Vừa qua, Văn phòng Chính phủ lại nhận được kiến nghị của các đại diện công ty vận tải hành khách đường bộ tại TP HCM về việc sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô liên quan đến “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình… Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét, xử lý và trả lời các DN trước ngày 15/3/2017.

Mấy năm chưa dẹp được “bến lậu” và nỗi khổ người dân

Kiến nghị của đại diện các công ty vận tải hành khách đường bộ tại TP HCM có liên quan đến việc dẹp trật tự “xe dù”, “bến lậu” qua đó để các DN vận tải có môi trường cạnh tranh công bằng.

Sở GTVT TP HCM đã kết luận, TP hiện có 86 điểm đón trả khách trong nội đô, nhiều nhà xe đã tìm cách lách luật để hoạt động xuyên tâm sai qui định. Dọc các tuyến đường tại quận 10, quận 5 không khó để nhận ra rất nhiều xe trên 25 chỗ không có phù hiệu xe khách đậu đỗ hoặc di chuyển lòng vòng qua các tuyến phố. Khi thấy không có các lực lượng chức năng, những xe này tấp vào lề đường, từ phía sau xe trung chuyển chạy tới, hành khách và hàng hóa được chuyển qua xe khách trong vài phút.

Một trong những điểm hoạt động vận tải hành khách gây bức xúc dư luận là địa chỉ 419, Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10 (cổng ra vào là số 1 đường Vĩnh Viễn của Cty Thành Bưởi). Đây cũng là nỗi khổ của các cán bộ lão thành Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sống trong cư xá của NHNN (đối diện số 1 Vĩnh Viễn).

Bác Võ Tá Phùng (ở số nhà 6E đường Vĩnh Viễn) - nguyên lãnh đạo cấp cao NHNN - bức xúc nói: “Địa chỉ này gọi là bến xe mới đúng, vì sau 22h rất nhiều xe 50 chỗ, chở đầy khách trên xe đi từ trong bến xe ra và taxi, xe ôm thì đứng đầy đường Lê Hồng Phong, đường Vĩnh Viễn để đón khách, hoạt động này ầm ầm cả đêm, những người già như tôi mất ngủ triền miên”.

Tuy nhiên, Thanh tra Sở GTVT HCM lại cho rằng: “Địa điểm này kinh doanh theo đúng chức năng DN, chỉ phục vụ cho nhu cầu đỗ xe nội bộ của Cty TNHH Thành Bưởi…”.

Theo ông Phạm Học Lâm, nguyên Phó Thống đốc NHNN: “Việc cắm biển cấm xe tải đầu đường từ 6h - 22h chỉ là chiêu để trấn an dân, thực ra sau 22h, khách đến đây rất tấp nập đến 2,3 giờ sáng, xe ra vào bấm còi inh ỏi, rất mất trật tự. Cháu tôi đi Đà Lạt cũng tới mua vé và lên xe tại đây. Hoạt động như vậy thì phải gọi là bến xe mới đúng, không thể gọi là trung chuyển được và dù hoạt động bất cứ theo hình thức nào cũng không nên tồn tại một bến xe như thế trong thành phố. Nhà nước cần xem xét lại việc cấp giấy phép cho một “bến xe” như thế trong thành phố có đúng quy định không? Sức khỏe của chúng tôi bị ảnh hưởng trầm trọng vì vừa bị mất ngủ, vừa ô nhiễm môi trường, cứ 3 xe trung chuyển bằng một xe 50 chỗ ngồi và hầu như là xe chạy dầu nên rất ô nhiễm. Mấy năm nay chúng tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này, không hiểu sao đến nay “bến lậu” này vẫn chưa dẹp được”.

Theo Báo cáo ngày 21/9/2016 của UBND quận 10 gửi UBND TP nêu rõ địa điểm kinh doanh của Cty Thành Bưởi tại 419 Lê Hồng Phong hoạt động như một bến xe nhưng không theo quy hoạch đã được phê duyệt, không trình duyệt phương án phòng cháy chữa cháy... "Bến xe này là đất của Nhà nước cho Cty Cổ phần Giày Sài Sòn thuê và đơn vị này đã sử dụng sai mục đích", Báo cáo nêu.

UBND quận 10 cũng đã gửi công văn cho Cty Thành Bưởi và Cty Cổ phần Giày Sài Gòn “về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh đón trả khách tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong phường 2, quận 10”.

Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện này vẫn gây nhức nhối. “Bến lậu” tại số 419 Lê Hồng Phong, quận 10 vẫn ngang nhiên hoạt động là vì sao?

Có bảo kê cho hoạt động bến xe trá hình?

TS Phạm Sanh, chuyên gia về GTVT cho biết: Vấn nạn “xe dù, bến lậu” ở TP HCM nói chung và vi phạm của bến xe khách lậu ở số 1 Vĩnh Viễn, quận 10 nói riêng là quá rõ ràng. Điều đáng buồn là, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của TP đã nhiều lần chỉ đạo phải xử lý dứt điểm, nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ” vì cơ quan chuyên trách là Thanh tra GTVT không thực sự vào cuộc quyết liệt, khiến dư luận rất bức xúc, nghi ngờ có sự bảo kê? Nếu TP HCM cứ để tình trạng này thì hậu quả sẽ rất lớn, bởi nhân dân mất lòng tin vào kỷ cương phép nước.

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM lại cho rằng: “Điều quan trọng nhất là cần phải làm sao để các DN đó không thể lách hành lang pháp lý. Vì khi cơ quan quản lý đến kiểm tra, họ căn cứ vào điều này để xử phạt nhưng DN lại đưa ra điều khác để phủ nhận lại thì như vậy làm sao mà giải quyết được”.

Xe dù, xe trá hình đã xuất hiện hàng năm qua, lãnh đạo TP hứa xử lý dứt điểm, thế nhưng đến nay, vẫn không xử lý nổi. Thậm chí, khi các cơ quan truyền thông phản ánh còn bị chính DN này đi thưa kiện ngược vì phản ánh, tố giác.

Quá bức xúc, mới đây, Đài Truyền hình VTC có công văn chất vấn lãnh đạo UBND TP vì sao không xử lý được xe khách trá hình? Vì sao không xử lý việc cho thuê đất công trái mục đích để làm bến xe lậu tại số 419 đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10?... Liệu có hay không chuyện bảo kê cho hoạt động bến xe trá hình này? Và, ai là người bảo kê bến xe lậu khi đất ở đây là đất của Nhà nước đã được quận 10 khẳng định “sử dụng sai mục đích”. Điều này rất cần được thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm.

Nghiêm Lan