Theo dõi Báo Thanh tra trên
Lê Phương
Thứ ba, 15/10/2024 - 15:06
(Thanh tra) - Tại Kết luận thanh tra số 1027/KL-BCT ngày 28/4/2023 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được thực hiện xong.
Ngày 27/12/2023, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố kết luận thanh tra Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ảnh: LP
Tiếp tục đôn đốc thực hiện dứt điểm các kiến nghị xử lý sau thanh tra
Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long cho biết, mới đây Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi Vụ Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước, Dầu khí và Than; các Cục Điều tiết điện lực, Xuất nhập khẩu, Điện lực và Năng lượng tái tạo; Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu khẩn trương thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các nội dung chưa hoàn thành, còn tồn tại đối với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2810/KL-TTCP ngày 9/11/2017; Kết luận số 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023; Kết luận số 1538/KL-TTCP ngày 7/7/2023 và Kết luận số 1061/KL-TTCP ngày 13/11/2023.
Đối với công tác kiểm điểm xem xét xử lý trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ (nếu cần), Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương tổ chức thực hiện theo quy định.
Các đơn vị thực hiện và báo cáo đúng tiến độ theo kế hoạch thực hiện các kết luận thanh tra đã được Bộ Công Thương ban hành. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ, xin ý kiến xử lý. Thanh tra Bộ làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra và tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
Ông Long cũng cho biết, trước đó để thực hiện Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Long An, Bình Thuận, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa; các Vụ Tổ chức cán bộ, Pháp chế; các Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực đề nghị phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Hiện, Thanh tra Bộ Công Thương đang tổng hợp báo cáo trình Bộ trưởng duyệt để gửi Thanh tra Chính phủ.
Nhiều nội dung đang triển khai thực hiện
Tại Báo cáo số 171 về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 1027/KL-TCCP của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện.
Kết quả, về hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý điện lực, việc xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế/quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện; quy định về quy trình đấu thầu/đấu giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời, điện gió; cơ chế xử lý các dự án điện chậm tiến độ, Bộ Công Thương cho biết đang triển khai thực hiện nội dung này.
Về việc xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh đối với các nhà máy điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và các nhà máy điện lớn; nghiên cứu, đổi mới cơ chế giá điện các khâu phù hợp… Bộ Công Thương cho biết, việc đưa các nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOT và các nhà máy điện lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tham gia trực tiếp thị trường điện cần được tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng và có đánh giá kỹ lưỡng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao Tập đoàn Điện lực (EVN) nghiên cứu xây dựng thêm phương án để nâng cao tính cạnh tranh của các nhà máy điện này trên thị trường điện. Tuy nhiên, qua thẩm định cho thấy phương án do EVN trình còn nhiều điểm hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa phù hợp với quy định hiện hành, đặc biệt là có thể gây ra rủi ro rất lớn về mặt pháp lý khi vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết với chủ đầu tư nhà máy điện BOT và có thể ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ Việt Nam (vì các hợp đồng BOT ký kết tham chiếu theo Luật Quốc tế và các cam kết, bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam).
Phương án cũng chưa đánh giá đầy đủ các nội dung liên quan đến đảm bảo an ninh cung cấp điện, chống lũ, tưới tiêu, quốc phòng - an ninh của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và chưa đánh giá được tác động đến giá bán lẻ điện… Do đó, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo EVN để nghiên cứu thêm phương án đưa các nhà máy điện BOT tham gia thị trường điện theo hình thức trực tiếp.
Về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Bộ Công Thương cho biết, các tập thể, cá nhân thuộc quản lý của Bộ Công Thương, theo phân cấp thẩm quyền, các đơn vị có liên quan (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện) đang tiến hành công tác kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tại đơn vị, xác định tập thể, cá nhân có liên quan vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra tại Kết luận số 1027/KL-TTCP.
Đối với nội dung kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương cho biết các Tập đoàn EVN, TKV, PVN đã được Bộ Công Thương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 11 năm 2018.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thanh tra Chính phủ chuyển nội dung này về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Về xử lý kinh tế, Bộ Công Thương cho biết, ngày 2/8/2023, Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo EVN rà soát, cung cấp số liệu, thông tin, triển khai thực hiện và báo cáo các nội dung liên quan gửi về Bộ Công Thương trước ngày 31/8/2023. Căn cứ nội dung báo cáo của EVN, Bộ Công Thương sẽ xem xét, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án điện mặt trời, điện gió nối lưới trên toàn quốc đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định
Tại Văn bản số 5068/BCT - TTB, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN rà soát các dự án điện mặt trời, điện gió nối lưới trên toàn quốc đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT và báo cáo các nội dung liên quan gửi về Bộ Công Thương trước ngày 31/8/2023. Căn cứ nội dung báo cáo của EVN, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, xem xét, xử lý theo kiến nghị tại kết luận thanh tra.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN, các công ty điện lực tỉnh rà soát đối với các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lớn (xấp xỉ 01 MW) dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, xem xét, xử lý việc áp dụng giá điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Bên cạnh đó, chỉ đạo EVN làm việc với Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, trên cơ sở đó các bên có căn cứ, cơ sở xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện, báo cáo Cục Điều tiết điện lực và Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, xem xét chỉ đạo EVN xác định lãi trên số tiền đã tạm thanh toán vượt khung quy định so với giá điện được Bộ Công Thương phê duyệt đối với Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 và Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A.
Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thực hiện rà soát, đàm phán lại giá mua điện của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Cung cấp cho EVN kết luận thanh tra, kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện mà Bộ Công Thương đã nhận được, chỉ đạo EVN rà soát, đàm phán lại giá mua điện của các nhà máy theo quy định của pháp luật và kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra chuyên đề xổ số tại 8 công ty xổ số kiến thiết (XSKT) các tỉnh, thành phố. Đến nay, tất cả 8 công ty đã có báo cáo thực hiện kiến nghị gửi về Thanh tra Bộ Tài chính.
Trần Quý
14:00 12/12/2024(Thanh tra) - Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kiểm điểm Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) về những khuyết điểm, tồn tại đã được Thanh tra tỉnh nêu rõ tại Kết luận số 102/KL-TTT của Chánh Thanh tra tỉnh.
Ngọc Phó
14:00 12/12/2024Hương Trà
07:30 04/12/2024Thanh Hoa
10:26 03/12/2024Hoàng Nam
09:00 30/11/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh