Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính sách phải đồng bộ

Thứ năm, 03/07/2014 - 07:46

(Thanh tra)- Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua vẫn đối diện với không ít khó khăn khi sẽ gia tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước (NSNN), quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT)… Điều này đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ của các chính sách và dịch vụ khác.

Luật BHYT sẽ không khả thi nếu các chính sách về tiền lương, về giá dịch vụ y tế, tài chính y tế, về đầu tư y tế, phát triển nguồn nhân lực và vấn đề xã hội hóa công tác y tế… không thay đổi đồng bộ. Ảnh minh họa: Nguyễn Nhuần

Minh bạch, công bằng trong thụ hưởng dịch vụ

Điểm mới trong Luật (Sửa đổi) là đã sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng, trong đó nhóm được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT tham gia theo hình thức hộ gia đình. Luật bổ sung và giải thích rõ hơn khái niệm “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.

Theo Bộ Y tế, quy định này sẽ tránh được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm, người bị bệnh mới tham gia BHYT; khắc phục tình trạng các doang nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trốn đóng BHYT cho người lao động. Việc tham gia theo hộ gia đình cũng sẽ hạn chế tình trạng trùng đối tượng, bỏ sót đối tượng, tăng sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, đảm bảo tính bền vững của chính sách.

Ước tính, nếu tham gia đầy đủ, tỷ lệ tham gia BHYT sẽ tăng bình quân 2%/năm. Đến năm 2020 sẽ có khoảng 15 triệu học sinh sinh viên, 3,5 triệu người cận nghèo và 14,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp tham gia BHYT. Đối với nhóm tham gia theo hộ gia đình, ước tính đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 7 triệu người có BHYT. Theo tính toán, khoảng 70% dân số tham gia BHYT vào năm 2015 sẽ tạo động lực, cơ hội thúc đẩy những đối tượng còn lại tham gia BHYT với mục tiêu đến 2020 đạt tỷ lệ bao phủ 80%. Như vậy mục tiêu BHYT toàn dân sẽ sớm trở thành hiện thực.

Dự kiến có khoảng 50% dân số (người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi…) tiếp tục được cấp thẻ BHYT miễn phí do NSNN bảo đảm.

Luật (Sửa đổi) cũng quy định cụ thể hơn về cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT để phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, lựa chọn cơ sở KCB cả công lập, ngoài công lập có chất lượng ở cả các tuyến y tế cơ sở và tuyến kỹ thuật cao, giảm tình trạng quá tải như hiện nay.

Hiện nay, giá dịch vụ y tế đang do nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau phê duyệt với nhiều mức giá, thời điểm áp dụng khác nhau kể cả với cùng một hạng bệnh viện, trên cùng một địa bàn, gây mất công bằng cho người bệnh, bệnh viện và gây khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách. Luật (Sửa đổi) đã bổ sung quy định thống nhất giá dịch vụ y tế giữa các hạng bệnh viện trên toàn quốc. Đây được xem là cơ sở đảm bảo công bằng, minh bạch trong thanh toán chi phí, cung ứng dịch vụ của cơ sở y tế và trong thụ hưởng dịch vụ của người bệnh. Hạn chế tình trạng người bệnh vượt tuyến gây quá tải ở tuyến trên.

Gia tăng gánh nặng tài chính

Theo thống kê, Quỹ BHYT hiện nay đã chiếm 1/3 NSNN dành cho y tế và chiếm tỷ trọng xấp xỉ 50 - 60% NSNN dành cho công tác KCB.

Bộ Y tế cho biết: Dự báo đến năm 2015, nguồn tài chính dành cho y tế qua Quỹ BHYT sẽ chiếm 50 - 60% và cho công tác KCB sẽ đạt tới 80 - 90%. Như vậy, khi việc tham gia BHYT ở quy mô lớn, Quỹ BHYT đảm bảo hầu hết nhu cầu KCB của nhân dân, cân đối được thu chi thì đây vừa là điều kiện vừa là cách thức để điều chỉnh chính sách viện phí, chính sách phân bổ tài chính từ nguồn NSNN. Thay vì cấp phát cho cơ sở KCB, nguồn chi thường xuyên từ NSNN sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng thông qua hình thức hỗ trợ mức đóng BHYT.

Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với Chính phủ trong việc cân đối các nguồn lực khi theo tính toán ngân sách hàng năm sẽ tăng cao hơn so với hiện nay. Cụ thể, với lộ trình hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng, dự báo từ năm 2012 - 2015, tỷ lệ NSNN hỗ trợ so với tổng thu BHYT trong khoảng 40,6 - 45,5% và NSNN phải tăng thêm năm 2014 là 6.448 tỷ đồng; năm 2015 là 8.034 tỷ đồng để hỗ trợ đóng BHYT.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cân đối Quỹ BHYT chỉ mới tính trên yếu tố gia tăng chi phí KCB BHYT từ tác động thay đổi giá dịch vụ y tế và lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí trong đó có cả yếu tố tiền lương của cán bộ y tế, với giả định mức gia tăng chi phí KCB BHYT hàng năm là 23% (tính theo chi phí bình quân/thẻ) thì năm 2015 sẽ phải thực hiện theo phương án tăng 10% lương tối thiểu, thu quỹ BHYT theo mức đóng 5,5%; năm 2020 phải thực hiện phương án tăng 30% tiền lương, thu quỹ BHYT theo mức đóng bằng 5,5% mới có thể cân đối Quỹ BHYT. Điều này sẽ tạo gánh nặng không nhỏ lên NSNN.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Với mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân, thực hiện bao phủ BHYT toàn dân không chỉ là tỷ lệ dân số tham gia BHYT mà còn phải quan tâm đến chất lượng dịch vụ và chi trả chi phí KCB. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được xây dựng trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới đang làm việc cùng nhau ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, tập trung các hoạt động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bao phủ BHYT toàn dân; Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020. Để thực hiện được mục tiêu này, Luật BHYT sẽ không khả thi nếu các chính sách về tiền lương, về giá dịch vụ y tế, tài chính y tế, về đầu tư y tế, phát triển nguồn nhân lực và vấn đề xã hội hóa công tác y tế… không thay đổi đồng bộ.

Nguyễn Nhuần

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm