Hà Mòn hôm nay đang tự hào với thành tích, là địa phương đầu tiên của khu vực Tây Nguyên về đích nông thôn mới (NTM) và hiện nay đã đạt 9/10 tiêu chí NTM nâng cao.

Tà đạo Hà Mòn

Cách trung tâm huyện chỉ vài cây số, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, nhìn khang trang, sạch sẽ với nhà cửa được xây dựng kiên cố, các con đường liên thôn liên xã được đổ bê tông.

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Hà Mòn chia sẻ, so với trước đây, đời sống của người dân trên địa bàn xã đã có rất nhiều thay đổi. Bà con đã tập trung đầu tư, chăm sóc cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê nên nhìn chung, đời sống khá ổn định. Khi xã phát động tham gia xây dựng NTM, bà con rất đồng lòng, người góp sức, người góp công nhờ vậy diện mạo các thôn có nhiều khởi sắc.

leftcenterrightdel
Đường liên thôn, liên xã tại Hà Mòn đã được bê tông hóa mang lại cuộc sống khang trang, sạch sẽ cho người dân. Ảnh: ĐT

Dù cuộc sống đã đổi khác nhưng người dân xã Hà Mòn vẫn không bao giờ quên những năm tháng khốn khổ khi tà đạo Hà Mòn còn gọi là "tà đạo Y Gyin", hay "Công giáo Đề-ga" bủa vây, khiến cuộc sống bị đảo lộn, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Tà đạo này do đối tượng Y Gyin (sinh năm 1942), còn tên gọi khác là Y Ên khởi xướng từ cuối năm 1999 sau một câu chuyện bịa đặt, hoang đường nhằm lừa bịp mọi người. Đối tượng Y Gyin cho rằng đã nhìn thấy "Đức Mẹ Maria hiện hình" và được "Đức Mẹ" chọn làm "sứ điệp" để phán truyền cho loài người vào lúc nửa đêm ngày 20/12/1999.

Khi đó, Y Gyin là một tín đồ đạo Công giáo, là người không biết chữ, hành nghề thầy cúng (thầy mo) trú ở làng Kơ Tu, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Cộng với sự giúp sức của nhiều đối tượng khác, sự việc sau đó được thêu dệt, lan truyền với nhiều luận điệu xuyên tạc. Sự xuất hiện của tà đạo Hà Mòn đã gây ra không ít hậu quả về nhiều mặt, trong đó có việc cản trở quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những người theo tà đạo Hà Mòn được khuyến khích không tham gia sinh hoạt với cộng đồng và tách ra thành các nhóm riêng biệt, gây ra khoảng cách vô hình giữa một bộ phận quần chúng nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, gây mâu thuẫn giữa những người theo tà đạo Hà Mòn với bà con theo đạo Công giáo hoặc không theo tôn giáo.

Tà đạo này còn “dạy dân” những việc vi phạm pháp luật như: Tổ chức đám cưới không đăng ký kết hôn; không chấp hành lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự; hạn chế tiếp xúc với “người lạ”. Tà đạo Hà Mòn còn đưa ra luận điệu: “Ai tin theo Đức Mẹ không phải lao động vất vả mà cuộc sống vẫn sung sướng”, nhiều người bỏ lao động sản xuất, mặc cho điều kiện hoàn cảnh kinh tế của gia đình đang còn nhiều khó khăn;

Nguy hiểm hơn, tà đạo này còn phá hoại phong tục tập quán và kích động tư tưởng ly khai, tự trị bằng những “lý lẽ” như: Kêu gọi tín đồ không được uống rượu nhưng thực chất là vận động đồng bào không tham gia sinh hoạt cồng chiêng tập trung tại Nhà Rông. Vì không uống rượu, không tham gia sinh hoạt tập trung nên “đập bỏ ché làm rượu, bỏ cồng chiêng”.

Mặt khác, những đối tượng cầm đầu còn tuyên truyền “đạo Hà Mòn mới là tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên” sẽ được Giáo hoàng, Liên hợp quốc công nhận và giúp đỡ tiền bạc.

Bên cạnh đó, chúng xuyên tạc những chính sách của Nhà nước, khi rao giảng rằng “Nhà nước bắt người dân tộc thiểu số thực hiện kế hoạch hóa gia đình là để triệt tiêu nòi giống, không cho họ phát triển”…

leftcenterrightdel
Trồng cà phê mang lại thu nhập cao cho người dân Hà Mòn. Ảnh: ĐT 

Trước tình hình ngày càng phức tạp của tà đạo Hà Mòn, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Công an đã tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh Tây Nguyên, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tập trung lực lượng đấu tranh, ngăn chặn.

Cuối cùng hoạt động của những kẻ cầm đầu tà đạo Hà Mòn và tổ chức phản động đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và truy quét; một số kẻ tham gia tổ chức phản động ở Gia Lai, Kon Tum đã bị bắt.

Ngày 28/5/2013, tại xã H’ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử 8 kẻ cầm đầu tà đạo Hà Mòn, gồm: Y Gyin, A Hyum, A Tách, Runh, Jơnh, Byưk, Đinh Hrôn, Đinh Lứ với tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết” và đã phải nhận các mức án tương ứng với tội lỗi gây ra.

Gần 10 năm đã trôi qua, Hà Mòn đã thay đổi từng ngày, tình hình an ninh trật tự tại các buôn, làng trọng điểm về tà đạo Hà Mòn đã ổn định, hệ thống chính trị từng bước được củng cố; góp phần tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn này; nhất là chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân…

Vươn lên thoát nghèo

Năm 2005 đánh dấu năm người dân Hà Mòn trở lại cuộc sống bình thường khi tất thảy họ đã hiểu ra lẽ phải, nghe theo cán bộ chính quyền, đẩy lùi tà đạo ra khỏi làng, bản, rũ bỏ quá khứ, bắt tay vào làm ăn, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát khỏi cuộc sống đói nghèo tối tăm.

Nói về những đổi thay của Hà Mòn trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Thái Lâm, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết: Năm 2010, thực hiện phong trào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã bắt tay xây dựng kế hoạch, lộ trình và giải pháp thực hiện các tiêu chí, đồng thời nỗ lực thực hiện. Kể từ khi phát động xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đời sống của người dân có những thay đổi rõ nét. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng.

Tận dụng lợi thế vùng trồng cà phê, người dân xã Hà Mòn chăm chỉ làm ăn, vươn lên nên đời sống kinh tế chuyển biến rõ rệt. Không ít hộ nghèo trong xã đã thoát nghèo, nhiều hộ còn trở thành hộ khá giả. Chỉ sau 3 năm từ 2010, triển khai xây dựng NTM đến năm 2013, Hà Mòn trở thành xã đầu tiên của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt chuẩn NTM.

Sau khi về đích NTM, xã Hà Mòn cũng xác định, nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là giữ vững và từng bước nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Ông Hoàng Danh Chuyền (thôn 1, xã Hà Mòn) cho biết: Gia đình có hơn 17ha cà phê, 2ha ao nuôi cá, 5.000 cây ăn quả, mỗi năm thu nhập hơn 700 triệu đồng. Thông qua các mô hình kinh tế, ông Chuyền đã giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân địa phương. Khi được chính quyền vận động, ông đã sẵn lòng đóng góp 150 triệu đồng để làm đường.

“Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho người dân chúng tôi rất nhiều. Bây giờ cuộc sống cũng đã khá hơn rồi, có của ăn, của để dành. Chính quyền vận động người dân làm đường giao thông, cũng là để người dân đi lại thuận lợi, bán được hàng hóa, nên mình cũng phải tham gia đóng góp chứ”, ông Chuyền nói.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hà Mòn, kể từ khi tiến tới xây dựng NTM nâng cao, xã Hà Mòn đã tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao các tiêu chí. Ví dụ, Hà Mòn là vùng trồng cây cà phê chủ lực, nhưng nhiều thời điểm giá cà phê giảm thấp, Đảng bộ kịp thời bàn bạc, ra Nghị quyết chuyển hướng trồng xen canh cà phê. Nhà nào tái canh cây cà phê, thì sẽ trồng xen cây ăn trái để phát triển kinh tế... Hiện nay, toàn xã đã nâng cao được 9/10 tiêu chí nâng cao của chương trình NTM. Xã chỉ còn vướng 1 tiêu chí chưa đạt là còn 13 hộ nghèo đa chiều, trong đó có 6 hộ nằm trong trường hợp không còn sức lao động. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền đang tìm giải pháp để hoàn thành tốt tiêu chí này.

Với hướng đi theo chỉ đạo từ Trung ương, chính quyền địa phương, người dân và cán bộ lãnh đạo xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đã lựa chọn con đường đúng đắn cho mình là thoát khỏi những âm mưu đen tối của tà đạo, từng bước trở lại cuộc sống bình thường và đặc biệt là cùng nhau xây dựng xã trở thành xã đạt NTM. Ít ai ngờ tới, từ một điểm “nóng” bị tà đạo bủa vây, giờ đây người dân Hà Mòn đã trở thành một trong những xã chấp hành pháp luật tốt nhất, an ninh trật tự được bảo đảm, đời sống người dân không chỉ thoát nghèo mà phần nhiều có đời sống tốt, trình độ văn hóa cũng không ngừng được nâng cao.

Sự hồi sinh của Hà Mòn cũng chính là thành công của những ngày tháng tuyên truyền đường lối pháp luật không ngừng nghỉ của chính quyền các cấp nơi đây.

 

Đức Tuyền