Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoạt động tiêm chủng trở lại sau giãn cách xã hội

Phương Anh

Thứ ba, 28/04/2020 - 22:03

(Thanh tra)- Chiều 28/4, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải đảm bảo an toàn tiêm chủng và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Internet

Bộ Y tế cho biết, tiếp theo Công văn số 1853/BYT-DP ngày 3/4/2020 của Bộ Y tế về việc tạm dừng tổ chức tiêm chủng; thực hiện Thông báo số 158/TB-VPCP ngày 16/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố "có nguy cơ cao" và "có nguy cơ" tiếp tục thực hiện các nội dung tại Công văn số 1853/BYT-DP ngày 3/4/2020 của Bộ Y tế từ ngày 16/4/2020 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố "có nguy cơ thấp" tiếp tục triển khai tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng tự nguyện, nhưng phải đảm bảo an toàn tiêm chủng và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố "có nguy cơ thấp" lập kế hoạch buổi tiêm chủng phù hợp, thông báo cho các đối tượng đến tiêm chủng theo các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người, tổ chức phân luồng và hướng dẫn cho các đối tượng tiêm chủng đảm bảo không quá 20 người trong cùng một thời điểm tại một khu vực tiêm chủng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người.

Các khu vực chờ trước tiêm chủng, khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm chủng phải được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, khử khuẩn. Các điểm tiêm chủng bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn để người đến tiêm chủng có thể sử dụng.

Để đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế và người đến tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu cán bộ y tế và người đến tiêm chủng phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân, như: Đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 không đến buổi tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra giám sát việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và xử lý vi phạm theo quy định.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981. Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm miễn phí 11 vaccine ngừa các bệnh truyền nhiễm phổ biến gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.

Từ 1/4 đến nay, do thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tạm ngừng tiêm chủng trên toàn quốc, ngày 25/4 là buổi tiêm chủng đầu tiên sau gần 1 tháng tạm ngừng tiêm. Một số tỉnh, thành phía Nam và khu vực đồng bằng sông Hồng đã tiêm chủng trở lại vào ngày đầu tiên này.

Chiều 28/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19
Bộ Y tế cho biết, tính đến 18 giờ ngày 28/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Từ 6 giờ sáng ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 28/4, Việt Nam đã có 12 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến thời điểm này, tổng số ca mắc tại nước ta vẫn duy trì 270 trường hợp. Trong đó có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm