Trận lũ quét, lũ ống lịch sử xảy ra vào ngày 2/10/2022 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã gây thiệt hại lớn về người và của cho người dân. Theo ước tính, trận lũ đã làm thiệt hại khoảng 220 tỷ đồng và làm chết 1 em bé 4 tháng tuổi. Có 621 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hư hại do lũ lụt, trong đó có 55 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 49 ngôi nhà bị thiệt hại nặng từ 50 - 70%, có 61 ngôi nhà bị thiệt hại từ 30 - 50%. Bên cạnh đó, lũ lụt còn gây sạt lở, nứt nẻ hàng chục ngôi nhà khác; hệ thống giao thông, điện, đường, trường, trạm cũng bị hư hại nặng.

leftcenterrightdel
  Trận lũ lụt lịch sử đã làm chết 01 người và cuốn trôi hoàn toàn 55 ngôi nhà. Ảnh: TQ

Sau thiên tai, UBND huyện đã huy động tổng lực để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do lũ ống, lũ quét, cứu trợ, giúp người dân khắc phục hậu quả, từng bước ổn định cuộc sống. Kêu gọi các tổ chức hỗ trợ trực tiếp cho 72 hộ có nhà ở bị đổ sập, di dời khẩn cấp, hư hỏng nặng không ở được mỗi hộ 10 triệu đồng để làm nhà tạm hoặc thuê trọ, ở xen ghép với người thân.

Đến thời điểm hiện tại đã có 11 hộ dân làm lán tạm, 14 hộ thuê trọ, 67 hộ ở xen ghép nhà người thân. Với sự hỗ trợ của các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị cùng với nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén, xã Tà Cạ, hiện tổng nguồn lực huyện có để thực hiện tái định cư là 65 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Lực lượng bộ đội biên phòng giúp dân dựng lại nhà cửa sau lũ lụt. Ảnh: TQ 

Bên cạnh đó, UBND huyện đã vận động từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ nhân dân với tổng kinh phí trên 64 tỷ đồng. Phân bổ kịp thời gạo cứu đói cho nhân dân vùng thiên tai gần 400.000kg cho hơn 20.000 nhân khẩu.

“Để đảm bảo cho các hộ gia đình nghèo trong toàn huyện nói chung và các hộ gia đình vùng bị lũ lụt nói riêng không bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão năm 2023, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ trên 370.000kg gạo cho trên 4.000 hộ, 24.800 nhân khẩu. Ngoài ra, Huyện ủy; HĐND-UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kỳ Sơn dự kiến sẽ trích ngân sách huyện hỗ trợ thăm hỏi, động viên hộ nghèo đặc biệt khó khăn, hộ gia đình bị thiệt hại về người và nhà ở do lũ quét gây ra. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức trao quà với chủ đề “Tết ấm biên cương” tại một số xã biên giới đặc biệt khó khăn…” - ông Thò Bá Rê nói.

leftcenterrightdel
 Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (áo trắng giữa) tiếp nhận tài trợ của các cơ quan, đơn vị. Ảnh: TQ

Về lâu dài, theo ông Rê, UBND huyện Kỳ Sơn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tái định cư cho 200 hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà cửa và bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở không thể xây dựng nhà cửa.

“Khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND huyện Kỳ Sơn sẽ khẩn trương thực hiện để người dân có đất xây dựng nhà mới để ổn định cuộc sống lâu dài” - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê cho biết.

Trao đổi với PV, ông Vi Văn Mằn, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết, trong 55 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi thì có tới 54 hộ thuộc xã Tà Cạ, trong đó, bản Hòa Sơn có 34 hộ, bản Bình Sơn 1 có 9 hộ, bản Sơn Hà có 6 hộ và bản Bình Sơn 2 có 5 hộ. Bên cạnh đó còn có hàng chục hộ bị sạt lở nghiêm trọng thuộc diện phải di dời.

“Hiện nay các hộ bị lũ cuốn trôi nhà cửa, sạt lở nặng đang từng bước ổn định cuộc sống bằng cách ở ghép với người thân, thuê nhà ở trọ, hoặc dựng tạm lán để sinh hoạt chờ dự án tái định cư” - ông Mằn cho biết.

leftcenterrightdel
  6 nhân khẩu hộ ông Vi Văn Tình, bản Hòa Sơn đang sống trong ngôi nhà tạm này. Ảnh: TQ

Ông Vi Văn Tình, bản Hòa Sơn cho biết, nhà ông có 6 khẩu, trận lũ quét đã cuốn đi tất cả nhà cửa, tài sản mà gia đình ông dành dụm, tích lũy được hàng chục năm nay. Hiện gia đình ông đang dựng nhà tạm trên đất của Trưởng bản để sinh sống. Mong rằng UBND tỉnh Nghệ An sớm phê duyệt dự án tái định cư cho người dân để có đất xây dựng nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.

Ông Moong Văn Hùng, 1 trong 09 hộ bị lũ cuốn trôi nhà cửa tại bản Bình Sơn 1, hiện đang mượn đất dựng ngôi nhà tạm để duy trì cuộc sống cho biết, mặc dù cơ sở vật chất không đầy đủ, nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự giúp đỡ của người dân địa phương và các nhà hảo tâm, gia đình tôi vẫn cố gắng để có một cái Tết đầm ấm, an lành.

Cũng như các hộ dân vùng rốn lũ, ông Hùng mong muốn UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Kỳ Sơn sớm triển khai dự án tái định cư để người dân sớm ổn định cuộc sống.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà tạm của hộ ông Moong Văn Hùng, thôn Bình Sơn 1. Ảnh: TQ 

Trao đổi với PV, ông Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn cho biết, bản Hòa Sơn là một trong những điểm bị thiệt hại nặng nề nhất do lũ lụt gây ra. Bản có 220 hộ thì có tới 34 hộ bị lũ lụt cuốn trôi hoàn toàn. Hiện các hộ bị lũ cuốn trôi nhà, tài sản và các hộ bị ảnh hưởng từ 50 - 70% đang từng bước khắc phục nơi ở như: mượn đất dựng nhà tạm, đi thuê nhà ở hoặc ở ghép với người thân.

“Cuộc sống của người dân vùng rốn lũ đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, mong rằng các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để người dân vùng rốn lũ Kỳ Sơn có được cái tết đầm ấm, an lành” - ông Vi Văn Truyền nhắn gửi.

Còn theo ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, vừa qua, các đồng chí đứng đầu chính quyền tỉnh đã về lại huyện Kỳ Sơn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, đồng thời nghe và cho ý kiến thống nhất phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ lũ lụt. Trong đó, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất cao phương án mà địa phương phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất đó là tái định cư cho bà con. Khu tái định cư đã được khảo sát tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, với tổng diện tích gần 13ha, đủ để bố trí tái định cư cho 225 hộ dân. Tổng mức đầu tư xây dựng khu tái định cư ước khoảng 70 tỷ đồng. Đến nay, UBND huyện đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến người dân, để tránh trường hợp khu tái định cư hoàn thành nhưng người dân không chuyển đến ở...

“Đây là vấn đề rất cấp thiết cho trước mắt và cả lâu dài. Huyện dự kiến thực hiện dự án tái định cư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng mặt bằng cho nhân dân để xây dựng nhà tạm từ nguồn kinh phí tài trợ của các đơn vị. Giai đoạn 2 xây dựng hệ thống đường giao thông, kè, mương, cống rãnh... các hạng mục phụ trợ từ nguồn kinh phí dự phòng ngân sách tỉnh”, ông Hòe cho biết thêm.

3 tháng trôi qua, nhiều người không muốn nhắc đến tên vùng đất này nữa, bởi đó là nỗi đau của họ. Tà Cạ - cái tên được nhắc nhiều nhất trong trận lũ lịch sử vào ngày 2/10 vừa qua nay đã khác. Cuộc sống mới đang bắt đầu. Dòng Huồi Giảng, sông Nậm Mộ vẫn đêm ngày thao thiết chảy. Vùng đất ấy nay đã được khoác lên một màu áo mới, một sức sống đầy niềm tin yêu và nghị lực.

Trần Quý - Xuân Thống