Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng: Khen thưởng phải đúng, trúng, được dư luận đồng tình

Hải Hà

Thứ bảy, 03/10/2020 - 21:32

(Thanh tra) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương đi đầu trong công tác thi đua, khen thưởng của cả nước, nhưng cũng cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này. Khen thưởng phải trúng, đúng, tạo được động lực tích cực, lan toả trong toàn xã hội, được dư luận đồng tình...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Viết Thành

Sáng 3/10, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, TP Hà Nội đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước TP giai đoạn 2020-2025 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại".

Ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua

Dự và phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chia sẻ, Hà Nội nghìn năm văn hiến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi kết tinh, tỏa sáng trí tuệ, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm và tình cảm sâu sắc cho Thủ đô Hà Nội. Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội, “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết thêm, nhìn lại giai đoạn 2015-2020, Thủ đô Hà Nội đã tiếp tục phát huy tốt vai trò trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Hội Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

TP đã thường xuyên phát động tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, nhiều phong trào mang sắc thái riêng của Thủ  đô, có sức lan tỏa mạnh mẽ như: Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; phong trào thi đua xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; phong trào thi đua hành động "Năm Trật tự và Văn minh đô thị - 2015, 2016”, "Năm Kỷ cương hành chính - 2017”...

Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên đã phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Thủ tướng đánh giá, 5 năm qua, hàng vạn tập thể, cá nhân thuộc TP được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP khen thưởng. "Hà Nội xứng đáng là địa phương đi đầu trong công tác thi đua khen thưởng của cả nước".

Cần vận động phong trào thi đua xây dựng văn hóa người Hà Nội

Đề cập tới nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

Đồng thời, không ngừng vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, làm cho phong trào thi đua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, là trách nhiệm, tình cảm của mỗi sở, ngành, địa phương và của mỗi công dân Thủ đô.

“Chú trọng gắn các phong trào thi đua với việc bồi dưỡng xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, phát triển toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, TP vì hòa bình, TP sáng tạo trong mạng lưới TP sáng tạo của thế giới” - Thủ tướng nói.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao các danh hiệu cho các tập thể. Ảnh: Viết Thành

Đặc biệt, cần có những cuộc vận động phong trào thi đua xây dựng văn hóa và người Hà Nội văn minh, thanh lịch nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của lịch sử 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, phát triển toàn diện, hình thành hệ văn hóa mới, phù hợp với xu thế thời đại để trở thành một động lực quan trọng phát triển Thủ đô, tạo dấu ấn văn hóa người Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Hà Nội trong tất cả mỗi người.

Thủ tướng cũng lưu ý, Hà Nội phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị. Khen thưởng phải khen trúng, khen đúng, khen kịp thời và bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ.

“Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được động lực tích cực lan toả trong toàn xã hội, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích” - Thủ tướng nói.

Đồng thời nhấn mạnh, chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất, người lao động, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, học tập và công tác.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội, tiếp tục phát động phong trào thi đua những tháng cuối năm để có thể đóng góp tăng trưởng gấp 1,3 đến 1,4 lần của cả nước, đi liền với đó là hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước như dự toán Trung ương đã giao...

Quan tâm khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất

Báo cáo kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP cho biết, 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của TP Hà Nội luôn đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức phong trào hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu yếu, việc khó với chủ đề, tên gọi, khẩu hiệu hành động và tiêu chí thi đua cụ thể.

Nói về phong trào thi đua trong 5 năm tới, Chủ tịch TP nhấn mạnh: Công tác thi đua, khen thưởng sẽ tập trung vào đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, các khâu yếu, việc khó của mỗi địa phương, đơn vị.

Tiếp tục hưởng ứng các phong trào do Trung ương phát động, xây dựng các giải pháp phù hợp, nhân rộng các mô hình, điển hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai phong trào,

TP cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng nhân điển hình tiên tiến, thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến.

Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, khen thưởng thành tích trong lao động sáng tạo

Đặc biệt, quan tâm khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các tập thể, cá nhân dũng cảm cứu người, tài sản của nhà nước và nhân dân…

10 cá nhân được trao danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú

Tại hội nghị, TP Hà Nội đã trao tặng danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú cho 10 cá nhân. Các cá nhân được khen thưởng gồm:

1. GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

2. Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa cấp II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế.

3. Nhà thơ Vũ Ngọc Chúc (tức Vũ Quần Phương), nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội.

4. Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm.

5. GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô.

6. Trung tướng Lê Đỗ Nguyên (tức Phạm Hồng Cư), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 2.

7. Bà Lưu Thị Phẩm, công dân thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh.

8. Ông Đoàn Văn Tiến, Quản đốc Bộ phận bảo an, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam

9. Ông Vũ Duy Trương (tức Vũ Oanh), nguyên Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu.

10. Ông Nguyễn Đức Trường, giáo viên, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm