Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thanh tra làm theo lời Bác dạy

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ

Thứ tư, 20/11/2024 - 09:55

(Thanh tra) - Thanh tra là một trong những ngành mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và có những lời dạy bảo ân cần. Làm theo lời Bác dạy, gần 80 năm qua, ngành Thanh tra đã nỗ lực phấn đấu, xứng đáng là “tai mắt của trên, bạn của dưới” như Người hằng mong muốn.

Thanh tra là một trong những ngành mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và có những lời dạy bảo ân cần. Ảnh tư liệu

Cách đây 79 năm, ngày 23/11/1945, nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt. Bản Sắc lệnh gồm 8 điều được xác định là văn kiện mang tính pháp lý về công tác thanh tra cũng như về công việc xét xử của tòa án, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ban Thanh tra và được cho là “viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về thanh tra”. Cũng từ ngày đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm đặc biệt đến ngành Thanh tra.

Theo các tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ năm 1945 đến lúc “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” vào năm 1969, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký 38 sắc lệnh liên quan đến tổ chức, cán bộ và công tác thanh tra. 3 lần Bác đến dự và phát biểu với hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc vào các năm 1957, 1960, 1961. Bác cũng có nhiều bài nói, bài viết về công tác thanh tra, kiểm tra quan trọng khác.

Xác định thanh tra là ngành đặc biệt quan trọng nên Bác Hồ đã đích thân lựa chọn, ký sắc lệnh bổ nhiệm nhiều vị lãnh đạo có phẩm chất tốt, có uy tín cao giữ chức vụ đứng đầu tổ chức thanh tra như cụ Bùi Bằng Đoàn - nguyên Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội và ông Cù Huy Cận - Bộ trưởng Bộ Canh nông vào Ban Thanh tra đặc biệt (năm 1945); cụ Tôn Đức Thắng (Ban Thanh tra đặc biệt năm 1947); cụ Hồ Tùng Mậu (Ban Thanh tra Chính phủ năm 1949); đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Ban Thanh tra Chính phủ năm 1956); đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Ủy ban Thanh tra Chính phủ năm 1969)…

Khi Hồ Chủ tịch gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho hai cán bộ thanh tra đầu tiên là cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận, Người căn dặn: “Ban Thanh tra không cần nhiều người, lúc này 2 người là đủ. Một vị cao tuổi và là vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ, là cụ Bùi; một người thanh niên hăng hái mà cả nước ai cũng biết là chú. Người già, người trẻ dựa vào nhau mà làm việc, nhất định việc thanh tra sẽ làm tốt và cần làm ngay”.

Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc được tổ chức vào tháng 4 năm 1957 vinh dự được đón Bác Hồ đến dự và động viên toàn ngành. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị về các ngành, các địa phương kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết. Trên không thấu dưới, dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào. Vì vậy, cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng. Thanh tra không phải chỉ đi xem địa phương thực hiện nghị quyết, chỉ thị như thế nào. Nếu họ làm sai hay gặp khó khăn còn giúp đỡ họ làm cho đúng với nghị quyết, chỉ thị của trên đưa xuống. Thanh tra cũng không phải điều tra, nghiên cứu việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị đã được đến đâu mà phải theo dõi cho đến khi công việc được làm xong, làm tốt”.

 Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.

Nói chuyện với hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc vào tháng 3 năm 1960, Bác nói: “Nhiệm vụ của các Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, hợp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy, đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”.

Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, gần 80 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thanh tra Việt Nam đã luôn phấn đấu nỗ lực khắc phục khó khăn để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Ngành đã phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thể hiện được vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng.

Đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, ngành Thanh tra đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của công tác thanh tra; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra được đổi mới; chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được nâng cao rõ rệt; nhiều sai phạm, thiếu sót trong hoạt động thanh tra được chủ động phòng ngừa, phát hiện từ sớm; công tác phòng chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo thành “xu thế không thể đảo ngược”, nhận được sự ủng hộ từ trong và ngoài ngành.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam, toàn ngành Thanh tra đang nỗ lực thi đua học tập và làm theo lời Bác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra, hoàn thành chất lượng, hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và chuyên môn

Phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và chuyên môn

(Thanh tra) - Chiều 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2024 Khối thi đua số II thanh tra các bộ, ngành gồm Thanh tra: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng. Chánh Thanh tra Bộ Tư Pháp Nguyễn Hồng Diện - Khối trưởng Khối thi đua số II chủ trì hội nghị.

Phương Anh

21:21 29/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm