Gia đình truyền thống cách mạng 

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương sinh năm 1938 tại xã Lộc Hưng, Trảng Bàng, Tây Ninh trong một gia đình cách mạng. Khi 3 tháng tuổi, ông đã được gửi cho một người cô nuôi dưỡng để ba mẹ đi hoạt động cách mạng. Năm lên 8 tuổi, mẹ ông bị bắt, đày đi Côn Đảo rồi hy sinh. Năm 1959, cha ông cũng hy sinh trong một lần hoạt động quân báo. 

Tháng 5/1959, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thương quyết định tham gia cách mạng. Trong ông luôn tràn đầy tình yêu Tổ quốc và lòng căm thù giặc. Năm 1961, ông được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy T4 Sài Gòn - Gia Định). Sau đó, ông được chuyển sang hoạt động trong ngành tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Mười Nho (đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn). 

Trong 10 năm hoạt động chiến đấu từ năm 1959 đến tháng 2/1969, ông được giao nhiệm vụ giao liên tình báo ở khu vực Bắc Sài Gòn (Sài Gòn - Bến Cát - Bình Dương). Đây là thời điểm khó khăn bởi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà luôn tỏ ra thận trọng, thường xuyên kiểm soát gắt gao trên tuyến hành lang trọng điểm này. Dù khó khăn gian khổ nhưng ông vẫn thực hiện hàng nghìn lần chuyển nhận chỉ thị, tài liệu và đưa đón hàng trăm cán bộ từ ngoài căn cứ vào trong Sài Gòn và từ Sài Gòn ra căn cứ an toàn. 

Ngày 10/2/1969, trong lần trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, ông bị máy bay Mỹ phát hiện, hạ thấp định bắt sống. Ông đã chủ động dùng súng AK bắn rơi một máy bay lên thẳng, diệt 3 tên lính Mỹ. Quân đội Mỹ phải huy động một lực lượng lớn gồm 72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 và sư đoàn 5 lính Việt Nam Cộng Hòa mới bắt được ông, nhưng ông đã cất giấu tài liệu kỹ trước khi bị bắt. 

“Lúc này, tôi đã giấu xong tài liệu vào luống cày rồi nấp vào một chỗ kín đáo. Khẩu súng chỉ còn 21 viên đạn. Chờ địch tới gần 15 thước, tôi bắn 20 viên đạn tiêu diệt nhiều lính Mỹ. Viên cuối cùng tôi định tự sát, nhưng nghĩ lại lời thề Đảng viên không được tự sát, tôi quyết dụ chúng đến gần để tiêu diệt cướp súng. Để đánh lừa lính Mỹ, tôi vờ đầu hàng, tiến về phía máy bay. Khi chúng hạ độ cao, hạ thang dây, tôi cướp súng của một tên địch và bắn liên tiếp vào ổ chia lửa của máy bay. Một chiếc bốc cháy, nhiều máy bay khác lao tới đổ quân bao vây. Lúc này tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tôi bị thương và bị chúng dùng báng súng đập gãy cánh tay, ngất lịm”, ông Thương kể khi còn sống. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương (khi còn sống) bên gia đình. Ảnh: XN

 

Qua ải kim tiền

Bị bắt về Sài Gòn, ông Thương được lính Mỹ dẫn về ngôi biệt thự rất sang trọng có tên Hoa Hồng. Ở đây, bọn chúng cài sẵn một “bóng hồng” xinh đẹp, mang dáng dấp một thiếu nữ con nhà lành, có học thức chờ đón và chăm sóc ông. Tại phòng khách, một người lính Mỹ đeo quân hàm Đại tá chỉ cho ông xấp tiền 10.000 USD, chiếc xe hơi, ngôi biệt thự và nói “tất cả những thứ này là của ông, điều kiện duy nhất là thừa nhận ông chính là Nguyễn Văn Thương”. Không chỉ vậy, nếu ông chịu hợp tác thì chúng sẵn sàng trao cho một bộ quân phục hai bông mai cấp Trung tá trên vai áo. 

“Khi học làm tình báo, tôi được dạy là bọn nữ tâm lý chiến thường dùng nhan sắc, mặc quần áo hở hang, khêu gợi xác thịt... nhưng cô gái mà tôi gặp lại đoan trang, thùy mị. Suốt 100 ngày cô chỉ có những lời êm ái hỏi thăm gia cảnh, chăm sóc sức khỏe và những tâm tình tưởng chừng như được rút ra từ trong sâu thẳm tâm hồn cô, rồi những lời nói về tình ái, những động tác thân xác đúng “bài” tình yêu lãng mạn, đánh vào tâm lý và bản năng con người hòng làm tôi lay chuyển, lơ là mà tiết lộ thông tin về tổ chức cách mạng của ta”, cựu chiến sĩ tình báo miền Nam kể lại trong hồi ký. 

Cô gái được quân Mỹ giao nhiệm vụ moi thông tin từ ông được gọi với cái tên rất mỹ miều Thùy Dương. Dù cố tỏ ra thân thiện, rất ít nhắc đến cách mạng nhưng Thùy Dương làm đủ mọi cách để khiến người tình báo giao liên phải khai ra hết. 

Nhiều lần, bằng cách ăn mặc khá khêu gợi cô vào phòng ngủ của ông để hy vọng Nguyễn Văn Thương có thể khai ra tên thật và tài liệu mật, nhưng đều không mua chuộc được ý chí của người tình báo. “Anh nghe em đi, nói ra hết chúng ta sẽ có 10.000 USD đi xứ anh đào. Nếu không nghe, Mỹ sẽ đập nát 2 bàn chân của anh bởi nó là bàn chân của giao liên tình báo”, Thùy Dương thủ thỉ trong một lần tìm cách gần gũi ông. 

Sau 100 ngày ở trong ngôi biệt thự, dù dùng tiền, nhà cửa và gái đẹp không thể mua chuộc được ông, quân Mỹ bắt đầu áp dụng “giai đoạn 2” với những màn tra tấn tàn độc, khủng khiếp. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương khi còn trẻ. Ảnh tư liệu

 

Tinh thần bất khuất trong 6 lần địch cưa chân 

Trong quá trình bị bắt giam, chúng dùng đủ mọi đòn tra tấn dã man để nhằm khai thác thông tin từ ông. “6 lần cưa chân của giặc Mỹ khiến tôi không thể nào quên được. Để bắt đầu cho việc hành hình tôi, chúng trói chặt tôi lên chiếc bàn rồi bẻ gãy hai ngón chân út khiến tôi đau đến tận tim”, ông Thương kể lại trong một lần gặp PV. 

Sau đó, chúng bắt đầu dụ dỗ ông nhưng đáp trả lại những câu hỏi của chúng, ông chỉ im lặng và nhận mình là Nguyễn Trường Hân, là lính đào ngũ chứ không phải Nguyễn Văn Thương - Tổ trưởng Giao liên tình báo miền Nam như lời tên phản quốc Chiến Cá chỉ điểm. Tiếp đó, cứ cách mấy ngày chúng lại đến thẩm vấn ông và lần lượt 10 ngón chân của ông đều bị đập nát. Khi bẻ xong 10 ngón chân chúng dùng gậy đập nát hai bàn chân để ông không thể tiếp tục làm tình báo. 

Dù nhiều lần chết đi sống lại, nhưng ông vẫn chịu đựng vì một niềm tin vào Đảng. “Chỉ cần tôi khai ra nhiều cơ sở bí mật của quân ta sẽ bị bại lộ và việc đó hoàn toàn bất lợi. Tôi thà chết chứ nhất định không hợp tác với giặc, không bao giờ bán nước”, ông Thương khẳng định khi còn sống. 

Khi các vết thương ở bàn chân chưa lành, ông tiếp tục bị quân Mỹ cưa chân. Mỗi lần, bọn chúng cưa một đoạn, chúng cưa lúc bằng gang tay, khi thì chỉ vài xăng ti mét, khi thì một đoạn. 

“Trong nhiều ngày, chúng đã cưa chân tôi 6 lần và đây là quãng thời gian đau đớn khủng khiếp nhất. Mỗi lần chuẩn bị cưa, chúng lại áp dụng nhiều thủ đoạn tra tấn tâm lý kéo dài sự căng thẳng, kéo dài sự đau đớn. Hết đánh lại cưa, cưa xong lại chữa trị cho lành, gần lành chúng lại cưa. Có đợt, cưa xong chúng lại đưa tôi ra làm vật thí nghiệm cho bác sĩ Mỹ thực tập. Cứ như thế, chúng cưa nhiều lần, cưa nhiều đoạn và cho đến lần thứ 6 thì tôi đã vĩnh viễn mất đi đôi chân”, hồi ký ông Thương ghi lại.

Lòng can đảm và sự anh dũng của Thiếu tá Nguyễn Văn Thương đã khiến cho những tên đầu sỏ, “đồ tể” người Mỹ lúc đó phải thốt lên: “Tao thua rồi, mày là sinh vật thép”. 

Sau khi dùng đủ các chiêu trò từ tâm lý đến tra tấn không đạt được kết quả, ông bị đưa về giam giữ tại trại giam Hố Nai. Trong tù, ông vẫn tiếp tục hoạt động, đấu tranh, viết truyền đơn nên bị chúng liệt vào dạng tù cấm cố, nhốt vào thùng sắt 3 tháng, nơi mà người tù bình thường khó chịu đựng nổi qua 15 ngày, rồi bị đày ra Côn Đảo. Đến năm 1973, sau Hiệp định Paris, ông được thả tự do về đoàn tụ với gia đình với thân hình không còn lành lặn. 

Ông được Nhà nước trao tặng: 2 Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất; 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba; 14 lần đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 6/11/1978, ông Nguyễn Văn Thương được Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Ngày 13/8/2018, người cựu chiến sĩ tình báo ấy đã qua đời, hưởng thọ 81 tuổi. Sự ra đi của Thiếu tá Nguyễn Văn Thương để lại niềm thương tiếc vô hạn với gia đình, bạn bè, đồng đội và dân tộc Việt Nam.

Xuân Nam