Người dân Đà Nẵng đến bây giờ nhắc lại vẫn còn bàng hoàng khi chứng kiến trận lũ lịch sử (hơn 70 năm qua mới xuất hiện lại) vào tối ngày 14, rạng sáng ngày 15/10/2022.

Nói như một cụ ông gần 80 tuổi ở phường Hoà Khánh Nam (quận Liên Chiểu): “Cả cuộc đời tôi mới chứng kiến cảnh lũ lụt lớn như thế này. Liên Chiểu mà bị ngập nặng thì cả TP Đà Nẵng thất thủ…”.

Quả vậy, mưa lũ vừa qua đã khiến người dân TP Đà Nẵng trở tay không kịp, chìm trong biển nước.

Thống kê thiệt hại toàn TP lên đến 1.500 tỷ đồng, nhưng khu vực huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu - nơi có hệ thống núi đồi phòng hộ thiên tai, lại chịu thiệt hại lớn nhất (khoảng 828 tỷ đồng, riêng Liên Chiểu gần 600 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường cho hay, toàn quận có 5 phường thì có 4 phường bị ngập lũ. Các phường ngập nặng nhất là Hoà Khánh Nam, Hoà Khánh Bắc, Hoà Minh, nhiều khu vực nước lũ dâng vào nhà dân từ 1,5 - 2m. Trận lũ đã cướp đi sinh mạng của 4 người và 1 người bị thương.

Ngay sau khi nước rút, quận đã hỗ trợ 10 ngôi nhà của người dân bị sập và tốc mái; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 2.454 hộ khó khăn; cùng với các nhà hảo tâm hỗ trợ các trường hợp người chết và bị thương với tổng kinh phí 269 triệu đồng; huy động nhiều lực lượng như thanh niên, dân quân, bộ đội dọn dẹp vệ sinh đường phố, chợ, trường học để đảm bảo hoạt động liên tục phục vụ công tác an sinh xã hội.

leftcenterrightdel
Diện mạo Liên Chiểu vào Xuân. Ảnh: N.P 

Thực trạng chung về nhà cửa bị ngập là do nằm ở vùng đất ruộng trũng thấp, xây dựng tạm bợ. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, quận đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đề xuất và được TP công bố xoá quy hoạch dự án ga đường sắt bị treo hơn 18 năm qua; tạo điều kiện cho người dân trong vùng quy hoạch làm các thủ tục đất đai để xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định lâu dài.

Tết này, có nhiều nhà dân ở Hoà Minh, Hoà Khánh Nam được sửa sang, nâng cấp khang trang, thoáng rộng hơn để các thế hệ con cháu trong gia đình đoàn tụ, đón Tết vui Xuân.

Sau trận lũ, nhiều thiệt hại không thể đo đếm hết, nhưng người miền Trung chịu thương, chịu khó đã nỗ lực và nhanh chóng khắc phục hậu quả. Nhân dân tranh thủ thu dọn đồ đạc, lương thực bị ẩm ướt, dọn vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết sau lũ dễ phát sinh.

Tại phường Hoà Khánh Nam, Hội Chữ thập đỏ TP cùng với các bác sỹ tổ chức khám các bệnh lý nội khoa, đo điện tim, siêu âm tim và tư vấn chăm sóc sức khỏe trong thời tiết mưa bão và phát thuốc miễn phí, trao các phần quà dinh dưỡng cho 100 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ vào giữa tháng 10/2022.

Nhiều trường học đã được các nhà hảo tâm trao hàng nghìn bộ sách giáo khoa, gần 20 máy vi tính cùng các trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Địa bàn Hòa Vang bị ngập cục bộ tất cả 11/11 xã trong huyện, có 87/113 thôn bị ngập lũ. Nặng nhất là xã Hoà Liên, Hoà Sơn, Hoà Nhơn, Hoà Phong…

Huyện nhanh chóng tập trung nguồn lực khắc phục các khu dân cư và hàng chục km đường giao thông bị sạt lở. Các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho người dân bị sập nhà dựng lại nhà mới, giúp học sinh các cấp nhanh chóng đến trường ổn định việc học tập.

Ông Trương Tấn Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Hoà Vang cho biết, nông dân các địa phương trong huyện nhanh chóng sản xuất vụ rau quả mới tại 17 vùng sản xuất chuyên canh với 237ha; phục vụ nhu cầu tiêu thụ trước và trong dịp Tết. Do ảnh hưởng của dự án và dự báo thời tiết năm nay cực đoan, nên huyện đã cho hợp tác xã chuyên sản xuất hoa Vân Dương (xã Hoà Liên) thuê 10ha khu vực Trường Định để trồng hàng vạn chậu hoa cúc đá.

Làng trồng hoa Dương Sơn (xã Hoà Châu) cũng tất bật chăm sóc cho hoa sớm đâm chồi nảy lộc, trổ bông đúng vụ và đưa ra thị trường đúng dịp giáp Tết Quý Mão.

Trước tình trạng nghĩa trang Hoà Sơn bị sạt lở làm vùi lấp, hư hỏng hàng nghìn ngôi mộ; hàng nghìn chiến sỹ đã bám hiện trường đào xới, vận chuyển đá bằng sức người ra khỏi khu vực chôn mộ, gây xúc động mạnh trong xã hội.

leftcenterrightdel

Nông dân còn trồng nhiều loại hoa ngắn ngày để phục vụ Tết. Ảnh: N.P 

Trong chuyến công tác tại miền Trung, chiều ngày 19/10/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm bà con nhân dân bị thiệt hại trong mưa lũ tại xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng.

Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi bà con, động viên người dân tích cực vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, cuộc sống. Đồng thời, yêu cầu chính quyền, các ban, ngành TP và huyện Hòa Vang khẩn trương tập trung các nguồn lực, khắc phục hậu quả bão lụt, để ổn định đời sống nhân dân.

Diện mạo đô thị vùng Tây Bắc Đà Nẵng ngày một khang trang, hiện đại với nhiều công trình, dự án lớn đang được mở ra, trong đó, dự án bến cảng Liên Chiểu là 1 trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, là cửa ngõ quốc tế kết nối vùng, liên vùng, được khởi công vào cuối năm 2022, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP và khu vực trong thời gian tới.

Cùng với đó là tâm huyết của người dân dồn sức xây dựng quê hương, đời sống, như khoác lên vùng đất Liên Chiểu - Hoà Vang một tấm áo mới trẻ trung, nồng ấm bước vào Xuân mới với nhiều triển vọng.

Ngọc Phó