Sau 2 tháng làm quen với chương trình mới, 1 chương trình có 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lần đầu tiên áp dụng, bên cạnh việc dư phản ánh về lượng kiến thức nặng so với học sinh lớp 1 thì câu chuyện ngữ liệu SGK, những vấn đề tồn tại trong việc biên soạn sách tiếp tục là tâm điểm bàn luận.

Những ngày gần đây, dư luận đang bất bình trước sách tiếng Việt lớp 1 Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ sách sử dụng nhiều từ ngữ khó hiểu, ngữ liệu phản cảm nhưng Hội đồng Thẩm định vẫn phê duyệt và dù đã được phản ánh nhưng chưa thấy sửa chữa  biên soạn lại.

Qua tìm hiểu cả 2 tập Tiếng Việt của Bộ sách này, nhiều giáo viên đánh giá, Bộ sách đang dùng nhiều ngữ liệu phản cảm, tuỳ tiện, thậm chí phản giáo dục.

Cụ thể, một giáo viên chỉ ra, ở Tập 2, trang 23, bài tập giải ô chữ dài tới hơn nửa trang. Câu cú thì loằng ngoằng, gây khó khăn cho học sinh lớp 1 vừa bước vào học kỳ 2.

Đố kiểu đánh đố trẻ lớp 1

Ví dụ, trong sách có đoạn đố: “Thỏ có (…) vừa dài vừa to.”

Yêu cầu học sinh phải tìm ra một từ thích hợp với chỗ có ba dấu chấm ( ...).

“Tôi nhìn vào dòng thứ 4 của ô chữ. Dòng ấy chỉ có 3 ô. Đố các vị giải xem từ nào gồm 3 chữ cái chỉ cái “vừa dài vừa to” của thỏ. Tôi thì chịu, vì chẳng lẽ SGK dạy các cháu nói bậy?” - giáo viên này nói.

leftcenterrightdel
 

Ở bài đọc “ Cuộc thi tài năng rừng xanh” nói trên cũng dày đặc những từ ngữ khó như: “Ca khúc ngoao ngoao của mèo rừng”; “chim công khiến khán giá say mê, chuếnh choáng”; “voọc xám với tiết mục đu cây “điêu luyện” trầm trồ”...

Sử dụng bài đọc có quá nhiều từ láy, thậm chí cả từ quá khó, chưa cần dạy cho trẻ ở lứa tuổi này như từ “niêm yết” . 

Vị giáo viên này tiếp tục ví dụ, ở trang 77, ra bài tập “Giúp thỏ tìm đường về nhà” cực khó với trẻ em. Các bé  không thể biết có 3 cái nhà thì nhà thỏ là nhà nào để biết tìm đường về.

Trang 147,  cũng có 1 bài tập giải ô chữ gần kín cả trang, dài hơn 100 chữ, ngang với một bài tập đọc.

Nhiều phụ huynh mệt nhoài theo con học cũng vì lý do này.

Không chịu kém, bài tập 2 (giải ô chữ) ở trang 167 còn có những câu bí hiểm hơn, ví dụ: “Ai ai cũng có / Chẳng nặng là bao ? Bạn ơi đi đâu / Nhớ mang theo nhé. (Là gì?)” Không biết cái mà “ai ai cũng có, chẳng nặng là bao, đi đâu cũng mang theo” này là cái gì, gợi người ta suy diễn ra cái gì.

Câu đố này, không hề có hình ảnh, chi tiết để trẻ em nhận dạng và liên tưởng đến vật dụng hay ngoài vật dụng nên mang theo mình thường xuyên. Ngữ liệu này cũng thể hiện sự cẩu thả, tùy tiện gây khó cho giáo viên khi thực hiện bài học trên lớp. 

Cha được gọi là con gì?

Mục giải câu đố, trang 79, tập 1 có ghi :

Con gì tên rõ là “cha”

Có chứa chữ số nhìn qua ngỡ rùa

Con gì quen vẻ già nua

Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ

Để hiểu được câu đố, theo logic này, trẻ em phải có sự liên tưởng của người ngoài hành tinh: Con gì tên  rõ là “cha”. Ngay từ câu 1, đã thấy vô nghĩa và phản giáo dục:  “Con (vật) gì” có tên gọi “cha” (bố)? Ô hay, kho tàng văn học dân gian đã hết câu đố hay và giàu tính giáo dục đâu, mà bắt trẻ 6-7 tuổi phải buộc hiểu “con gì tên rõ là “cha”?

Đem con vật để bắt trẻ buộc liên tưởng đến người  cha thì có lẽ sau này, trẻ có quyền suy diễn, liên tưởng đến những con vật xấu xí khác, rồi nói đó là cha, mẹ mình, vì sách nói vậy.

Câu thứ hai tệ hơn nhiều: “Có chứa chữ số nhìn qua ngỡ rùa”. Câu này chẳng hề liên quan đến câu trên, nửa toán, nửa văn. Toán thì có chạm đến “chứa chữ số”(?), còn văn thì lại là hình ảnh giả định “nhìn qua ngỡ rùa” .

Theo thiển ý của tôi, học sinh hiểu được câu đố này phải có trường từ ngữ phong phú về loài rùa, ba ba... của người lớn. Hai câu sau “Con gì quen vẻ già nua/ Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ”.

Thì ra hai câu cuối thuyết minh giải nghĩa tiếp cho hai câu đầu. Bổ sung từ “già nua”, bật mí từ “ngắn ngủn” , kèm thêm từ “thỏ”. Khiên cưỡng và tắc tỵ. Có gợi mở kiểu gì trẻ cũng không hiểu được. 

Trừ khi giáo viên nói toạc ra, cha ở đây không phải là người thân sinh, bố đẻ của các em, không phải là ba (má), mà là con ba ba, con rùa. Thế thôi. Những câu đố này thể hiện sự tối nghĩa, nghèo nàn về hình tượng, cẩu thả trong biên soạn và vô trách nhiệm với trẻ em. Vậy có thơ rằng: Con gì không phải là ba/ mà là cha đấy, đúng không, hở rùa ?

“Với những ngữ liệu này, không hiểu vì sao, đến  giờ vẫn chưa được Bộ GD&ĐT yêu cầu sửa. Trong khi con em chúng ta hàng ngày bị hành hạ bởi một mớ ngôn từ hỗn độn vô nghĩa, tắc tỵ và phản giáo dục”, vị giáo viên tiếp lời.

Tiếp tục, ở bài tập 9 chiếm gần hết trang 113, cung cấp 10 thông tin, yêu cầu học sinh cho biết “thông tin nào phù hợp với hổ, thông tin nào phù hợp với mèo”.

Như bài tập của sách, chắc học sinh phải trả lời: Thông tin “sống trong rừng”, “hung dữ” phù hợp với hổ; còn thông tin “sống trong nhà”, “dễ thương, dễ gần” phù hợp với con mèo. Nhưng chỉ sau đó 2 trang, ở bài “Cuộc thi tài năng rừng xanh”, sách đã mô tả “ca khúc ngoao ngoao của mèo rừng”.

Đến đây, chắc cả cô giáo cũng không biết mình đã làm bài tập ở trang 113 đúng hay chưa nữa, bởi vì mèo cũng có loài sống trong rừng và chắc loài mèo đó không “dễ thương, dễ gần” chút nào.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, bà đã gửi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc bên cạnh yêu cầu SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều chỉnh sửa, Bộ GD&ĐT có ra văn bản yêu cầu rà soát, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong 4 Bộ SGK lớp 1 còn lại hay không? Theo bà tìm hiểu, cả 4 bộ còn lại đều được dư luận, báo chí chỉ ra nhiều lỗi, trong đó có lỗi rất nghiêm trọng về Luật Sở hữu trí tuệ.

CTV Thạch Sơn