Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xếp hàng

Ngô Quốc Đông

Thứ tư, 05/04/2023 - 15:06

(Thanh tra) - Ở nước ta, từ nhiều năm qua thường hay thấy có hiện tượng người dân phải đi xếp hàng rất lâu để thực hiện một chủ trương mới nào đó liên quan đến cá nhân.

Trong ngày cuối cùng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, khách đến các cửa hàng giao dịch của ba nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone tại Hà Nội rất đông. Ảnh: https://vietnamnet.vn/

Ví dụ, xếp hàng đổi từ chứng minh thư 9 số sang căn cước công dân 12 số. Sau đó không lâu, nhiều người xếp hàng để cập nhật các dữ liệu cá nhân vào căn cước công dân gắn chíp như số người phụ thuộc, giấy phép lái xe, đăng ký xe, mã số thuế, thẻ bảo hiểm. Gần đây là xếp hàng đăng kiểm xe cơ giới. Hay trước đó, xếp hàng mua xăng vì nhiều cây xăng đóng cửa…

Từ 15/3/2023 đến nay, các đại lý của nhiều mạng viễn thông như Vinaphone, Mobiphone, Viettel có nhiều người chen chân đổ xô đi xếp hàng để cập nhập các thông tin liên quan đến số thuê bao di động mà họ sử dụng.

Dễ thấy, những đợt xếp hàng này có phạm vi phổ biến toàn xã hội. Đành rằng, một chủ trương cần phải chấp hành để đảm bảo lợi ích cá nhân và thuận tiện cho việc quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng thấy việc đồng loạt người dân phải chờ đợi để làm một điều gì đó trong thời đại 4.0 dường như vẫn là quá thủ công và tốn thời gian của không ít người.

Nhìn lại hiện trạng xếp hàng để đăng ký lại thông tin thuê bao điện thoại cho chính chủ gắn kết với các dữ liệu quốc gia về dân cư mới thấy tình trạng thuê bao rác thực sự quá trôi nổi và gây nhiều bất cập hiện nay.

Cách đây hơn 10 năm, vào năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông từng ra Thông tư 04/2012 để chuẩn hoá các thông tin cá nhân gắn với số điện thoại. Theo đó, mọi người đều phải khai báo các thông tin cá nhân khi đăng ký sử dụng một thuê bao. Nhưng rồi, các cửa hàng sim, thẻ điện thoại vẫn bán tràn lan khắp mọi nơi. Người ta chỉ cần bỏ ra ít tiền là có thể mua một số mới mà không cần đăng ký.

Thời gian trôi qua, dần dần việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đe doạ, quấy rối, mời chào, quảng cáo… xuất hiện từ chính những số thuê bao không rõ nguồn gốc này. Đến nay việc này cần chấn chỉnh nên mới có chế tài mạnh hơn. Cụ thể là thuê bao nào không trùng với dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ bị khoá. Từ hiện trạng sim rác và hệ quả của nó, người ta có thể thấy rõ hiệu lực của Thông tư 04/2012.

Rõ ràng, việc ra thông tư là cần thiết, nhưng giữa văn bản và việc thực thi có một khoảng cách không nhỏ. Điều này dẫn đến phạm luật và nhờn luật, tạo ra những hệ quả không tích cực cho xã hội mà xếp hàng cũng là một trong số hệ quả đó.

Quan sát từ việc xếp hàng đi đăng ký, cập nhật thông tin cho số điện thoại di động mới thấy: Xếp hàng là một hiện tượng xã hội, dù xã hội hiện đại hay cổ truyền con người đều phải biết xếp hàng. Xếp hàng cũng phản ánh những chỉ báo xã hội của một quốc gia hay cộng đồng. Nếu như sự xếp hàng có nề nếp, trật tự chứng tỏ cộng đồng đó rất có ý thức và văn hoá. Tuy nhiên, xếp hàng còn là việc chen lấn xô đẩy, chen ngang cho thấy những người tham gia bị câu thúc bởi thời gian hay một nền hành chính công vụ bị quá tải. Bởi vậy, xếp hàng dễ dẫn đến những hành vi ồn ào và cử chỉ thiếu văn hoá.

Nhà nước cần phải làm gì để người dân tham gia các dịch vụ hành chính công đỡ phải xếp hàng? Đó là câu hỏi ngành Hành chính, ngành Nội vụ cần suy nghĩ thêm cho dù chính sách một cửa đã giải quyết nhiều nhược điểm trước đây. Nhưng có lẽ, trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, chúng ta phải cần cải tổ mạnh mẽ hơn nữa các dịch vụ công để đỡ tốn thời gian của người dân và cũng giảm tải cho các nhân viên viên hành chính.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm