Doanh nghiệp hoang mang

Trước kia, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng nổ, Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất thế giới. Vào năm 2019, Việt Nam đón khoảng gần 6 triệu lượt khách Trung Quốc, tương đương 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Do chính sách “zero Covid”, Trung Quốc gần như đóng cửa biên giới, vì thế, trong 3 năm từ 2020 - 2022, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, không thể đón được khách Trung Quốc. Bắt đầu từ ngày 8/1, Trung Quốc đã mở cửa trở lại, hầu hết các quốc gia đưa ra chính sách thu hút lượng khách Trung Quốc.

Để đón khách du lịch Trung Quốc quay trở lại, nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt các nơi trước đây là điểm đến yêu thích của người Trung Quốc như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng, đều đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, nhân sự và trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều địa phương đã có những đoàn du khách Trung Quốc đầu tiên sau dịch Covid-19, như: Nha Trang, Hạ Long, Lào Cai, Lạng Sơn.

Việc các đoàn khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam sau dịch Covid-19 đang mở ra kỳ vọng nối lại thị trường khách truyền thống của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 6/2, phía Trung Quốc thông báo cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á, nhưng lại không có Việt Nam. Danh sách này khiến cả doanh nghiệp du lịch Trung Quốc và Việt Nam cùng bất ngờ, bị động và hoang mang, kèm với đó là thất vọng lớn. Đó là thiệt thòi lớn đối với doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, bởi vì Việt Nam có ít nhất 3 cửa khẩu lớn với Trung Quốc, giao thông thuận lợi.

Theo các chuyên gia du lịch, trong khi các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn vô cùng khó khăn vì khách nội vắng, khách quốc tế chưa vào nhiều như kỳ vọng, nay thêm thông tin về khách Trung Quốc không sang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào bế tắc. Các doanh nghiệp đang phải gồng gánh nhiều chi phí trong khi lãi suất ngân hàng tăng, thậm chí đối mặt với nguy cơ đóng cửa hàng loạt.

Hàng không dè dặt

Cùng cảnh ngộ với các đơn vị lữ hành, hoạt động của các đường bay cũng không khởi sắc, có nguy cơ vỡ kịch bản. Các chuyên gia hàng không nhận định, trước mắt sẽ chưa có khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam và tương lai cũng "chưa biết bao giờ mới có".

Trước dịch, Trung Quốc là thị trường lớn nhất đưa khách du lịch vào Việt Nam. Mỗi tuần, các hãng hàng không của Việt Nam khai thác khoảng hơn 200 chuyến bay tới nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc. Trong số 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 thì có tới khoảng 6 triệu khách Trung Quốc, hầu hết đi theo các chuyến bay thuê tới Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long.

Mỗi ngày, các tỉnh miền Trung có thể đón khoảng 50 - 70 chuyến máy bay đưa khách Trung Quốc tới.

Gần 3 năm vắng khách Trung, cộng thêm giảm khách Nga, hệ thống lưu trú, dịch vụ ở các điểm đến này rơi vào cảnh tiêu điều.

Trung Quốc chưa mở tour du lịch tới Việt Nam

Ngày 6/2, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp nước này nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài, với danh sách 20 nước. Tuy nhiên, trong danh sách này không có Việt Nam.

Các nước Trung Quốc cho phép mở tour trở lại gồm 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand và Fiji.

Các quốc gia còn lại là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, Cuba và Argentina. 

Một ngày sau khi Trung Quốc thông báo danh sách 20 điểm du lịch nhưng vắng bóng Việt Nam, Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông báo khôi phục 9/10 chặng bay đến Trung Quốc sau gần 3 năm Covid-19. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay số khách trên các chuyến bay kết nối 2 nước không mấy khả quan, chỉ trông chờ vào lượng nhỏ khách thăm thân, công vụ và chuyến bay thuê. Nếu tình hình tháng 3 tới không cải thiện thì Vietnam Airlines vẫn sẽ cố gắng duy trì các đường bay, nhưng sẽ là khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp hàng không.

Cùng với đó, từ tháng 3, hãng này sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay/tuần. Đồng thời, tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Quảng Châu và Thượng Hải. Mỗi đường bay này sẽ được hãng khai thác 4 chuyến bay một tuần. Đây là mức tăng tần suất đáng kể nếu so sánh với hiện tại khi hãng chỉ khai thác từ 1 - 2 chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay này.

Việc khôi phục mạng lưới đường bay tới Trung Quốc nhằm đáp ứng điều kiện "ngặt nghèo" của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc để giữ đường bay, chấp nhận thời gian đầu tỉ lệ khách đi lại chưa đạt như mong đợi, nhưng xác định đây là thị trường lớn nên các hãng bay Việt Nam nhanh chóng khôi phục, nối lại các điểm đến Trung Quốc là cần thiết.

Đồng thời, nằm trong kế hoạch khai thác của hãng với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu phục hồi tốt bắt đầu từ tháng 3, kỳ vọng lượng khách bay giữa 2 nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 80% so với năm 2019.

Hiện tại, các hãng hàng không trong nước cũng đang có những chuyến bay thường lệ và thuê chuyến đến nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu, Bắc Kinh và các điểm du lịch nổi tiếng.

Cơ hội đổi mới cách thức đón khách

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam không nằm trong danh sách cho phép mở tour của Trung Quốc được cho là cơ hội để nhìn nhận lại cách đón tiếp du khách Trung Quốc, chuyển hướng từ diện rộng, số lượng theo hướng chất lượng, nâng tầm thương hiệu du lịch Việt, giảm thiểu hình thức tour du lịch 0 đồng.

Mặt khác, dù Trung Quốc thông báo mở cửa, nhưng để hoàn toàn mở cửa Trung Quốc vẫn cần thời gian để hoàn thiện các quy định liên quan như vấn đề về visa, kiểm soát dịch bệnh... Trung Quốc cũng cần thông qua các kênh ngoại giao để xem các nước đã sẵn sàng để đón khách Trung Quốc chưa. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm khoảng 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, vậy chúng ta cũng cần xem đã sẵn sàng chưa? Nhiều doanh nghiệp lữ hành cần phải có phương án chuẩn bị.

Ngay cả khi khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch trở lại thì thị trường cũng chưa thể khôi phục ngay lập tức. Song, đây cũng là khoảng thời gian phù hợp để các doanh nghiệp du lịch, công ty hàng không sắp xếp, làm mới các sản phẩm của mình và đào tạo hệ thống nhân sự thêm chất lượng.

Ngoài ra, với số lượng chuyến bay thuê ít ỏi, các doanh nghiệp Việt cũng chưa có cơ hội sang Trung Quốc để tìm hiểu nhu cầu, thói quen du lịch của người dân sau đại dịch, đồng thời xúc tiến thương mại và tìm kiếm các điểm đến phù hợp.

Chuyên gia nhấn mạnh: Thị trường Trung Quốc vẫn được xem là tiềm năng, chiến lược và góp phần phục hồi du lịch nhanh chóng, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp du lịch cũng như các hãng hàng không cần thời gian chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chu đáo để tái khởi động, sẵn sàng đón lượng lớn du khách quốc tế, cũng như trước sự "đổ bộ" của khách Trung Quốc - thị trường du lịch lớn của Việt Nam.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp lữ hành du lịch mong đợi cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kết hợp Bộ Ngoại giao sớm trao đổi với đại diện Trung Quốc nhằm kết nối du lịch hai nước. Sớm có hướng dẫn, định hướng liên quan chính sách đón khách, đổi mới sản phẩm và xúc tiến đối với thị trường Trung Quốc, tháo gỡ nút thắt.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ cần nhanh chóng đàm phán, thỏa thuận để mở lại du lịch giữa 2 nước, muộn nhất là trong tháng 3 này để kịp đón đầu cao điểm du lịch hè. Việc du khách Trung Quốc chưa trở lại sẽ khiến Việt Nam khó đạt con số 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.

Thái Hải