Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có một Lê Ngọc Thành khác, thật nghệ sĩ…

Thứ ba, 26/02/2019 - 11:12

(Thanh tra)- “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng…”. Những nốt nhạc du dương của "Bài ca hy vọng" đang được tấu rải ra từ chiếc đàn ghi ta bởi những ngón tay không còn mềm mại, trẻ trung nữa của người Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Thành. Tôi lặng lẽ bước vào chào ông rồi tự chọn cho mình một chỗ. Những người trẻ khoác áo blu trắng như bị hút theo tiếng đàn của ông từ lúc nào chẳng biết. Hết "Bài ca hy vọng", ông chuyển sang tấu bài "Quê em miền trung du", bài "Làng tôi"… - những bài hát, bản nhạc mà một thời một thuở, lũ sinh viên chúng tôi, bất kể học ở trường đại học nào xưa cũng đều rất thích.

Phút thư giãn bên cây đàn ghi ta của Bác sĩ Lê Ngọc Thành. Ảnh: Trần Ngọc Kha

“Hiếm lắm mình mới có được một buổi chiều được cho là rảnh rỗi thế này, chơi vài nốt nhạc cho sảng khoái tinh thần sau những bận rộn, lo toan, nhà báo ạ”- Giáo sư Lê Ngọc Thành chia sẻ với tôi khi tiếng đàn vừa dứt.

Còn tôi chợt nhận ra, có một Lê Ngọc Thành thật lãng mạn, lạc quan như một nghệ sĩ, khác với một bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện E Trung ương giỏi giang, tận tụy với nghề… Và, nếu ai biết được câu chuyện về “cái duyên” ông được điều động về đây “cắm chốt” ra sao, sẽ càng thấy rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn của vị giáo sư đáng kính này. 

Tháng 8/2009, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mắc một chứng bệnh về phồng động mạch chủ bụng. Một cuộc hội chẩn về bệnh tình của nguyên Thủ tướng tại TP Hồ Chí Minh được Bộ trưởng Bộ Y tế bấy giờ là ôngNguyễn Quốc Triệulên kế hoạch thực hiện. Trước khi chốt số lượng thành viên của đoàn bay đi TP Hồ Chí Minh hội chẩn, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tham vấn GS Phạm Gia Khải, một trong những chuyên gia tim mạch đầu ngành, Trưởng ban chuyên môn, Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Trung ương lúc ấy, xem có cần bổ sung ai nữa không. GS Khải nói ngay, “theo tôi, ta nên mời cậu Thành. Hiệncậu ấy là Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Việt Đức. Tôi thấy anh ấy rất thạo về “món” này (ý GS muốn đề cập đến căn bệnh của nguyên Phó Thủ tướng). Tôi chỉ thạo về tim thôi”. 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu là người rất nhạy cảm. Trước đó một năm, chính tay Phó Giáo sư Lê Ngọc Thành đã đích thân mổ chữa khỏi bệnh cho cháu của ông. Và rồi, vào một trưa cuối năm ấy, trên đường đi đón con về đến ngã tư Giảng võ - Láng Hạ, trong khi đang đợi đèn xanh thì ông Thành nghe tiếng chuông điện thoại của mình trong túi vang lên. Từ đầu dây bên kia là giọng Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: “Chú có thể thu xếp chiều nay đi TP Hồ Chí Minh với anh được không? Xe sẽ đón lúc 2h.Đến nhà anh đi nhé”. 

Chưa biết Bộ trưởng giao nhiệm vụ gì, ông chỉ biết chấp hành. Trên đường bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng hỏi ông rất kỹ về tình hình bệnh tim ở nước ta hiện nay ra sao. Sẵn có nhiều trăn trở về vấn đề này từ trước, nay được dịp Bộ trưởng quan tâm, bác sĩ Lê Ngọc Thành liền “dốc bầu tâm sự” cho bằng hết. Rằng, hiện nay chúng ta mới chỉ mổ giải quyết được những ca bệnh tim đối với người lớn. Còn một số lượng rất đáng kể trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh mà chúng ta chưa có điều kiện mổ chữa được. Điều này đồng nghĩa với việc nếu trẻ nào mắc căn bệnh này thì sẽ cầm chắc cái chết trong tay, hoặc có mổ thì đa phần ở vào giai đoạn muộn.

Trong suốt chuyến đi ấy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu suy nghĩ rất nhiều về những gì vị Trưởng khoa Tim mạch BV Việt Đức này chia sẻ. “Này, cho tớ hỏi, cậu nói vậy có thật không?”. Trong lúc chỉ có hai anh em nghỉ trong một căn phòng của nhà khách Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, ông Thành nói luôn “Ơ! Em nói với anh là nói với Bộ trưởng chứ có phải nói chơi với ai đâu?”. 

Xong việc với căn bệnh của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, về đến Hà Nội, Bộ trưởng cho triệu tập ngay một cuộc họpđể chuẩn bị cho việc thành lập ban tổ chức triển khai dự án phát triển Trung tâm Tim mạch, sẽ đặt tại Bệnh viện E, do đích thân Bộ trưởng làm Trưởng ban. Các thứ trưởng, vụ trưởng và chuyên viên liên quan cùng các giáo sư, bác sĩ đầu ngành ngoại khoa và nội Khoa Tim mạch họp cũng được mời về dự họp. Đâycũng là để triển khai nhanh nhất có thể, theo chỉ đạo của Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối với ngành Y tế cần tăng cường cơ sở vật chất chẩn đoán và điều trị bệnh Tim bẩm sinh. Và đây cũng chính là mong muốn,trăn trở của ông Thành.

Ngay sau đó, ông Thành được Bộ điều động thẳng từ Bệnh viện Việt Đức về làm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện E Trung ương với trọng trách xây dựng một Trung tâm Tim mạch thật hiện đại, có thể đáp ứng mọi nhu cầu cứu chữa người bệnh ở mọi lứa tuổi. 

Từ đó đến nay, gần 10 năm thành lập và phát triển, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện E đã thực hiện thành công hàng chục nghìn ca phẫu thuật tim cho người bệnh ở vào đủ mọi lứa tuổi, từ sơ sinh 1 tháng tuổi đến những cụ già sắp bước sang tuổi 90, có những bệnh nhi nặng chỉ 2,5kg được phẫu thuật thành công. 

GS.TS Lê Ngọc Thành đã dồn tâm sức mình cho chuyên ngành tim mạch, vừa trực tiếp phẫu thuật, vừa đào tạo nhân lực và tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Làm thế nào để không còn tình trạng bệnh nhân không được cứu chữa chỉ vì nghèo. 

Tên tuổi của GS Thành được ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới bởi phương pháp mổ tim nội soi toàn bộ của ông được đông đảo đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao tại các hội nghị tim mạch lồng ngực, được tổ chức tại Vương quốc Anh, Italia, Australia... và được công bố trên tạp chí quốc tế. 

Từ gần 40 trường hợp ban đầu được mổ vá thông liên nhĩ bằng nội soi toàn bộ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, đến nay, hàng trăm người bệnh với một số bệnh lý khác nhau đã được thụ hưởng lợi ích của kỹ thuật này. Nhờ đó, người bệnh khi mổ không còn bị cưa xương ức, sau mổ ít đau hơn, hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng và ra viện sớm hơn so với biện pháp mổ mở kinh điển.

Cùng cộng sự, ngoài việc thực hiện thành công hàng chục nghìn ca phẫu thuật về tim mạch và lồng ngực, ông còn áp dụng thành công kỹ thuật mới nhất như tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân theo phương pháp Ozaki, ứng dụng công nghệ 3D hiện đại vào phẫu thuật tim mạch…

Đến với Bệnh viện E hôm nay, chúng ta có thể nhận thấy ở đây một môi trường y tế “thay da, đổi thịt” rất thân thiện, đang dần chiếm được sự hài lòng của người bệnh.Hàng ngày, ở đây không chỉ diễn ra những thành công kỳ diệu nói trên mà còn có những bài ca nhân văn xuất phát từ Chương trình Trái tim cho em, những chuyến đi rong ruổi khắp các tỉnh thành: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Điện Biên... vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Thành cùng các thầy thuốc trẻ ở đây tổ chức khám sàng lọc tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ dưới 16 tuổi. Những nốt nhạc nhân văn du dương lay động lòng người do chính người Giám đốc- nghệ sĩ Lê Ngọc Thành gẩy lên hôm nay không chỉ vang trong phạm vi căn phòng làm việc của ông mà nó đang lan tỏa ra khắp nơi trong bệnh viện, thành bài ca yêu thương con người chan chứa…

Trần Ngọc Kha

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm