Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội cam kết đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thích ứng với giãn cách xã hội

Thứ năm, 16/04/2020 - 22:20

(Thanh tra)- Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ, Hà Nội cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. TP sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”…

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Ngày 16/4, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN) để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của DN và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Hơn 4.000 DN ngừng hoạt động

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Tổng sản phẩm quý I tăng ở mức 3,72%. Trong đó: Dịch vụ tăng 3,20%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,46%; nông nghiệp giảm 1,17% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,44%; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4%, tổng mức bán lẻ tăng 2,3%.

Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, các DN tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn, số lượng DN ngừng hoạt động nhiều; quy mô DN chưa có nhiều cải thiện; tình trạng thiếu vốn; khó khăn về mặt bằng sản xuất vẫn xảy ra…

"Đặc biệt, trong quý I/2020, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn TP bị ảnh hưởng rất lớn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19" - Giám đốc Sở KH&ĐT nói và cho biết thêm, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Riêng 3 tháng đầu năm, số DN đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 DN (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Mong muốn giảm thuế, giãn nợ

Tại hội nghị, nhiều DN lên tiếng bày tỏ mong muốn được giảm thuế, giãn nợ. Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG (DN đầu tư và hoạt động tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng và sân gôn) cho biết, BRG chịu ảnh hưởng nặng nề sơ bộ 1.000 tỷ đồng; 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu.

Bà Nga đề nghị, Bộ KH&ĐT giảm thuế cho DN đến 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng...

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines ông Dương Trí Thành cho biết, những khó khăn của ngành Hàng không rất lớn, nếu sau dịch bệnh làm ăn tốt, mất tối thiểu 5 năm mới bù được lỗ phát sinh. Ông Thành mong muốn ngoài giảm thuế, giãn nợ, cần tạo điều kiện giúp đỡ đối với chế độ người lao động vì số lượng nhân viên của Vietnam Airlines lớn, tiếp viên 3.000 người, phi công 1.000 người...

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: CTV

Tập đoàn Vingroup cũng nêu khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy... Riêng với du lịch dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000  cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng Tập đoàn vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này, lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh… Từ thực tế đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất, giãn nộp tiền thuê đất, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú, xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về các biện pháp giãn, hoãn, giảm trong lĩnh vực thuế, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI sẽ tiếp thu tiếng nói của DN, nhưng cũng cho rằng ngân sách Nhà nước hiện rất hạn hẹp. Vì thế ngân sách cần phải thực hiện có hiệu quả, đúng địa chỉ. Bên cạnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, phải nêu cao trách nhiệm của các hiệp hội DN để kết nối và giám sát quá trình thực thi.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta đang trong giai đoạn sống chung với dịch Covid-19, nhưng phải có các biện pháp để kinh doanh an toàn. VCCI đang phối hợp với một số đơn vị để xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm của các DN và hướng dẫn kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp.

Tạo điều kiện tốt nhất để gỡ khó cùng DN

Để gỡ khó cho DN trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, TP đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Ngoài ra, TP đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù trình HĐND TP thông qua để thực hiện như: Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; hỗ trợ kinh phí cho DN thành lập mới; thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ…

Về việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, Hà Nội đã triển khai trở lại hoạt động của tổ công tác với giám đốc các sở, ngành, tiếp nhận các kiến nghị của DN và họp hàng tuần để tháo gỡ kịp thời.

Nêu rõ việc ở Hà Nội các hộ kinh doanh cá thể, lao động trong lĩnh vực dịch vụ sẽ bị tác động nặng nề nhất, Chủ tịch UBND TP cho rằng, dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội để DN nhìn lại, tái cơ cấu để phù hợp; đây cũng là dịp để TP tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn để phục vụ tốt nhất cho người dân, DN.

Ghi nhận các ý kiến của DN, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, Hà Nội cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. TP sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”, từ các công trình của thôn, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Cùng với đó, TP cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là công nghệ thông tin, sản xuất vật tư, thiết bị y tế... để vừa tạo cầu, vừa tạo cung cho DN.

“TP đã giao cho các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động của DN” - Bí thư Thành ủy nói, đồng thời nhấn mạnh, TP đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay, tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần cả nước…

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm