Từ trung tâm TP Quy Nhơn, vượt đèo Quy Hòa chừng 5 km là đến làng phong Quy Hòa của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Làng phong Quy Hòa được bao bọc bởi di tích danh lam thắng cảnh quốc gia núi Xuân Vân và biển Quy Hòa. Đây được xem là quần thể danh thắng diễm lệ, vừa mang nét cổ điển vừa mang nét hiện đại với lối kiến trúc độc đáo kiểu nhà thờ Thiên chúa giáo và cũng là điểm hẹn lý tưởng cho chuyến dã ngoại của những người yêu thích khám phá vùng đất xưa muốn tìm hiểu về cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Tại làng phong Quy Hòa, chúng tôi thấy rất nhiều loài cây xanh đã được trồng trong làng, từ cây lâu năm như dừa, phi lao đến loài cây hoa dại mọc bên đường đều xanh ngát một màu. Ngoài những nét đẹp cổ điển, trầm mặc, nhẹ nhàng, thanh thoát, yên tĩnh mang đậm dấu ấn đạo Thiên chúa, nơi đây khiến chúng tôi ngạc nhiên và thích thú là ngôi làng được che phủ bởi màu xanh của cây cỏ, hoa lá. 

Đi tham quan trong làng, chúng tôi gặp một bà cụ ngồi trước hiên nhà đon đả chào những vị khách lạ mặt đến thăm làng. Bà tự giới thiệu tên là Hồ Thị Tiến, năm nay 85 tuổi là người theo đạo Thiên chúa. Bà kể, vào làng chữa bệnh phong từ năm 13 tuổi và sống ở làng 72 năm rồi. Bà yêu thích mảnh đất này vì nơi đây khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, ở đâu cũng có cây xanh, là điều kiện sống rất tốt cho những bệnh nhân phong.

Theo bà Tiến, làng phong Quy Hòa không những có không gian xanh thoáng mát, mà người dân ở đây cũng rất ý thức trong việc bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. “Ở trong làng sạch sẽ lắm, ai cũng ý thức trách nhiệm quét dọn rác sinh hoạt từ nhà mình ra đến nơi công cộng trong làng. Rác được gom lại trong bao để xe rác đến chở đi vào thứ tư và thứ bảy hàng tuần”, bà Tiến vui chia sẻ.

Phóng tầm mắt về phía xa, chúng tôi quan sát thấy tất cả mọi con đường giao thông trong làng đều sạch sẽ tinh tươm, rác được bỏ gọn vào bao và không có tình trạng vứt rác ra đường nội bộ, hay ở trước hiên nhà.

Trò chuyện, bà Lê Thị Vân (64 tuổi theo đạo Thiên chúa), cởi mở nói: “Tôi bị bệnh phong 60 năm rồi, quê ở tỉnh Ninh Thuận, mới đến làng phong sinh sống để chữa bệnh được 6 năm. Điều làm tôi yêu thích nơi đây là không gian xanh, khí hậu trong lành, môi trường sống an toàn, sạch sẽ. Nhà nào cũng trồng cây xanh, trồng hoa, trồng cây ăn trái để cải thiện bữa ăn. Mục đích trồng cây, trước là tạo cảnh quan cho ngôi nhà mình, sau tạo không gian xanh cho làng phong Quy Hòa”.

Cạnh đó, ông Phan Giải tâm sự: Công tác bảo vệ môi trường ở đây rất tốt, hàng tuần có người thu gom rác tại các tuyến đường và các hộ gia đình. Việc này duy trì đã nhiều năm rồi. Ngoài ra, nơi đây cảnh quan thiên nhiên thích thú, vừa có cây xanh hấp thụ, quang hợp ánh sáng vừa có biển đem làn gió mát trong lành nên rất phù hợp để bệnh nhân phong sinh sống và chữa bệnh.

leftcenterrightdel
 Làng phong Quy Hòa cũng là nơi ghi dấu những năm tháng cuối đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ảnh: Thanh Hòa

Ông Trần Công Nghĩa, Trưởng ban Hội đồng Bệnh nhân của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa bộc bạch: Những người sinh sống trong làng phong Quy Hòa là bệnh nhân phong và gia đình của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đến làng để chữa bệnh rồi cùng nhau tạo lập gia đình, sinh con đẻ cái, sống hết quãng đời tại làng phong. Ở đây, có khoảng 1.000 nhân khẩu với gần 300 hộ gia đình. Người dân ở đây hầu hết là đồng bào theo đạo Thiên chúa, họ sống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt lên nỗi đau bệnh tật và cuộc sống.

Theo ông Nghĩa, người dân ở đây ý thức rất cao trong công tác bảo vệ môi trường tại nơi ở sinh hoạt của gia đình cũng như nơi công cộng. "Hàng tuần, hàng tháng sinh hoạt Hội đồng Bệnh nhân, chúng tôi không quên nhắc nhở bà con thực hiện tốt nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, dọn rác sạch sẽ nơi công cộng. Chúng tôi đều gắn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của bà con trong việc giữ vệ sinh chung nên hộ gia đình nào cũng nghiêm túc thực hiện. Chưa nói, hàng năm vào mùa mưa, bà con tập trung vớt rác ở mương nước để không bị ùn tắc tại các ống thoát nước. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, làng phong Quy Hòa vẫn luôn được bảo vệ bình yên và không có ca bệnh xuất hiện".

Rời làng phong, chúng tôi vẫn in đậm lời nói của các bệnh nhân: “Nhờ nếp sống văn minh “sống xanh”, mà bao thế hệ con người ở đây đã chiến thắng bệnh tật, khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời, vui vẻ sống trọn cuộc đời tại ngôi làng xanh Quy Hòa trước khi về thế giới bên kia”.

Thanh Hòa