Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu lượng di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc. Vì vậy, du lịch tâm linh là một trong những thế mạnh, thu hút đông du khách đến với tỉnh.

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều điểm tham quan, du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn Quảng Ninh đã đón lượng du khách tăng  từ 6 - 8 lần so với ngày thường. Điển hình như Khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí) đón khoảng 200.000 lượt khách; đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đón trên 62.000 lượt khách; chùa Lôi Âm, Đức Ông, Long Tiên (TP Hạ Long) đón gần 10.000 lượt khách; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) đón trên 35.000 lượt khách.

Bên cạnh đó, một số điểm du lịch nổi tiếng, khu vui chơi giải trí cũng đón lượng khách tăng từ 40 - 50%, như: Vịnh Hạ Long đón khoảng 40.000 lượt khách; trong đó, khách quốc tế là hơn 15.550 lượt; Khu vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long đón gần 14.000 lượt khách; Bảo tàng Quảng Ninh đón 5.500 lượt khách...

Đặc biệt, ngay trong ngày đầu năm 2023, Quảng Ninh đã đón tàu Silver Spirit đưa 500 khách du lịch quốc tế "xông đất" tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đây là dòng khách du lịch hạng sang, chủ yếu mang quốc tịch Mỹ và châu Âu. Silver Spirit được đánh giá là con tàu lịch lãm, sang trọng với tiện nghi đẳng cấp và nhiều dịch vụ tiện ích như khu vực spa, thẩm mỹ viện, hồ bơi lớn ngoài trời, phòng trị liệu, phòng xông hơi và tắm hơi, các cửa hàng miễn thuế...

leftcenterrightdel
 Du khách thăm quan, chiêm bái tại Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí). Ảnh: TTTT

Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong dịp xuân Quý Mão năm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức gần 150 sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội.

Để đảm bảo các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng tính chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương…

Cùng với đó, tại các di tích, danh thắng thực hiện duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ khi khách du lịch có yêu cầu; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá cả dịch vụ; hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời; giám sát việc tổ chức, quản lý không để tình trạng lợi dụng lễ hội, đông người để trục lợi, kích động bạo lực, mê tín dị đoan.

Riêng đối với thủ phủ du lịch Hạ Long, năm nay TP sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, tổ chức trên 60 sự kiện kích cầu du lịch, hình thành một số mô hình, sản phẩm, điểm du lịch mới hấp dẫn, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh… Trong đó, tập trung vào quản lý quy hoạch, phát triển hạ tầng phục vụ du lịch như: Triển khai quy hoạch Cụm di tích danh thắng núi Bài Thơ; đầu tư một số công trình biểu tượng; nghiên cứu phương án quản lý, khai thác hiệu quả Khu Bảo tồn bản văn hoá người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả)…

Năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu đón 14 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế. Tín hiệu vui những ngày đầu Xuân đã làm “nóng” lại thị trường du lịch, tạo tiền đề góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn của Quảng Ninh.

Trọng Tài