Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Không có "đặc cách" trong xét nghiệm Covid-19”

Hải Hà

Thứ tư, 02/12/2020 - 22:04

(Thanh tra)- Trước băn khoăn về một số trường hợp được cho là "đặc cách" không phải xét nghiệm Covid-19 khi vào Việt Nam, ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, “không có một quy định nào là "đặc cách" không xét nghiệm, kể cả các trưởng đoàn...”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: "Không có một quy định "đặc cách" không xét nghiệm Covid-19, kể cả các trưởng đoàn khi nhập cảnh vào Việt Nam". Ảnh: NPK

Chiều 2/12, trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã họp trực tuyến. Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị.

Dừng tổ chức sự kiện không cần thiết

Tại phiên họp, nhắc lại việc có ca nhiễm Covid-19 mới ở TP Hồ Chí Minh đã lan ra 3 quận, có trường hợp F1, F2 ra các tỉnh, thành khác… Chủ tịch TP đặt vấn đề cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

“Chúng ta vừa có kinh nghiệm, vừa có trách nhiệm. Cấp ủy chính quyền đến từng khu dân cư phải vào cuộc quyết liệt; đề cao cảnh giác nhưng không hoang mang. Hà Nội đã 106 ngày chưa có lây nhiễm trong cộng đồng. Cần gắn trách nhiệm từng người, từ cán bộ các cấp đến tận khu dân phố”-  Chủ tịch TP nhấn mạnh.

Nêu việc cách ly ở các nơi lưu trú và tại nhà rất dễ không tuân thủ đúng quy trình, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngay trong sáng 1/12, BCĐ Phòng chống dịch TP đã đi kiểm tra khu cách ly tổ bay của Hãng Hàng không Việt Nam Airlines tại quận Long Biên. Tại đây, đơn vị đã cơ bản thực hiện tốt công tác cách ly theo quy định.

“Các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở cách ly. Phải thực hiện đầy đủ việc giám sát y tế đủ 14 ngày với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…” - ông Hạnh nói.

Sở Y tế Hà Nội cũng kiến nghị, BCĐ Trung ương phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại nhà với người nhập cảnh, nhất là ở các chung cư vì người dân có ý kiến và lo lắng về việc này.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 yêu cầu, các đơn vị khắc phục ngay các tồn tại ở các khu cách ly; siết chặt quản lý, quy trình người cách ly nhất là với tổ bay...

Sở Y tế thường xuyên liên hệ với CDC TP Hồ Chí Minh để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mới mắc Covid-19; làm tốt công tác phòng dịch ở nơi công cộng, sự kiện nào không cần thiết thì dừng tổ chức; thực hiện nghiêm phòng dịch ở các bệnh.

“TP sẽ tiếp tục đi kiểm tra ở các quận, huyện. Nơi nào chủ quan để xảy ra dịch bệnh sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu”, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP nói.

Nhanh chóng kiểm tra các cơ sở y tế công lập, tư nhân

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, 5 đoàn kiểm tra của TP tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các quận huyện và còn 1 số tồn tại ở cơ sở cách ly vẫn chưa được khắc phục như: Xử lý rác thải và đặc biệt là hệ thống giám sát không đầy đủ, người giám sát không thường xuyên.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu không để làn sóng Covid-19 thứ 3 xuất hiện. Ảnh: NPK

Các cơ sở lư trú cách biệt thì thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch, nhưng ở các chung cư thì chưa đảm bảo an toàn.

Ông Hiền cũng cho biết, với phi hành đoàn, tiếp viên hàng không phải cách ly thì đang có vướng mắc khi nhận thức của họ vẫn chủ quan coi thường việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Vì vậy, ông Hiền cho rằng, các trường hợp này nếu cách ly nhà phải có đủ điều kiện (có phòng riêng, giám sát thường xuyên) nếu không tốt nhất nên cách ly ở khu cách ly tập trung để đảm bảo an toàn.

Phát biểu tại cuộc họp họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, TP Hà Nội nhanh chóng áp dụng kiểm tra các cơ sở y tế công lập, tư nhân trên địa bàn theo mục tiêu đảm bảo an toàn để phục vụ các nhiệm vụ chính trị.

Đối với các khu vực cách ly tại khách sạn và cách ly tổ bay, mặc dù đã có kế hoạch kiểm tra, song vấn đề đáng lo ngại là "đầu vào" (người nước ngoài vào Việt Nam, tổ bay).

Lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất, quan tâm, tích cực triển khai cách ly 14 ngày với tổ bay; đối với các chuyên gia, phải thực hiện nghiêm túc công tác xét nghiệm. Khi vào Việt Nam, tất cả thành viên trong đoàn, kể cả cấp cao nhất, cũng phải tiến hành kiểm tra…

Trước băn khoăn của Giám đốc CDC Hà Nội về một số trường hợp được cho là "đặc cách" khi vào Việt Nam, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, không có một quy định nào là "đặc cách" không xét nghiệm, kể cả các trưởng đoàn khi nhập cảnh vào Việt Nam.

"Ngăn chặn quyết liệt mới có thể phòng ngừa dịch bệnh. Thực hiện nghiêm theo quy định, không có vùng trống, không có trường hợp ngoại lệ" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Không để làn sóng Covid-19 thứ 3

Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh lưu ý, từ ca bệnh mới ở TP Hồ Chí Minh đã có trường hợp liên quan ở Đà Nẵng và đó là nguy cơ không nhỏ. Vì vậy trước hết, theo Chủ tịch TP, việc đầu tiên là cần kiểm soát tình hình tốt nhất là ở các nơi công cộng.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị quán triệt ngay các khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, không thể bị động, sai sót, không để làn sóng thứ 3 dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở Thủ đô. Cả hệ thống chính trị phải cảnh giác cao độ, không lơ là chủ quan, kiểm soát từ bên ngoài, ngăn chặn tốt từ bên trong, không để người dân hoang mang lo lắng.

“Trách nhiệm phải gắn vào người đứng đầu. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, cấp ủy từ quận, huyện xuống tới các tổ dân phố. Để làm tốt hơn nữa, thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay từ cơ sở, bởi công tác này là rất quan trọng”, Chủ tịch TP nhắc nhở.

Đồng thời lưu ý, những nơi đông người như công viên, vườn hoa, quảng trường, phố đi bộ, trường học, bến xe phải thực hiện nghiêm “2K” khẩu trang và khử khuẩn phải bắt buộc thực hiện; những nơi khác xem xét thực hiện đầy đủ "5k".

Đáng lưu ý, Chủ tịch TP chỉ đạo các đơn vị phải ngăn chặn, phát hiện xử lý kịp thời các đối tượng nhập cảnh trái phép. Tăng cường tần suất, mức độ kiểm tra từ tổ dân phố, khu dân cư để phát hiện khả năng tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19, không để bùng phát, F1, F2…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm