Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam chưa có bệnh nhân nhiễm virus Ebola

Thứ ba, 12/08/2014 - 15:09

(Thanh tra) - Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định như vậy tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Ebola do Bộ Y tế tổ chức sáng 12/8, tại Hà Nội.

Ban Tổ chức trả lời phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Phương Anh

Giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu

Ngày 11/8, trên các mạng xã hội, thông tin về người bị nhiễm Ebola tại Bệnh viện Bạch Mai khiến nhiều người hoang mang, lo ngại virus chết người Ebola đã xâm nhập Việt Nam. Ông Phu cho biết, đây là “tin đồn không chính xác”. Đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Ebola tại 4 nước Tây Phi, Việt Nam đang tích cực và chủ động ngăn chặn, phòng chống, không để virus Ebola lây lan vào nước ta. Bộ Y tế đã phối hợp với các bên liên quan giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh tại cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola để có các phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời tránh lây lan dịch bệnh.

Theo ông Trần Đắc Phu, tờ khai y tế lần này áp dụng tất cả các cửa khẩu quốc tế, cả đường hàng không, đường bộ và đường thủy. Nếu phần lớn các bệnh nhân khu vực Trung Đông nhập cảnh đường hàng không thì có thể gần như kiểm soát được khách vào Việt Nam. Nhưng ở đây khách các nước Châu Phi, đặc biệt các nước Tây Phi không có đường bay thẳng vào Việt Nam, và toàn bộ cụm cảng hàng không Việt Nam cũng không có danh mục khách đi từ các nước đang có dịch đi theo hãng hàng không nào về.

Vì thế, Cục Y tế dự phòng đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế xem xét khi khách nhập cảnh vào cầm hộ chiếu đầu tiên tiếp xúc với cán bộ của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thì phải hỏi xem họ từ vùng nào về, nếu như vùng dịch về có thể là người châu Phi hoặc không phải thì yêu cầu họ tới chỗ cơ quan kiểm dịch y tế để yêu cầu khai tờ khai. 

Những trường hợp đó sau khi khai thì sẽ có phân loại, nếu như không bị sốt, không có triệu chứng thì có thể về nhà, khách du lịch thì về khách sạn nhưng bên y tế sẽ xé một nửa tờ khai và dặn sau 21 ngày nếu có bị triệu chứng thì khai báo ngay với cơ quan y tế, nếu như diễn biến thành bệnh hoặc có triệu chứng lâm sàng thì có thể lấy mẫu xét nghiệm hoặc đưa vào cơ sở điều trị ngay.

Đối với đường bộ, như ở đường biên Trung Quốc, có những khách đi thẳng từ châu Phi về hoặc khách làm ăn, công nhân làm thẳng từ châu Phi về và qua VIệt Nam luôn, thậm chí không làm thủ tục ở lại Trung Quốc hoặc về Việt Nam theo đường bộ thì bộ đội biên phòng các cửa khẩu đó sẽ làm các thủ tục như công an làm ở đường hàng không.

Hiện tại, Việt Nam đang ở trong tình huống 1 của Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola là chưa có ca bệnh nào. Bộ Y tế cũng đã kích hoạt một số hoạt động của tình huống số 2 (khi có ca bệnh vào Việt Nam).

Hiện nay, phương án đặt ra khi có trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu sẽ được chuyển về cơ sở điều trị cách ly có điều kiện tốt nhất để điều trị và kiểm soát ngay, hạn chế lây lan và giảm tử vong.

Tại phía Bắc là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; miền Trung là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa; miền Nam là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ.

Hiện tại, Việt Nam đang ở trong tình huống 1 của Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola là chưa có ca bệnh nào. Ảnh minh họa: Internet

Nguy cơ lây nhiễm virus Ebola ở Việt Nam rất thấp

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Tất các các biện pháp phòng, chống đều phải dựa trên các nguyên lý khoa học chứ không phải nghe lời đồn đại. Virus Ebola là loại virus có sức đề kháng rất lớn với môi trường. Nếu ở trong nhiệt độ khoảng 56 độ C thì loại virus này có thể sống được 30 phút. Đặc biệt, tất cả các hóa chất tiệt trùng hiện nay đều có thể tiêu diệt được loại virus này. Vì thế, chúng ta nên nghe theo khuyến cáo của ngành Y tế chứ không nên nghe theo lời đồn đại.

Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Bệnh do virus Ebola là bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm. Chính vì vậy, việc xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh phải được tiến hành trong phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 4.

Hiện Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn trên nên Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ để có các hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm.

Việt Nam hiện đang có hai phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3. Bộ Y tế đang nỗ lực để hai phòng xét nghiệm này cũng có khả năng xét nghiệm bệnh.

Ông KayTo, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO có trung tâm xét nghiệm ở tất cả các nước trên thế giới. Hiện nay, WHO khyến cáo tất cả các nước có những ca nghi ngờ thì nên lấy mẫu và gửi đến các trung tâm này để thẩm định. Tuy nhiên, trong trường hợp các quốc gia có hệ thống xét nghiệm đảm bảo các tiêu chuẩn phân tích về gen, đảm bảo an toàn sinh học, chuyên môn trong phòng xét nghiệm đạt được mức tiêu chuẩn tương đối mà các nước này mong muốn tự xét nghiệm Ebola thì WHO sẽ hỗ trợ để các quốc gia này có các kỹ thuật để bất hoạt được virus Ebola và sau đó là xét nghiệm phân tử. 

Đối với Việt Nam, vì Việt Nam mong muốn bất hoạt được virus này nên WHO đã cung cấp cho Việt Nam các hướng dẫn cụ thể. WHO cũng lưu ý vấn đề an toàn rất quan trọng khi chúng ta vận chuyển mẫu, nhận mẫu và xử lý mẫu vì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. WHO hy vọng Việt Nam sẽ đạt được tiêu chuẩn an toàn trong việc xử lý mẫu.

WHO đánh giá cao sự chuẩn bị, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo WHO, chúng ta phải nhìn vào thực tế rất rõ ràng rằng nguy cơ lây nhiễm virus Ebola ở Việt Nam là rất thấp, do vậy WHO mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông khi thông tin đến cộng đồng mức độ thông tin phải chính xác, vừa đủ để chúng ta có thể giữ được phòng, chống dịch tốt mà không gây hoang mang trong cộng đồng.

Phương Anh 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

(Thanh tra) - Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Phương Anh

21:31 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm