Tại lễ ra quân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, việc tổ chức thành công lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tại Hòa Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền để các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra, từ đó tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Đồng thời, lễ ra quân còn giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh Hòa Bình hiểu được tầm quan trọng của cuộc điều tra, qua đó chỉ đạo thực hiện tốt cuộc điều tra tại địa phương.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: H.Anh 

Cho rằng nhiệm vụ của các lực lượng tham gia điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 đã được quy định rõ trong phương án điều tra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc triển khai cuộc điều tra theo đúng phương án và tiến độ.

Đối với UBND các xã, phường, thị trấn có địa bàn điều tra, Thứ trưởng đề nghị tích cực tuyên truyền về điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên hệ thống loa truyền thanh; phát đĩa MP3 hỏi - đáp về cuộc điều tra trên hệ thống loa phát thanh xã bằng các thứ tiếng dân tộc phù hợp với mỗi địa bàn điều tra và kết hợp các hình thức tuyên truyền khác theo hướng dẫn; đôn đốc điều tra viên, tổ trưởng thực hiện tốt công tác thu thập thông tin tại địa bàn đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Tại lễ ra quân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, qua điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương cũng như các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2024 và dự kiến đến năm 2025, đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng Thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026 - 2030.

Cuộc điều tra sẽ làm cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức Đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Ông Hầu A Lềnh bày tỏ hy vọng, cuộc điều tra lần này sẽ tiếp tục đưa ra những thông tin, dữ liệu chất lượng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới; từng bước khắc phục, giải quyết những khó khăn đồng thời phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng cuộc điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy. Ảnh: H.Anh

Cũng tại đây, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc và trong việc tiến hành cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số.

Ông Matt Jackson cho rằng, kết quả thu được từ cuộc điều tra sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống.

Ông Matt Jackson nói: "Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ, đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm dân tộc thiểu số đang phải đối mặt".

Hòa Bình có đặc điểm là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm cao trên 73% dân số của tỉnh, hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập và đời sống của số đông đồng bào còn gặp nhiều khó khăn.

Việc thu thập số liệu thống kê về thực trạng dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống… vùng dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết, phục vụ đắc lực cho đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng, hoạch định chính sách phát triển giai đoạn 2026 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo. 


Thanh Lương