Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cấp bách bảo vệ các “chiến sỹ áo trắng”

Phương Anh

Thứ tư, 05/08/2020 - 22:31

(Thanh tra)- Gần 2 tuần qua, “cơn bão” COVID-19 ở Đà Nẵng làm cho 14 nhân viên y tế mắc COVID-19. Lúc này các nhân viên y tế rất cần đến sự kề vai sát cánh, sự bảo vệ và động viên của Chính phủ, của các cơ quan trong ngành Y tế và của cả nhân dân Việt Nam.

Các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Lê Bảo

Ngày 5/8, tại Hà Nội, Công đoàn Y tế Việt Nam (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch COVID-19”.

Kể từ 25/7 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận những ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Có đến 224 trường hợp được xác định có quan đến ổ dịch Đà Nẵng. Trong hơn 200 ca bệnh COVID-19 được ghi nhận trong giai đoạn mới của dịch, đã có 14 nhân viên y tế bị lây nhiễm (2 sinh viên y khoa, 2 bác sĩ và 10 điều dưỡng).

Chia sẻ tại Tọa đàm, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục cho biết, 14 cán bộ y tế nước ta bị nhiễm COVID-19 chiếm tỷ lệ 6%. Tỷ lệ này cũng gần tương đương với thống kế của Hội Điều dưỡng Thế giới ở 77 nước, cán bộ y tế lây nhiễm khoảng 7%.

Theo ông Phạm Đức Mục, đây là vấn đề khiến chúng ta hết sức lo lắng, bởi một cán bộ y tế mắc bệnh kéo theo đó là đồng nghiệp của họ trong khoa, trong bệnh viện rơi vào trạng thái cách ly, không còn nguồn nhân lực phục vụ bệnh nhân.

“Chúng ta cần lên tiếng bảo vệ những cán bộ y tế đang ở tuyến đầu chống dịch và cũng là lúc để tôn vinh những cống hiến, đóng góp không mệt mỏi, thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là các điều dưỡng viên”, ông Phạm Đức Mục nhấn mạnh.

Ông Phạm Đức Mục cho biết, các bệnh nhân COVID-19 hiện nay đang được cách ly trong các buồng bệnh mà không có người nhà chăm sóc, theo đó các điều dưỡng viên đang là chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ thay thế cho người thân của các bệnh nhân, lấp vào khoảng trống tinh thần cho bệnh nhân.

Các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng hiện nay không phải là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống của chúng ta sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ.

Để chuẩn bị cho trường hợp nhiều ca mắc COVID-19, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành phố chưa có dịch nên dành thời gian để đào tạo, chuẩn bị cho nguồn điều dưỡng được trang bị năng lực chuyên môn về hồi sức cấp cứu để chăm sóc bệnh nhân.

Tại buổi Tọa đàm, TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin có 14 cán bộ y tế mắc COVID-19, Công đoàn ngành Y tế đã hỗ trợ mỗi đoàn viên 2 triệu đồng và huy động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi cán bộ 2 triệu đồng.

Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng đã hỗ trợ bằng quỹ xã hội từ thiện 50 triệu đồng cho các cán bộ bị cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng, 50 triệu đồng tới Bệnh viện Trung ương Huế - nơi đang điều trị cho 25 ca mắc COVID-19 nặng.

Theo TS Phạm Thanh Bình, việc cán bộ y tế bị cách ly là điều không ai mong muốn. Khi cách ly, các cán bộ y tế cũng vô cùng hoang mang, lo lắng. Đáng ra họ sẽ đang là những người cầm súng ra trận nhưng khi cách ly họ không thể cầm súng, không được cống hiến và phải sống xa gia đình”

Do vậy, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh sẽ làm hết sức có thể để chia sẻ với các cán bộ y tế, mong các cán bộ y tế bình tâm trong cuộc chiến chống COVID-19.

“Dù không thể thực hiện khám chữa bệnh, nhưng ngay bên trong khu cách ly các cán bộ, nhân viên y tế vẫn có thể làm việc, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế để đẩy lùi dịch bệnh”, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm