Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Y tế nỗ lực cứu chữa người bệnh bị ảnh hưởng bởi mưa bão

Phương Anh

Thứ tư, 11/09/2024 - 18:09

(Thanh tra) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (YAGI) đã làm thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Cùng với các lực lượng, đơn vị, các đơn vị y tế trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang hết sức nỗ lực vừa khắc phục hậu quả do bão, vừa đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

Các bác sĩ “căng mình” cứu người bệnh tại khu vực cấp cứu. Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Theo thống kê, trong hai ngày từ 7 đến 8/9 khi bão số 3 đi qua, các bệnh viện ở tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận điều trị 357 ca tai nạn do bão, ba trường hợp tử vong.

Trong đó 18 ca đa chấn thương nặng, 6 ca chấn thương sọ não, 19 trường hợp gãy xương và hơn 300 ca chấn thương phần mềm khác. Các y bác sĩ đã nỗ lực vừa chống bão, vừa đảm bảo cấp cứu điều trị cho bệnh nhân.

Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, sau bão, ngoài việc đưa bệnh viện hoạt động trở lại, các cơ sở y tế còn tăng cường vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh sau bão.

Tại tỉnh Yên Bái, trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, lãnh đạo ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở y tế và người dân chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời chỉ đạo phải đảm bảo tốt nhu cầu được khám, chữa bệnh cho người dân trong mọi hoàn cảnh...

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, các trạm y tế của từng xã, phường cũng trong trạng thái túc trực 24/24 để kịp thời ứng cứu người dân gặp nạn.

Trong những ngày qua, tại TP Yên Bái có 3 trạm y tế bị ngập nước, có hai trạm bị cô lập hoàn toàn là Trạm Y tế Tuy Lộc và Hợp Minh. Thời điểm này, Trạm Y tế Nam Cường thuộc Trung tâm Y tế TP Yên Bái đưa toàn bộ các trang thiết bị y tế lên tầng hai để tránh hỏng hóc. Đồng thời chủ động tiến hành công tác phòng, chống bão và hoàn lưu bão theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực cho công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, các cán bộ y tế thường trực 24/24, chuẩn bị thuốc cơ động, thuốc dự phòng cho người dân bị tiêu chảy, ngã, dị ứng...

Thậm chí, trước tình huống mất điện tại trạm, các cán bộ y tế Trạm Y tế Nam Cường phải sử dụng đèn pin, đèn dầu phục vụ công tác chuyên môn

 Tại Hà Nội, trong những ngày qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu, trong đó có 50% là ca nặng, đa phần là các trường hợp chấn thương sọ não, kèm theo chấn thương cột sống cổ, ngực, bụng, tứ chi sau mưa bão. Đồng thời tiếp nhận và điều trị nạn nhân thuộc khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn…

 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sắp xếp tua trực 24/24 bao gồm đội ngũ y, bác sỹ, kỹ thuật viên và nhân viên y tế với phân công nhiệm vụ cụ thể, thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa, bão gây ra, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu điều trị cho người bệnh, đảm bảo sẵn sàng xử lý bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.

 Ngoài ra, cầu truyền hình trực tuyến của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn mở 24/24 để triển khai hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn các trường hợp cấp cứu, trường hợp người bệnh nặng tại các vùng đang phải oằn mình trong mưa lũ, sạt lở

 Tại Bệnh viện Bạch Mai, với tinh thần tập trung cao nhất mọi nguồn lực để chủ động ứng phó với bão số 3 (YAGI), đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh và nhân viên y tế, sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp cấp cứu hàng loạt do thiên tai...; bệnh viện đã bố trí thêm các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ thuốc men, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.

 Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực cũng sẵn sàng hội chẩn từ xa, hỗ trợ cho đồng nghiệp ở các tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa bão nhằm cấp cứu người bệnh hiệu quả nhất.

 Theo thống kê, từ chiều tối 7/9 đến sáng 8/9, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 10 bệnh nhân bị thương sập nhà, đổ mái và bị cây đổ ngoài đường do ảnh hưởng của bão số 3. Những bệnh nhân này sau khi chuyển đến đều được cấp cứu kịp thời.

 Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và giảm thiểu thiệt hại đối với đợt mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, tại công điện mới đây của Bộ Y tế gửi  Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đơn vị y tế tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, không để người dân, người bệnh không được khám chữa bệnh, chăm sóc y tế; tổ chức vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, an toàn thực phẩm.

 Các đơn vị y tế tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, không để người dân, người bệnh không được khám chữa bệnh, chăm sóc y tế; tổ chức vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, an toàn thực phẩm

 Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị trên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão để chủ động nắm bắt tình hình, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ"; báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng của địa phương về Bộ Y tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm