Từ trung tâm TP Đà Nẵng đi về phía Tây Bắc, vượt chừng 30km đường sá quanh co, gồ ghề trong điều kiện thời tiết mưa to trắng trời, nước sông Cu Đê đục ngầu cuồn cuộn chảy về xuôi, chúng tôi mới đến Hoà Bắc - là xã cuối cùng của huyện Hòa Vang (nằm giáp với huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào một ngày giữa tháng 10/2021.

Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, Hòa Vang cho biết, toàn xã có 7 thôn gồm 1.444 hộ dân với 4.533 nhân khẩu, trong đó có 281 hộ dân với 901 nhân khẩu thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí của người đồng bào dân tộc Cà Tu.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Hòa Bắc giữ vững tiêu chí là “hậu cứ” vùng xanh an toàn của toàn huyện Hòa Vang. Từ đầu mùa dịch bệnh đến nay, trên địa bàn xã chưa ghi nhận ca nào dương tính trong cộng đồng; chỉ có hơn 10 ca F1 là công nhân khu công nghiệp về, khi nắm được thông tin, tổ Covid cộng đồng đã đưa đi cách ly tập trung.

Thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 16/8/2021 của Đảng bộ xã Hòa Bắc về việc triển khai mô hình tự quản và bảo vệ vùng xanh theo phương châm “mỗi người dân là 1 chiến sỹ trên mặt trận chống dịch, sản xuất, cùng giữ vững an toàn xã hội. Mỗi gia đình là lá chắn xanh. Mỗi khu dân cư là 1 pháo đài chống dịch”; ngay từ đầu tháng 9/2021, UBND xã Hòa Bắc đã xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai mô hình, với mục tiêu 100% người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, 100% đại diện các hộ gia đình được lấy mẫu xét nghiệm; đảm bảo tự cung, tự cấp 80% nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ…

leftcenterrightdel
 Lực lượng trực chốt 24/24 giờ. Ảnh: P.T

Để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, xã đã thành lập 7 tổ Covid-19 do các trưởng thôn làm tổ trưởng; 7 ban điều hành do các bí thư chi bộ thôn làm trưởng ban. Tăng cường 70% cán bộ, công chức không làm việc tại trụ sở xã để chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch tại nơi cư trú (trung bình mỗi thôn có từ 2 -3 cán bộ xã tăng cường theo phương châm “3 tại chỗ” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở).

Đời sống của người dân Hoà Bắc chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp và làm nương rẫy, chủ yếu “tự cung, tự cấp” nên còn rất khó khăn. Chia sẻ với người dân khi thực hiện giãn cách xã hội, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước; xã và các tổ chức, đoàn thể xã hội đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, hàng hoá trị giá hơn 235 triệu đồng.

Xây dựng tổ hậu cần (trong tổ Covid cộng đồng) thực hiện tổng hợp nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp cần thiết, đảm bảo 100% người dân có đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách.

leftcenterrightdel
 Đội Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh xã Hoà Bắc lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: P.T

Phó Chủ tịch xã Hồ Phú Thanh chia sẻ, không đợi đến khi dịch bệnh bùng phát và có lệnh của trên mới chốt chặn kiểm soát, mà ngay từ khi có thông tin dịch bệnh ban đầu, người dân trong thôn, xóm, bản, làng đã cử lực lượng tình nguyện viên tham gia giám sát đi lại của người dân dưới sự điều hành trực tiếp của bí thư chi bộ và trưởng thôn.

Xã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên nguyên tắc “siết ngoài, soát trong”. Xây dựng phương án triển khai bảo vệ từng thôn, từng khu dân cư thành các vùng xanh an toàn, hướng tới xây dựng Hòa Bắc thành “hậu cứ xanh” an toàn cho huyện và TP; nhưng không để xảy ra tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, gây khó khăn cho các hoạt động xã hội.

Để bảo vệ thành quả vùng xanh, trên địa bàn xã đã thành lập 2 chốt kiểm soát tại thôn Phò Nam (đường ĐT601) và thôn An Định (đường ADB 5), 1 chốt cố định trên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan. Các tổ, chốt thực hiện kiểm tra giấy đi đường, phiếu đi chợ của người dân. Những người không trú trên địa bàn khi vào xã phải được sự đồng ý của tổ trưởng chốt kiểm soát, phải khai báo y tế và thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Đối với những trường hợp cấp thiết người dân buộc phải ra vào vùng xanh, thì tổ trưởng chốt kiểm soát phải báo cáo trực tiếp với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của xã. Các trường hợp vận chuyển hàng hóa vào khu vực vùng xanh phải được khử khuẩn trước khi vào địa bàn các thôn, khu dân cư… Nghiêm cấm tụ tập đông người trên địa bàn.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng giúp dân thu hoạch vụ mùa. Ảnh: P.T

Đồng bào Cà Tu thường có nhiều sinh hoạt tín ngưỡng trong các ngày lễ hội, ma chay, mừng lúa mới… nhưng trong thời gian dài chống dịch đều dừng hết các lễ hội. Nếu có ma chay thì tang lễ tổ chức không quá 24 giờ (rút ngắn 50% thời gian so với quy định của TP) và không tập trung quá 20 người. Người dân Hòa Bắc nếu đi đám tang ngoài địa bàn xã về phải khai báo y tế và cách ly 14 ngày tại nhà…

Vai trò của trưởng thôn, già làng, trưởng bản được phát huy cao độ, nhất là khi người đồng bào Cà Tu ban đầu còn e ngại với việc “lạ lùng” là đi xét nghiệm, tiêm vắc xin, thì những già làng Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí), Đinh Hồng Thanh (thôn Tà Lang) đã xung phong tham gia trước và sau đó 100% người dân bản, làng tin tưởng và hưởng ứng hết.

Trên địa bàn xã có Giáo xứ Hội Yên tuân thủ không tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng tập trung đông người tại nhà thờ hàng tuần, mà sử dụng hệ thống loa truyền thanh phổ biến trong khu vực giáo dân; kết hợp với tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào Công giáo chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh của Nhà nước.

Trong bộn bề lo toan, đã xuất hiện những tấm gương đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh, như ông Hồ Phú Sâm, Trưởng thôn Phò Nam sáng tác hàng chục bài thơ, hò vè mang chất liệu, âm hưởng của dân ca Khu V để tuyên truyền giúp người dân dễ hiểu, nhập tâm và phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

Dẫu gió mưa, giông bão, vẫn có nhiều cán bộ cao tuổi cần mẫn hàng ngày chở loa kẹo kéo xuống từng con hẻm nhỏ để tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh, nên Hoà Bắc liên tục giữ vững “điểm sáng” vùng xanh đến ngày nay.

N. Phó - Q. Thân