Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải bài toán vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị vật tư y tế

Phương Anh

Thứ ba, 05/11/2024 - 12:46

(Thanh tra) - Theo Bộ Y tế, thời gian vừa qua, qua kiểm tra rà soát, Bộ Y tế thấy rằng có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện, nguyên nhân là trong đầu năm 2024, các bệnh viện áp dụng Luật Đấu thầu mới nên việc áp dụng còn chậm trễ. Một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy thầu để đấu thầu lại.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc vẫn có, nhưng chỉ thiếu với một số mặt hàng như thuốc hiếm. Ảnh minh hoạ: PV

Ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, về cơ bản các vướng mắc chủ yếu từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi là do chưa có cách hiểu thống nhất. Một số địa phương đã ban hành quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở y tế, các bệnh viện quyết định việc mua sắm nhưng cũng có một số địa phương lại phân cấp ở mức vừa phải. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian mua sắm vì phải qua các bước trình duyệt, thẩm định trung gian.

Cũng theo ông Hoàng Cương, những vướng mắc phát sinh kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành không phải là nguyên nhân chủ chốt. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu về công tác mua thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng như: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế vào những ngày cuối tháng 10/2024 tại một số bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh. Thực tế, tình trạng thiếu thuốc vẫn có, nhưng chỉ thiếu với một số mặt hàng như thuốc hiếm, thuốc có giá quá rẻ hoặc với mặt hàng mà cơ sở y tế ít có bệnh nhân điều trị. Yếu tố khách quan chiếm phần lớn của việc thiếu hụt là do đứt gãy nguồn cung.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, thạc sĩ - dược sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng khoa Dược cho biết, bệnh viện về cơ bản không thiếu thuốc thường quy. Giai đoạn thiếu nhất do nhiều yếu tố, trong thời gian chờ đợi Chính phủ và Bộ Y tế hướng dẫn, bệnh viện đã tiến hành đấu thầu trước.

Liên quan tới tình trạng thiếu Gamma globulin điều trị bệnh tay chân miệng được phản ánh giai đoạn cách đây một năm, thạc sĩ Nga thông tin thực trạng thiếu Gamma globulin không phải xuất phát từ nguyên nhân thiếu văn bản quy phạm pháp luật trong công tác mua sắm mà chủ yếu phần lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng do không kịp nhập khẩu thuốc về Việt Nam.

Còn theo ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc thiếu thuốc giai đoạn vừa qua, chủ yếu không phải vướng ở cơ chế mua sắm mà chủ yếu vướng chuỗi cung ứng.

“Dịch tay chân miệng năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh thiếu thuốc điều trị chủ yếu do phải điều tiết cho điều trị người bệnh tại chỗ ở một số địa phương, còn nếu chỉ cung ứng cho riêng thành phố thì cơ bản đủ. Ngoài ra, một số thuốc được cấp số đăng ký nhưng thực tế các nhà nhập khẩu không nhập về, TP Hồ Chí Minh phải tiến hành cấp đơn hàng nhập khẩu đặc biệt”, ông Danh cho biết.

Tại Ninh Thuận, ông Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Đến thời điểm này chúng tôi đã thật sự được tháo gỡ mọi khó khăn về đấu thầu, mua sắm”. Ông Kỳ cho biết, Sở Y tế Ninh Thuận đang tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp theo Luật Đầu tư công. Với gói thầu của đơn vị tự quyết định, Sở hướng dẫn các đơn vị căn cứ vào Thông tư 27 và Nghị định 24 để thực hiện đấu thầu qua mạng quốc gia để thuận lợi. Những gói thầu lớn, Sở Y tế tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, hướng dẫn cho đơn vị tự thầu.

“Với Luật Đấu thầu 2023, Nghị định 24, Chính phủ đã có những nhìn nhận rất tinh thông, sát thực tiễn để có hướng xử lý trong khi chưa xác định được về công nghệ, Chính phủ đã gỡ khó cho địa phương trong thực hiện đấu thầu một giai đoạn một túi một hồ sơ cho nhanh, còn nếu tiến hành phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ chưa bảo đảm quy định chính xác và kéo dài thời gian”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các bệnh viện chủ động, linh hoạt cho các bệnh viện trong việc mua thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Albumin, Globulin…).

Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm…). Do đó, Bộ Y tế đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, địa phương trong việc đấu thầu, mua sắm trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật, trong đó có Luật Đấu thầu năm 2023. Trên cơ sở ý kiến đề xuất, thống nhất của nhiều bệnh viện, Bộ Y tế đã tổng hợp, có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi quy định về mua thuốc để bán lẻ trong nhà thuốc thuộc khuôn viên bệnh viện theo hướng cho phép bệnh viện được áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần, thay vì một lần như quy định hiện hành.

Việc cho phép áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần, cùng với các quy định khác như: Áp dụng tùy chọn mua thêm, mua sắm cho nhu cầu sử dụng nhiều hơn một năm, áp dụng chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến… sẽ bảo đảm đáp ứng được yêu cầu về mua sắm thuốc cho nhà thuốc bệnh viện, vật tư, thiết bị y tế và các hàng hóa khác.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm