại phiên tòa đều khai nhận vay có lãi và đều đã có trả lãi vay trên thực tế. Ở khía cạnh khác, hồ sơ vụ án cũng thể hiện, Trang không có tiền nhưng vẫn huy động tiền của người khác để cho Chung và một số đối tượng khác vay.

Tại Bút lục 481, Trang khai: “Tôi đã đòi nhiều lần không trả, Chung lấy lý do xin vay thêm để có tiền làm ăn rồi trả, vì tôi muốn lấy lại số tiền đã cho vay nên tôi đành phải đi vay để cho Chung vay”. Khi cơ quan điều tra hỏi tại sao biết bị lừa vẫn đưa tiền cho Chung, Trang khai rằng: “Chung nói vay ở ngoài họ đến đòi thì mất danh dự, khó trả nợ cho tôi nên đành phải làm như vậy” thể hiện tại bút lục 483.

Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho Chung) phân tích, điều đó chứng minh Trang đi vay tiền để cho vay lại, đây là kinh doanh tiền. Trang vì muốn lấy tiền đã cho vay cũ nên tiếp tục cho Chung vay tiền, như vậy là ý thức chủ quan của Trang, Chung đâu có lừa. Số tiền vay mỗi đợt đều có hạn trả, đến hạn không trả Trang vẫn tiếp tục cho vay, chứng tỏ Trang không quan tâm đến mục đích và khả năng trả nợ của Chung. Nếu Trang quan tâm thì không thể có việc đến cả 40 lần nói vay là cho vay, mục đích vay không biết. “Chỉ có thể là cho vay lấy lãi, vay càng nhiều càng có lãi nên mới không quan tâm đến mục đích, đến hạn trả nợ không trả được mà vẫn cho vay”, luật sư Phúc nói.

Hơn nữa, Trang từ đầu đến phiên tòa 28/11/2014 chỉ thừa nhận cho một mình Chung vay, không cho ai vay ngoài Chung. Đến khi luật sư thu thập chứng cứ lại phát hiện, Trang có cho Thành, Khéo vay và đã tố cáo ra cơ quan pháp luật. Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung thì Trang mới thừa nhận và khai là có cho cả Thành và Khéo vay nhưng trước đây không khai. Vậy còn biết bao đối tượng vay khác mà chưa hé lộ?

Hồ sơ điều tra cũng thể hiện, qua quen thân với em gái Chung là Đỗ Thị Phương thì Trang mới biết Chung. Trước đó, chính Trang là người nhờ Chung, Phương môi giới xem ai có nhu cầu vay tiền thì giới thiệu để Trang cho vay. Tại phiên tòa, Phương khai, vì Trang nhờ nên Chung và Phương cũng đã giới thiệu cho Trang một số khách vay tiền ở An Vỹ, Khoái Châu.

Có thể thấy rằng, số tiền Chung vay chị Trang chưa trả chính là quan hệ pháp luật dân sự. Chung phải có nghĩa vụ trả nợ. Nhưng có phải vụ án hình sự? Với những chứng cứ trong hồ sơ vụ án, khi đưa ra xét xử, TAND tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để không làm oan người vô tội.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm