Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tích cực bảo vệ rừng vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Thứ sáu, 15/07/2011 - 08:58

(Thanh tra)- Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn thuộc huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) có hệ động, thực vật phong phú luôn được bảo vệ nghiêm ngặt nhờ sự vào cuộc của đồng bào Dao, Mường và các dân tộc khác sống trong khu vực vùng lõi VQG.

Với sự hỗ trợ của Ban Quản lý (BQL) VQG Xuân Sơn, đồng bào ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn đã nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng theo nhóm hộ hoặc cá nhân. Đây là phương pháp bảo vệ rừng rất hiệu quả thông qua trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Để việc bảo vệ rừng bền vững, người dân trong bản đã xây dựng hương ước bảo vệ rừng, trong đó, các gia đình cam kết không chặt phá rừng, không săn bắt động vật hoang dã, không đốt nương làm rẫy... Khi phát hiện người lạ vào phá rừng, người dân thông báo cho chính quyền địa phương và BQL VQG để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Đặng Văn Phúc, Trưởng bản Cỏi cho biết: Việc xây dựng hương ước đã giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Những diện tích rừng được người dân bảo vệ, chăm sóc luôn phát triển tốt, các loại cây gỗ quý đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy tiền công bảo vệ, chăm sóc rừng không nhiều nhưng nhân dân đều nhận thức rằng, rừng chính là nơi bảo vệ sự sống, đồng thời cũng là nguồn sống của người dân. Trưởng bản thường xuyên tổ chức họp dân để thông báo tình hình thực hiện hương ước, tình hình phát triển sản xuất, an ninh trật tự và các mặt khác của đời sống. Đây cũng là dịp để mọi người thắt chặt tình đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

BQL VQG Xuân Sơn đã tích cực tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của rừng, từ đó, nâng cao ý thức giữ rừng của bà con. Việc tuyên truyền thực hiện lồng ghép qua việc phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa truyền thanh xã. Đặc biệt, việc tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình bằng cả tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào đã thực sự phát huy hiệu quả. Ông Phạm Văn Long, Giám đốc VQG Xuân Sơn chia sẻ: Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt là nhờ chính người dân sống trong khu vực. Đã từ lâu, trên địa bàn không có tình trạng chặt phá rừng, săn bắt thú, đốt nương làm rẫy. Việc tuần tra rừng của cán bộ VQG đều có sự góp sức của người dân. Bên cạnh thu nhập từ việc chăm sóc rừng, người dân luôn thấy cán bộ BQL và chính quyền địa phương gần gũi, hoà đồng đã tạo động lực giúp bà con tích cực hơn trong công việc vô cùng khó khăn này.

Nói về những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng, ông Phạm Văn Long cho rằng, VQG Xuân Sơn không có lực lượng kiểm lâm chuyên trách bảo vệ rừng nên rất khó khăn cho việc xử lý các vụ việc. Khi phát hiện có vụ xâm phạm rừng, BQL phải báo cho lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương để phối hợp xử lý. Bên cạnh đó, địa bàn rất rộng, lực lượng mỏng nên việc tuần tra rất khó khăn, nhất là vùng giáp ranh các tỉnh bạn.

Ông Bàn Xuân Lâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn trăn trở: Đất đai sản xuất của người dân trong khu vực rất ít cũng là yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của nhân dân. Mặc dù sống trong rừng nhưng không được phép khai thác rừng, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Xuân Sơn có 258 hộ với 1.058 khẩu, chủ yếu là đồng bào Dao và Mường sinh sống ở bản Cỏi, bản Dù, bản Lấp và bản Lạng. Cả xã có 47ha ruộng cấy lúa 2 vụ, năng suất đạt khoảng 2 tạ/sào. Hệ thống đường giao thông khá thuận lợi, điện lưới đã đến từng nhà, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, người ốm được chăm sóc y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao tới trên 51%.

VQG Xuân Sơn được thành lập năm 2002 trên cơ sở nâng cấp từ khu bảo tồn thiên nhiên. Tổng diện tích của vườn gần 33.700ha, trong đó vùng lõi trên 15.000 ha, vùng đệm trên 18.600 ha. VQG nằm trên địa phận xã Xuân Sơn và một phần của 6 xã khác thuộc huyện Tân Sơn là: Xuân Đài, Kim Thượng, Đồng Sơn, Lai Đồng và Tân Sơn.

Kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy, Vườn có 180 họ, 680 chi và 1.218 loài thực vật, trong đó có 40 loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam. Các nhà khoa học cũng thống kê VQG Xuân Sơn có 365 loài động vật, trong đó có 69 loài thú quý hiếm như: vượn đen tuyền, nai, hoẵng, sơn dương, báo hoa mai, gấu...; 240 loài chim, tiêu biểu là Hồng Hoàng, gà rừng, gà nhiều cựa...; 32 loài bò sát; 24 loài lưỡng thê, tiêu biểu là cá cóc Xuân Sơn...

Hệ thống hang động đá vôi đẹp cũng là đặc trưng của VQG để thu hút khách du lịch. Đặc điểm các hệ sinh thái VQG Xuân Sơn được chia làm 12 kiểu khác nhau, như: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; rừng kín thường xanh nhiệt đới trên đất đá vôi xương xẩu; rừng thứ sinh phục hồi sau nương rẫy; trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh...

Trương Văn Quân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm