Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xử phạt hơn 5 tỷ đồng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết

Thứ năm, 20/03/2014 - 15:12

(Thanh tra) - Đó là số tiền phạt các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm qua đợt thanh tra, kiểm tra do Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) triển khai đợt thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.

Trong thời gian từ ngày 15/12/2013 đến ngày 6/2/2014, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP và các địa phương đã triển khai đợt thanh tra, kiểm tra về ATTP trên phạm vi cả nước.

Qua kết quả báo cáo của 9 đoàn liên ngành Trung ương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, đã có tổng số 169.241 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, trong đó phát hiện 34.649 cơ sở có vi phạm. Đồng thời, các đoàn liên ngành Trung ương đã trực tiếp hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác thanh tra, xử lý theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP.

Riêng 9 đoàn liên ngành của Trung ương đã trực tiếp kiểm tra Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của 18 tỉnh, thành phố và 32 huyện, thị xã. Qua kiểm tra ghi nhận Ban Chỉ đạo các địa phương đã chỉ đạo triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2014 theo đúng sự hướng dẫn của Trung ương về VSATTP.

Trong đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2014, cả nước có 169.287 cơ sở được kiểm tra, trong đó phát hiện 34.676 cơ sở vi phạm về ATTP, chiếm 20,48%, đã xử lý 7.242 cơ sở, bao gồm cảnh cáo 4.064 cơ sở, phạt tiền 2.871 cơ sở với số tiền phạt là 5,103 tỷ đồng; chuyển cơ quan chức năng xử lý 307 trường hợp, đình chỉ hoạt động 44 cơ sở; đình chỉ lưu hành 133 loại sản phẩm do kết quả kiểm nghiệm không đạt hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác không đúng quy định...; số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm 2.364 cơ sở; tiêu hủy 2.667 loại sản phẩm do không đảm bảo ATTP (gà nhập khẩu trái phép, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực phẩm, phụ gia thực phẩm hết hạn, không đảm bảo an toàn...); số cơ sở có vi phạm không bị xử lý, chỉ nhắc nhở là 27.414 cơ sở, chiếm 79,06 % số cơ sở vi phạm, chủ yếu tập trung ở tuyến huyện, xã.

Qua quá trình thực hiện và báo cáo của các đoàn cho thấy, việc xử lý đối với các cơ sở vi phạm đã được thực hiện kiên quyết hơn, số cơ sở vi phạm bị xử lý cao hơn so với năm 2013 (năm 2013 số cơ sở vi phạm bị xử phạt chiếm 15,32%), trong đó một số địa phương đã xử lý rất kiên quyết các vi phạm như: Đà Nẵng có 100% số cơ sở vi phạm bị xử lý; TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang có trên 80% số cơ sở vi phạm bị xử lý; Bến Tre, Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... có từ 50 - 60% số cơ sở vi phạm bị xử lý.

Ngoài việc xử phạt, các địa phương đã kiên quyết tiêu hủy các sản phẩm không bảo đảm ATTP. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố có 2.364 cơ sở có sản phẩm bị hủy (1,4% tổng số cơ sở được thanh tra) với tổng số 2.667 loại sản phẩm bị hủy. Trong đó, một số địa phương phát hiện, tiêu hủy nhiều loại sản phẩm không đạt như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Sở Y tế trong dịp Tết Nguyên đán năm 2014 công tác tịch thu và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo vệ sinh được thực hiện ở tất cả các đoàn thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đoàn kiểm tra quận/ huyện. Thực phẩm đã tịch thu và tiêu hủy chủ yếu là gia cầm, trứng gia cầm, thịt heo, bò, dê chưa qua kiểm dịch.

Tại Hà Nội, cùng với sự chủ động, tích cực của ngành Y tế và các cơ quan chức năng của thành phố, trong dịp Tết Nguyên đán Cục ATTP phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Công an thanh tra đột xuất phát hiện và tiêu hủy 2.865 kg thực phẩm đông lạnh (7 loại sản phẩm) có vi sinh vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Riêng đối với kho hàng thực phẩm (khoảng 50 tấn) không có hóa đơn, chứng từ, bao gồm các loại ô mai, bánh kẹo, hạnh nhân... tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm phần lớn đã bị tiêu hủy sau khi phân loại.

Một số nội dung vi phạm chủ yếu như: Vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, về chất lượng sản phẩm, đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra các ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm do vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn (lòng, nầm heo, nầm bò, nầm trâu đã bị hỏng, hôi thối, bốc mùi...), bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc, không nhãn mác... các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tịch thu, tiêu hủy các lô hàng vi phạm, đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, quá giới hạn cho phép không có nhãn phụ bằng tiếng Việt trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng còn phổ biến.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn đã kết hợp thông tin giáo dục truyền thông về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tới toàn thể xã hội, đặc biệt là tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong các lễ hội; đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân biết và không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng địa phương tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tránh tình trạng tồn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn tiếp tục lưu thông, đồng thời công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các vi phạm về ATTP để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm