Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 25/05/2014 - 08:31
(Thanh tra)- Trong thời gian qua, việc đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước ngọt có ga không cồn của Bộ Tài chính đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.
>> Uống nhiều nước ngọt có ga có thể ung thư thực quản
Một số ý kiến cho rằng đây là một sự phân biệt đối xử, vì nước ngọt không có ga cũng chứa nhiều đường nhưng không nằm trong diện chịu thuế TTĐB. Yếu tố “đường” được cho là nguyên nhân chính gây nên các vấn đề về sức khỏe như Bộ Tài chính giải trình, còn CO2 (“ga”) thì hoàn toàn vô hại, thậm chí còn có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều ngược lại. Cả đường và CO2 đều có những tác hại không thể ngờ, đặc biệt sự kết hợp giữa 2 yếu tố này mới tiềm ẩn các nguy cơ mắc bệnh nếu sử dụng với hàm lượng cao.
CO2 - Lợi hay hại cho sức khỏe?
Những người theo quan điểm CO2 “hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe” quả quyết rằng họ dựa trên “những kết quả nghiên cứu khoa học”, nhưng lại không hề đưa ra một bằng chứng cụ thể nào về các nghiên cứu ấy, mặc dù chúng “được công bố rộng rãi”. Thậm chí, có người còn chứng minh CO2 vô hại bởi nó vốn đã tồn tại trong cơ thể con người. Trong quá trình hô hấp, con người thở ra CO2, tương tự, quá trình cacbonat hóa sản phẩm thức uống cũng chỉ là một quá trình sục khí CO2 vào cơ thể.
Rõ ràng, việc so sánh này rất khập khiễng, vì 2 hiện tượng này hoàn toàn không có mối liên hệ gì với nhau. CO2 trong hô hấp có dạng khí, chỉ có ý nghĩa đối với quá trình quang hợp của thực vật. Bản thân nó không giúp con người duy trì sự sống giống như khí Oxi, ngược lại khi hít phải ở nồng độ cao có thể nguy hiểm, gây tình trạng ngạt thở. Trong khi đó, CO2 trong nước ngọt có ga lại tồn tại dưới dạng nước bão hòa CO2, được tạo ra thông qua quá trình hòa tan CO2 vào chất lỏng dưới áp suất cao. Khi uống, khí CO2 hòa tan trong nước ngọt đi vào dạ dày khá nhiều, khí được tách ra khỏi nước, bốc lên phía trên gây ợ hơi. Nếu tích tụ với một lượng lớn có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng như loét dạ dày, hành tá tràng… vì CO2 làm cho áp lực của dạ dày và ruột tăng thêm, dẫn đến việc loét sâu hơn và dễ gây ra tình trạng thủng ruột.
Một ý kiến khác chứng minh lợi ích của CO2 thông qua việc nó được sử dụng rất hiệu quả trong phẫu thuật nhi khoa, giúp kết quả phẫu thuật tốt hơn. Tuy nhiên, lập luận này có phần khiên cưỡng, bởi lẽ việc sử dụng khí CO2 trong trường hợp này cũng phải tuân theo các chỉ định ngặt nghèo và được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn khoa học.
Lấy morphine làm ví dụ tương tự. Chất này cũng được dùng trong y học để giảm đau, nhưng phải sử dụng dưới sự giám sát, chỉ định của các bác sĩ và với liều lượng hợp lý. Không ai có thể tuyên bố rằng vì công dụng rất hữu hiệu của morphine trong quá trình chữa bệnh nên chúng ta có thể lạm dụng morphine trong cuộc sống thường ngày.
Vì vậy, dựa vào lý do y học có sử dụng mà kết luận có thể thoải mái tiêu thụ CO2 và CO2 không có bất cứ tác hại nào là hoàn toàn không có tính thuyết phục. Suy cho cùng, những luận điểm này chỉ nhằm bao biện cho các công ty sản xuất nước ngọt có ga không cồn, gây nên sự nhầm tưởng nơi người tiêu dùng.
Sự kết hợp “đường” và “ga” - nguy cơ tiềm ẩn
Những người phản đối dự thảo luật đã dẫn chứng số liệu thống kê về lượng đường tiêu thụ trên đầu người ở nước ta hiện nay vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 15 kg/người/năm. Trong đó, lượng đường tiêu thụ qua nước ngọt chỉ chiếm tỉ lệ 5,48 - 8,15%. Trên cơ sở đó, họ cho rằng việc hạn chế tiêu dùng mặt hàng này là chưa cần thiết và đề nghị phải cân nhắc việc áp thuế TTĐB.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ nằm riêng ở yếu tố “ga” hay “đường”, mà chính sự kết hợp hai yếu tố này mới tạo nên những tác hại cao hơn cho sức khỏe. Khí CO2 trong nước ngọt có ga khi thoát ra ngoài sẽ làm cho người uống tê tê nhè nhẹ ở đầu lưỡi, kích thích vị giác và tạo cảm giác cay nồng, “đã khát”. Do đó, những người uống nước ngọt có ga có xu hướng muốn uống nhiều hơn, kéo theo hệ quả là lượng đường hấp thụ vào cơ thể cũng tăng lên đáng kể so với khi uống các loại đồ uống khác.
Một điều đáng lưu ý nữa là “đường” trong nước giải khát có ga là Aspartame - đường hóa học. Aspartame là chất tạo độ ngọt nhân tạo có hàm lượng calo thấp, chúng ngọt hơn đường tự nhiên khoảng 200 lần. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa aspartame và bệnh ung thư máu, gây nghiện, quái thai và có thể trở thành vũ khí hóa học theo phân loại của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ). Tuy vậy, chúng vẫn tồn tại trong Coca Cola hay bất kì loại nước ngọt có ga nào được chúng ta sử dụng hàng ngày. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nước ngọt có ga bị liệt vào các loại hàng hóa bị hạn chế tiêu thụ mà không phải là nước ngọt không ga. Đường trong nước ngọt không ga không phải là đường hóa học mà thường có nguồn gốc tự nhiên. Ví dụ, đường sử dụng trong trà xanh 0độ là đường palatinose - một loại đường từ mật ong có lợi cho sức khỏe chứ không phải Aspartame.
Thiết nghĩ, với những lý do nêu trên, việc áp dụng thuế tiêu thụ lên nước ngọt có ga không cồn nhằm hạn chế tiêu dùng là vô cùng cần thiết. Các doanh nghiệp nên bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của người tiêu dung, thay vì liên tục cung cấp cho họ những những thông tin không đúng sự thật để bảo vệ lợi ích tài chính trước mắt của mình.
PV
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Phương Anh
19:32 13/12/2024(Thanh tra) - Nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Việt Nam và Mỹ sẽ được thử nghiệm lâm sàng thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư RBS2418.
Chính Bình
11:00 13/12/2024Phương Anh
13:28 12/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Phương Anh
21:31 10/12/2024Phương Anh
08:10 09/12/2024Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà